Xuất khẩu mì ăn liền vào EU cần đảm bảo an toàn ngay cả khi bỏ chứng thư

Chiều nay, 24/3/2023 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với các đơn vị liên quan xuất khẩu mì sang EU. Buổi làm việc do Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì, có sự tham gia của Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, đại diện 8 doanh nghiệp xuất khẩu mỳ ăn liền sang EU và 02 đơn vị kiểm nghiệm.

Thời gian qua với sự nỗ lực rất lớn của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp, phiên họp kỹ thuật của Tổng vụ Tổng Vụ An toàn và sức khỏe (SANTE) của Ủy ban châu Âu trong tuần từ 9 đến 16/2/2023 đã ghi nhận bước đầu thành công của Việt Nam trong kiểm soát an toàn thực phẩm với mì ăn liền. Để đưa mì ăn liền của Việt Nam từ Phụ lục II (yêu cầu có chứng thư và kiểm soát 20% tại cửa khẩu) sang Phụ lục I (kiểm soát tại cửa khẩu EU với tần suất 20%, không yêu cầu có chứng thư).

Số lượng chứng thư (HC) được cấp đến tháng 2 năm 2023

Tính đến tháng 02 năm 2023, Bộ Công Thương đã cấp 3.170 HC được cấp vào thị trường EU thông qua 21 cảng, trong đó quốc gia có số lượng HC nhiều nhất là Đức (1.715 HC).

Với nỗ lực rất lớn của Bộ Công Thương và doanh nghiệp, trong 6 tháng cuối năm 2022, EU không phát hiện vụ vi phạm nào của Việt Nam với mỳ ăn liền và được Tổng vụ SANTE ghi nhận trong phiên họp Kỹ thuật trong tuần từ ngày 09 đến ngày 16 tháng 02 năm 2023.

Để loại bỏ chứng thư an toàn thực phẩm đối với mỳ ăn liền, cần nỗ lực rất lớn của Bộ và các doanh nghiệp xuất khẩu mỳ trong việc kiểm soát chất lượng để từ đónâng cao uy tín của hàng hóa Việt Nam vào EU và tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường EU.

Bộ Công Thương nỗ lực “gỡ” chứng thư

Kết nối trực tuyến từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu mì ăn liền, ngay sau khi EU công bố kế hoạch kiểm soát an toàn thực phẩm cho 6 tháng đầu năm 2023, Thương vụ đã liên tiếp làm việc và vận động Tổ công tác về An toàn thực phẩm của Tổng Vụ An toàn và sức khỏe (SANTE) của Ủy ban châu Âu.

Cụ thể, cơ quan Thương vụ từ ngày 9 đến 16/2/2023, khi EU họp rà soát tình hình an toàn thực phẩm của hàng xuất khẩu của EU, trong đó có xem xét vấn đề mì ăn liền của Việt Nam, Thương vụ đã liên tục gặp các nhóm kỹ thuật, vận động bạn xem xét bỏ chứng thư an toàn thực phẩm với mì ăn liền. Điều này được lập luận, Bộ Công Thương đã thiết lập hệ thống kiểm soát rất tốt an toàn thực phẩm đối với mì ăn liền.

Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất đã thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm. Minh chứng cụ thể, 6 tháng cuối năm 2022, EU đã không phát hiện vụ vi phạm nào của Việt Nam đối với mì ăn liền.

 Tham tán thương mại Trần Ngọc Quân trao đổi từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU

Tham tán thương mại Trần Ngọc Quân trao đổi từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU

Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Quân cho biết thêm, việc loại bỏ chứng thư an toàn thực phẩm đối với mì ăn liền cần sự nỗ lực rất lớn từ phía Bộ Công Thương trong việc kiểm soát chất lượng. Nếu EU đồng ý đề xuất này có nghĩa quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường EU.

Cũng theo ông Quân, việc loại bỏ chứng thư không có nghĩa EU sẽ bỏ việc giám sát chất lượng của mì ăn liền. Phía bạn có thể kiểm tra hàng tại cảng, hoặc kiểm tra hàng hóa khi đã lên quầy tại siêu thị. Do vậy, mặc dù Bộ Công Thương có thể không cấp chứng thư an toàn nhưng vẫn cần có biện pháp đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm đối với mì ăn liên xuất khẩu vào EU.

Doanh nghiệp vào cuộc tích cực

Tại buổi làm việc, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ Nguyễn Việt Tấn cho biết, sau khi có cảnh báo của RASFF (Hệ thống cảnh báo nhanh đối với thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU) vào cuối tháng 8 năm 2021 về việc phát hiện ra chất 2-Chloroethanol (viết tắt là 2-CE, là một trong những chất chuyển hóa của Etylen Oxyt - EO) vượt ngưỡng quy định tại EU đối với một số sản phẩm Mì ăn liền được nhập khẩu từ Việt Nam, Bộ Công Thương đã thành lập các Tổ công tác để kiểm tra, đánh giá công nghệ sản xuất, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại một số doanh nghiệp sản xuất Mì ăn liền và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cũng như lấy mẫu để kiểm nghiệm chỉ tiêu Etylen Oxyt đối với các nguyên liệu, sản phẩm Mì ăn liền đang được sản xuất, lưu thông trên thị trường.

Kết quả kiểm tra tại một số đơn vị sản xuất Mì ăn liền và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của họ cho thấy, về cơ bản các doanh nghiệp được kiểm tra đều tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Tại thời điểm kiểm tra, các doanh nghiệp trên không sử dụng EO trong quá trình chế biến thực phẩm cũng như không có dấu hiệu cho thấy có dây chuyền, thiết bị sử dụng EO trong công đoạn sản xuất.

