Xuất khẩu Hà Nội: Một năm bứt phá

Càng cận Tết Nguyên đán, hoạt động xuất, nhập khẩu ngày càng sôi động hơn, với nhiều hợp đồng lớn được ký kết, nhiều đơn hàng dời cảng. Cùng với cả nước, năm 2019, Hà Nội cũng bội thu trong hoạt động này với kim ngạch xuất khẩu đạt 17,5 tỷ USD, tăng 25,8%, vượt chỉ tiêu tới trên 17%.

DN Hà Nội giới thiệu sản phẩm tìm kiếm bạn hàng tại Nam Phi thông qua hội chợ SAITEX 2019. Ảnh: Lê Nam

DN Hà Nội giới thiệu sản phẩm tìm kiếm bạn hàng tại Nam Phi thông qua hội chợ SAITEX 2019. Ảnh: Lê Nam

Để có kết quả đó, ngay từ đầu năm Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến giao thương, liên kết hợp tác, hỗ trợ DN. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu (XK) của Hà Nội năm 2019 đã bứt phá mạnh mẽ, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước.

Doanh nghiệp nội át doanh nghiệp FDI

Một số mặt hàng có tốc độ tăng cao so cùng kỳ năm trước là nhóm hàng linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi, đạt tăng 4,4% so với cùng kỳ; hàng dệt may tăng 16,8%; máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng 2,8%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 17,8%.

Kết quả này cho thấy, DN đã chủ động, tận dụng sự phục hồi của những nền kinh tế lớn, đồng thời cũng là thị trường XK trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, các nước trong EU, Trung Quốc...

Đặc biệt, để XK tăng trưởng mạnh mẽ, bên cạnh việc tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống, DN đã tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực hoặc đang tiếp tục đàm phán để mở rộng thêm nhiều thị trường XK mới. Đặc biệt, DN Thủ đô đã bước đầu XK hàng hóa sang thị trường châu Phi, đây là điểm sáng trong hoạt động XK của TP Hà Nội năm 2019.

Nhằm nâng cao kim ngạch XK, trong năm 2020, TP Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp chung, đồng thời đẩy mạnh các giải pháp cho từng chuyên ngành, nhóm hàng XK riêng. Với ngành hàng linh kiện điện tử, máy tính và thiết bị ngoại vi, sẽ xây dựng thí điểm một số cụm công nghiệp điện tử nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích liên kết sản xuất giữa các DN. Riêng nhóm hàng nông sản, Hà Nội sẽ tập trung hỗ trợ, đầu tư cho các nghiên cứu về giống và kỹ thuật canh tác nhằm tăng năng suất cho hàng nông sản, tăng cường đầu tư vào các nhà máy chế biến để tăng giá trị gia tăng cho mặt hàng này.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản

Nổi bật nhất trong bức tranh XK năm 2019 của Hà Nội chính là tỷ trọng XK của khối DN ngoài nhà nước đã có sự tăng trưởng mạnh, lấn át DN FDI. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải đánh giá, dù cả ba khối DN nhà nước, DN ngoài nhà nước và DN FDI đều có mức tăng trưởng XK cao so với cùng kỳ năm 2018, nhưng tỷ trọng hàng XK của khối FDI đã không còn chiếm ưu thế như trước đây.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, kim ngạch XK khối DN nhà nước đạt 355.600 tỷ đồng, khu vực DN ngoài nhà nước đạt 2.015.198 tỷ đồng, trong khi khối DN FDI chỉ đạt 173.494 tỷ đồng... Con số này đã cho thấy công tác cổ phần hóa, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát huy hiệu quả.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, để nâng cao kim ngạch XK, bên cạnh các nhóm hàng XK có thế mạnh, trong thời gian tới, Hà Nội cũng cần định hướng và triển khai các giải pháp thúc đẩy XK những sản phẩm có tiềm năng trở thành mặt hàng chủ lực trong tương lai như phần mềm - công nghệ thông tin, vật liệu xây dựng. “Đáng chú ý là nhóm vật liệu xây dựng cần bắt đầu với các thị trường Trung Đông và châu Phi, nơi có nhu cầu lớn về vật liệu xây dựng nhưng chủ yếu phải nhập khẩu” - ông Nguyễn Minh Phong tư vấn.

Tăng tính chuyên nghiệp trong xúc tiến thương mại

Cùng với sự nỗ lực của các DN, trong năm 2019 TP Hà Nội đã đầu tư nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN quảng bá thương hiệu, sản phẩm, tìm kiếm đối tác tiêu thụ, qua đó mở rộng thị trường.
Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, nhằm hỗ trợ DN mở rộng thị trường XK, năm 2019,

UBND TP Hà Nội và Sở Công Thương Hà Nội tăng cường các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, CHLB Đức, Các tiểu vương quốc Ả Rập... Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội (HPA) đưa DN tham dự hội chợ, triển lãm quốc tế tại châu Phi...

Nói về những tác động hỗ trợ DN mở rộng thị trường XK của hoạt động xúc tiến thương mại, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú cho biết, trong quá trình tham dự Hội chợ SAITEX 2019 ở châu Phi, Sunhouse đã có thêm cơ hội giới thiệu tới người tiêu dùng châu Phi nhiều mặt hàng đồ gia dụng mang thương hiệu Sunhouse.... Đặc biệt, Tập đoàn Sunhouse đã gặp gỡ, ký kết hợp đồng thương mại với DN Nam Phi, đưa sản phẩm đồ gia dụng Sunhouse hiện diện tại thị trường Nam Phi, Mozambique.

Thời gian qua, TP Hà Nội chú trọng hoạt động kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa DN Thủ đô với DN bán lẻ quốc tế đang kinh doanh tại Việt Nam, giúp DN XK hàng hóa ra thị trường quốc tế. Tại chợ đầu mối nông sản quốc tế Rungis (Cộng hòa Pháp), HPA đã tổ chức Tuần hàng nông sản Việt Nam, qua đó DN Việt Nam đã giao dịch, kết nối, đàm phán với hơn 100 DN nhập khẩu nông sản Pháp.

Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, năm 2018, lần đầu HPA tổ chức Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội tại Nhật Bản với 6 mặt hàng bán thử nhưng doanh thu đạt gần 6 tỷ đồng/tuần. Không dừng lại ở đó, tháng 6/2019, Tập đoàn AEON phối hợp với HPA tổ chức tuần hàng tại 40 điểm của AEON, trong đó chú trọng mặt hàng hoa quả, cá tra... đưa doanh thu đạt 10 tỷ đồng/tuần.

Có thể thấy, để đạt được sự bứt phá trong hoạt động XK, TP Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, đổi mới trong phương thức hỗ trợ DN theo hướng chuyên nghiệp, qua đó đạt hiệu ứng xúc tiến cao, tiết kiệm kinh phí. Các DN cũng đã chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm XK, nâng tầm thương hiệu, đồng thời xây dựng lòng tin với người tiêu dùng nước ngoài đối với các sản phẩm Việt Nam.

Thu Hương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/xuat-khau-ha-noi-mot-nam-but-pha-361476.html