Xuất khẩu khó đạt mục tiêu

Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, Việt Nam từng được kỳ vọng hưởng lợi nhất do các nhà nhập khẩu tìm cách chuyển hướng nguồn cung ứng để tránh mức thuế cao.

Nhưng, có vẻ như những gì đang diễn ra lại không như kỳ vọng khi mà phần lớn các thị trường chính đều có dấu hiệu sụt giảm, đe dọa tới những kế hoạch của nhà xuất khẩu. Liệu 4 tháng còn lại của năm 2019 gió có đảo chiều?

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019. Nguồn: Tổng cục Hải quan

Xuất khẩu các thị trường lớn sụt giảm

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu được khoảng 145 tỷ USD, con số này đang thấp hơn cùng kỳ khoảng 1 tỷ USD. Trong khi kế hoạch năm nay Việt Nam sẽ đạt khoảng 262 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với năm ngoái.

Tại thị trường Trung Quốc, phần lớn các mặt hàng thủy sản, nông sản, gạo…đều sụt giảm so với cùng kỳ. Đặc biệt là mặt hàng gạo đã sụt giảm nghiêm trọng, theo tính toán của Tổng cục Hải quan, chỉ riêng mặt hàng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc đã sụt giảm tới 75%, một con số có thể nói là “gây sốc” ngay cả đối với những người trong nghề.

Cùng cảnh ngộ với mặt hàng gạo, mặt hàng dệt may hiện cũng được cho là đang “đói” đơn hàng. Theo như lời ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam thì nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng đói hàng, lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018.
Không chỉ gạo hay dệt may mà mặt hàng thủy sản, nhất là xuất khẩu tôm cũng đang sụt giảm mạnh. Số liệu từ VASEP cho thấy, 6 tháng đầu năm 2019, XK tôm Việt Nam chỉ đạt 1,4 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân được cho là giá tôm nguyên liệu giảm, giá xuất khẩu chưa tăng, nhu cầu nhập khẩu giảm từ các thị trường chính, cạnh tranh mạnh từ Ấn Độ, Ecuador là một trong những yếu tố khiến xuất khẩu tôm Việt Nam chưa thể đảo chiều đi lên.

Gió khó đổi chiều

Thời gian còn lại của năm 2019 không còn nhiều, trong khi những dự tính ban đầu đều có vẻ đi chệch hướng khiến sức nặng đang đè nặng lên các doanh nghiệp. Trong khi đó, theo dõi tình hình thị trường không mấy khả quan, nếu không muốn nói là còn tồi tệ hơn. Đặc biệt, hôm 5/8 đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã bất ngờ giảm mạnh, chỉ còn 7 Nhân dân tệ/USD.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đồng Nhân dân tệ giảm giá trong khi Việt Nam đồng ổn định sẽ tác động mạnh đến xuất khẩu. Hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung quốc sẽ đắt đỏ hơn. Điều này sẽ làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam bởi các nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ ép giá các doanh nghiệp Việt.

Trong khi đó, các nước đang đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe như EC siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT); nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc...

Các chuyên gia cũng cảnh báo điều quan ngại nhất đối với xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối năm chính là việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ, bởi Mỹ sẽ gia tăng kiểm tra xuất xứ từ hàng Việt Nam xuất qua Mỹ sau khi chứng kiến nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam tăng vọt tỷ lệ thuận với sự sụt giảm xuất khẩu từ phía Trung Quốc.

Quốc Anh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/xuat-khau-kho-dat-muc-tieu-156388.html