Cũng theo đại diện Vụ Khoa học và công nghệ, dựa trên các báo cáo của doanh nghiệp, kết quả kiểm nghiệm cũng như phân tích, đánh giá của các chuyên gia, bước đầu nhận định EO không có trong vắt mì. Quá trình khảo sát kiểm tra cho thấy không có lý do của việc sử dụng EO trong quá trình chế biến vắt mì, ngoài ra trong quá trình chế biến vắt mì có các công đoạn như hấp, chiên khiến EO (nếu có) sẽ không tồn tại được trong sản phẩm.

Chính vì vậy, ngày 13 tháng 6 năm 2022 EU đã ban hành quy định (EU) 2022/913 về việc đưa các loại bún, miến, phở dạng khô không có gia vị đi kèm ra khỏi danh mục sản phẩm chịu kiểm soát đặc biệt về EO, việc xuất hiện EO trong sản phẩm Mì ăn liền xuất phát từ các nguồn nông sản được sử dụng làm nguyên liệu trong quá trình sản xuất, chế biến gia vị, rau củ sấy.

Cũng về vấn đề này, đại diện doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền như Công ty CP Acecook Việt Nam, Công ty Cổ phần thực phẩm Thiên Hương, Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (VIFON), Công ty CP thực phẩm Á Châu… cho rằng, một số kết quả kiểm nghiệm nguyên liệu như hoa hồi khô, ớt sấy được doanh nghiệp sản xuất Mì ăn liền mua về làm nguyên liệu sản xuất cho thấy có sự xuất hiện của 2-CE.

Đại diện Công ty CP Acecook Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc

Theo báo cáo của một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu hành, tỏi và kinh doanh các sản phẩm gia vị khác (hạt tiêu, bột gà, bột tôm) và cung ứng tại thị trường Việt Nam. Trước đây doanh nghiệp này cung cấp cho doanh nghiệp sản xuất Mì ăn liền sản phẩm ớt bột nhập khẩu từ Ấn Độ. Tuy nhiên từ tháng 9/2021, doanh nghiệp này đã dừng cung cấp cho Công ty trên do lo ngại không kiểm soát được dư lượng EO trong sản phẩm.

Mặt khác, theo báo cáo của một số doanh nghiệp cung cấp nông sản sấy (rau sấy, hành sấy, v.v...), trước đây các doanh nghiệp này có sử dụng phương pháp diệt khuẩn có sử dụng EO đối với các lô hàng bị lỗi nhiễm vi sinh. Tuy nhiên, sau khi xảy ra sự cố về EO nêu trên và thực hiện yêu cầu của Công ty sản xuất mì ăn liền, các doanh nghiệp này đã cam kết không sử dụng EO để diệt khuẩn mà sử dụng phương pháp sấy nhiệt đối với tất cả chủng loại sản phẩm.

Tuy nhiên, điều này không loại trừ một số doanh nghiệp khác vẫn sử dụng công nghệ sấy EO đối với các loại sản phẩm/nguyên liệu thực phẩm khác.

Về việc này, đại diện Vụ Khoa học và công nghệ cho rằng, việc kiểm soát tại nguồn đối với các loại nông sản, đặc biệt đối với các loại nông sản khô như hành sấy, rau sấy, các loại gia vị, v.v… là đặc biệt quan trọng nhằm kiểm soát sự có mặt của Etylen Oxyt trong Mì ăn liền cũng như đối với các loại thực phẩm khác có sử dụng các loại nguyên liệu trên. Điều này cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ Công Thương sẽ xây dựng ngưỡng giới hạn cho phép đối với EO

Ghi nhận các ý kiến của các doanh nghiệp, trung tâm kiểm nghiệm tại Phát buổi làm việc, ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ - Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ xây dựng ngưỡng giới hạn cho phép đối với EO trong Mì ăn liền tiêu thụ trong nước cũng như đối với các loại sản phẩm thực phẩm khác có mối nguy tương tự thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

Bộ cũng sẽ làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc kiểm soát tại nguồn đối với các loại nông sản, đặc biệt là đối với các loại nông sản khô như hành sấy, rau sấy, các loại gia vị, v.v… nhằm kiểm soát sự có mặt của Etylen Oxit trong Mì ăn liền cũng như đối với các loại thực phẩm khác có sử dụng các loại nguyên liệu trên.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất Mì ăn liền, ông Hùng cũng đề nghị cần nâng cao nhận thức và năng lực trong việc kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào, đặc biệt đối với các loại gia vị, rau củ sấy.

Ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ - Bộ Công Thương phát biểu tại buổi làm việc

Mặt khác, để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín trong hoạt động thương mại, Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp xuất khẩu cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ về các quy định, các biện pháp TBT, SPS liên quan đến sản phẩm của từng thị trường thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tư vấn. Điều đó sẽ giảm thiểu tối đa cho doanh nghiệp về thời gian, chi phí, nhất là khi sản phẩm đã xuất khẩu đi nhưng bị áp dụng các quyết định thu hồi, kiện bồi thường vì không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Cuối cùng, ông Lý Quốc Hùng cũng đề xuất Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ chỉ đạo các thương vụ/chi nhánh thương vụ tại các quốc gia/khu vực theo dõi sát tình hình tin tức, kịp thời thông tin các vụ việc tương tự xảy ra tại địa bàn phụ trách để có những phản ứng và khuyến nghị phù hợp. Tiếp tục tổng hợp thông tin và báo cáo về các biện pháp tăng cường quản lý của EU đối với mỳ ăn liền xuất khẩu sang thị trường này.

Thăng Long

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/xuat-khau-mi-an-lien-vao-eu-can-dam-bao-an-toan-ngay-ca-khi-bo-chung-thu-103638.htm