Xuất khẩu LNG nhiều nhất thế giới, Mỹ đối diện với những 'mặt trái' nào?

Với lượng xuất khẩu năm 2023 vượt qua các nhà cung cấp hàng đầu Australia và Qatar, Mỹ lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, theo Bloomberg.

Lập kỷ lục mới

Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy Mỹ đã xuất khẩu 91,2 triệu tấn LNG vào năm 2023, lập kỷ lục mới của nước này.

Theo ông Alex Munton, Giám đốc nghiên cứu khí đốt và khí hóa lỏng toàn cầu tại hãng tư vấn năng lượng Rapidan Energy Group, sản lượng kỷ lục của Mỹ được thúc đẩy bởi 2 yếu tố. Thứ nhất, cảng xuất khẩu Freeport LNG hoạt động hết công suất trở lại, giúp sản lượng tăng 6 triệu tấn. Cảng vốn bị đóng cửa trong nhiều tháng sau vụ cháy nổ vào tháng 6/2022.

Mỹ đã xuất khẩu 91,2 triệu tấn LNG vào năm 2023.

Yếu tố thứ hai là sản lượng cả năm tại cơ sở Calcasieu Pass của Venture Global LNG, liên doanh giữa ExxonMobil và QatarEnergy, tăng 3 triệu m3 so với năm 2022.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng của Mỹ, 7 cảng LNG hiện tại của nước này có thể sản xuất tới 323 triệu m3 LNG mỗi ngày, đủ để đáp ứng nhu cầu khí đốt tổng hợp của Đức và Pháp.

Hàng chục dự án LNG khác đã được đề xuất, hầu hết đều nằm xung quanh ranh giới Texas - Louisiana. Dự kiến trong năm nay, có hai dự án LNG mới tại Mỹ sẽ bắt đầu đi vào khai thác và vận hành. Đó là cơ sở của Venture Global LNG đặt tại Plaquemines, bang Louisiana và trung tâm Gloden Pass ở bang Texas - dự án liên doanh giữa Exxon Mobil và QatarEnergy. Khi vận hành hết công suất, hai dự án này sẽ giúp sản lượng LNG của Mỹ tăng thêm 38 triệu m3 tấn/năm.

Trong khi đó, Qatar, nhà cung cấp LNG hàng đầu vào năm 2022, lần đầu tiên chứng kiến khối lượng xuất khẩu giảm kể từ năm 2016, với mức giảm 1,9%, khiến quốc gia này rơi xuống vị trí thứ ba về xuất khẩu LNG. Úc đứng thứ hai, với lượng xuất khẩu ít thay đổi so với năm 2022.

Vấn đề môi trường

Việc Mỹ gia tăng xuất khẩu LNG đã giúp xoa dịu cơn khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, nhưng lại khiến cuộc sống của các cộng đồng vốn đã chịu đựng tác hại của hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch trong nhiều thập niên trở nên tồi tệ hơn.

Cơ sở sản xuất Cameron LNG.

Trong nhiều thập niên, các cộng đồng ven vịnh Mexico ở hai bang Louisiana và Texas của Mỹ được mệnh danh là “Thung lũng chết" do các nhà máy hóa dầu khổng lồ thải ra chất thải độc hại.

Trong bối cảnh bùng nổ hiện nay, hàng loạt cơ sở công nghiệp mới dự kiến sẽ tiếp tục được xây dựng ở những khu vực này. Hai trên tổng số các cơ sở LNG lớn nhất nước Mỹ là Cameron LNG của công ty Sempra và Calcasieu Pass của công ty Venture Global LNG nằm trong bán kính 50km tính từ nhà máy lọc dầu Citgo Lake Charles ở bang Louisiana - một trong những cơ sở hóa dầu lớn nhất nước Mỹ. Và các công ty đang đề xuất xây dựng thêm 6 nhà máy mới ở khu vực lân cận.

Tuy nhiên, một số người dân địa phương đang yêu cầu chấm dứt các hoạt động xây dựng. Họ cho rằng họ đang bị biến thành "vật tế thần" trong cuộc chạy đua nhằm đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng tại châu Âu trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine bùng nổ khiến nguồn cung năng lượng hạn chế.

Theo thống kê, châu Âu vẫn là điểm đến chính của LNG Mỹ trong tháng 12, với 5,43 triệu m3, tương đương hơn 61%. Châu Á xếp sau với 2,29 triệu m3 trong cùng thời gian, tương đương 16,6% LNG xuất khẩu của Mỹ.

Chuyên gia Ben Cahill của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, trụ sở ở Washington D.C) cho rằng ngành năng lượng mang lại lợi ích kinh tế và địa chính trị cho Mỹ, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng dung hòa được với các mục tiêu về khí hậu của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Minh Đăng

Theo Bloomberg, Financial Times

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/xuat-khau-lng-nhieu-nhat-the-gioi-my-doi-dien-voi-nhung-mat-trai-nao-20180504224293663.htm