Xuất khẩu ngày 15-17/5: Thép xuất khẩu tăng 'dữ dội', Việt Nam được ủy quyền giám sát vải thiều sang Nhật Bản

Xuất khẩu thép 4 tháng tăng vọt, Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tăng hơn 36%, Việt Nam được ủy quyền giám sát vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản... là những tin chính trong bản tin xuất khẩu ngày 15-17/5.

Việt Nam được ủy quyền giám sát vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản. (Nguồn: Vietnamnet)

Việt Nam được ủy quyền giám sát vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản. (Nguồn: Vietnamnet)

Xuất khẩu thép 4 tháng tăng vọt

Sản xuất thép và bán trong nước 4 tháng đầu năm tăng 38-40%, riêng xuất khẩu tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, xuất khẩu thép tháng 4 giảm hơn 14,6% so với tháng 3 nhưng lại tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2020. Và tính chung 4 tháng, các doanh nghiệp thép đã xuất hơn 2,1 triệu tấn, tăng gần 68% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 4, có gần 2,82 triệu tấn thép các loại được sản xuất, giảm gần 4,8% so với tháng trước, nhưng tăng hơn 52% so với cùng kỳ 2020. Còn lượng thép bán ra đạt hơn 2,7 triệu tấn, giảm 6,2% so với tháng 3, song tăng gần 57% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 4 tháng, sản xuất thép đạt hơn 10,48 triệu tấn, tăng hơn 38% so với cùng kỳ 2020. Lượng thép bán nội địa trên 9,84 triệu tấn, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, nguồn cung thép sản xuất trong nước dư thừa, đủ cho cầu tiêu thụ trong nước.

Song thời gian qua, giá thép trong nước tăng 40-50% khiến các ngành sản xuất, sử dụng loại vật liệu này gặp khó khăn. Diễn biến này khiến Bộ Xây dựng cho là giá thép đang tăng bất thường. Tuy nhiên, nguyên nhân giá thép trong nước tăng phi mã được Bộ Công Thương giải thích do giá nguyên liệu sản xuất mặt hàng này (quặng sắt, phôi thép, than mỡ...) trên thị trường thế giới tăng gấp rưỡi, gấp đôi trong 9 tháng qua.

Ngành thép Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên khi giá các loại vật liệu này tăng, giá thép thành phẩm trong nước cũng điều chỉnh theo.

Việc giá thép tăng đột biến trong thời gian qua không chỉ ở Việt Nam mà diễn ra trên toàn thế giới và đà tăng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Để hạ nhiệt giá thép, ngoài yêu cầu các nhà máy tăng năng lực sản xuất, Bộ Công Thương còn kiến nghị hạn chế xuất khẩu thép trong nước. Cùng đó, thực hiện một số biện pháp về thuế nhập khