Xuất khẩu 'ngấm đòn' lạm phát toàn cầu

Lạm phát toàn cầu đang phủ bóng đen xuống xuất khẩu của Việt Nam, khiến kim ngạch các mặt hàng chủ lực như dệt may, thủy sản, đồ gỗ… đã và sẽ còn sụt giảm. Mục tiêu xuất khẩu đặt ra hồi đầu năm là rất thách thức.

Kim ngạch sụt giảm mạnh

“Lạm phát và đồng đô la tăng giá đang đè nặng lên khả năng tiêu thụ thủy sản, nhất là tại những thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Anh…”, bà Lê Hằng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết.

Lạm phát tại Mỹ, EU đang đè nặng lên khả năng tiêu thụ thủy sản. Nguồn: TTXVN

Lạm phát tại Mỹ, EU đang đè nặng lên khả năng tiêu thụ thủy sản. Nguồn: TTXVN

Nửa đầu năm nay, lạm phát ở Mỹ lên tới 9,1% - mức kỷ lục kể từ năm 1981. Diễn biến này buộc người tiêu dùng Mỹ phải thắt lưng buộc bụng, dè xẻn chi tiêu, kéo theo ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có thủy sản.

Bà Hằng cho biết, sau khi tăng vọt 85% trong tháng 4, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đã có dấu hiệu chững lại từ tháng 5 và chuyển sang tăng trưởng âm từ tháng 6 với mức giảm 8% so với cùng kỳ. Sang tháng 7, mức sụt giảm còn sâu hơn, giảm tới 30,5%. Trong đó, xuất khẩu tôm sú giảm mạnh nhất 69%, tôm chân trắng giảm gần 55%. Ghẹ nằm trong top 5 loài thủy sản được xuất khẩu nhiều sang thị trường này nhưng đã giảm 22% trong tháng 7.

Cơn bão lạm phát với mức 8,9% trong tháng 7 cũng chặn đứng đà hồi phục nhu cầu của thị trường EU. “Xuất khẩu thủy sản sang EU tăng trưởng 31% trong quý II, nhưng sang tháng 7 đã hạ xuống còn 18%. Một số mặt hàng chủ lực vẫn có giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ nhưng so với tháng trước đã giảm rõ rệt và mức tăng trưởng cũng thấp hơn”, bà Hằng cho biết.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (Hawa), lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng bình dân ở các thị trường EU và Hoa Kỳ đang tiết kiệm chi tiêu sản phẩm nội thất đã ảnh hưởng đến xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ. Từ tháng 5 giá trị xuất khẩu giảm và đi ngang trong 3 tháng gần đây.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu năm nay, Mỹ nhập khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam với tổng giá trị hơn 4,86 tỷ USD, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại thị trường EU, kết quả khảo sát nhanh do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thực hiện cho thấy, trong số 38 doanh nghiệp bán hàng vào khu vực này thì có tới 24 doanh nghiệp cho biết doanh thu hiện tại giảm hơn 41% so với các tháng trước đó.

Mục tiêu xuất khẩu bị “đe dọa”

Những cuộc khảo sát gần đây cho thấy, mối lo ngại ngày càng tăng về lạm phát và nguy cơ suy thoái đã khiến nhiều người tiêu dùng Mỹ và châu Âu nói rằng, không chỉ bắt đầu mua ít hơn mà còn sẽ mua ít hơn nếu lạm phát vẫn tiếp diễn. Với tình hình trên, giới phân tích dự báo nhu cầu nhập khẩu mặt hàng hóa, trong đó có sản phẩm gỗ, dệt may, thủy sản… của 2 thị trường này sẽ giảm trong thời gian tới, ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu các nhóm hàng này.

Trong báo cáo cập nhật ngành dệt may, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI dự báo, tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam sẽ giảm tốc trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng nhận định, dù đã đạt được kết quả ấn tượng trong nửa đầu năm nhưng mục tiêu xuất khẩu 42 - 43 tỷ USD (theo kịch bản cao) trong năm 2022 của ngành dệt may vẫn là một thách thức lớn do áp lực lạm phát đang tăng lên tại các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường tăng cao hơn tại các thị trường xuất khẩu chính vào dịp cuối năm do nhu cầu hoàn thiện, sửa sang, trang trí lại nội thất đón năm mới. Mặc dù vậy, thông lệ này cũng không xua được bóng đen của lạm phát toàn cầu. Dự báo xuất khẩu của ngành gỗ trong nửa cuối năm vẫn còn nhiều thách thức và khó hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD trong năm 2022.

Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cùng với khó khăn về nguyên liệu, tỷ giá, lạm phát sẽ khiến cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam nửa cuối năm không thể duy trì được tăng trưởng cao như nửa đầu năm. Tuy vậy, mục tiêu xuất khẩu thủy sản trên 10 tỷ USD cho năm 2022 vẫn rất khả quan khi đã thu về được gần 6,7 tỷ USD trong 7 tháng của năm.

Dự đoán tình hình lạm phát, sức mua yếu ở EU và Hoa Kỳ sẽ kéo dài ít nhất một năm nữa, nhiều doanh nghiệp bắt đầu tính tới chuyện cắt giảm công suất, thu hẹp quy mô sản xuất. Lúc này, bài toán khó đặt ra là làm sao duy trì được dòng tiền và giữ chân người lao động đến khi bóng mây đen lạm phát qua đi.

Vy Hương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/xuat-khau-ngam-don-lam-phat-toan-cau-i299269/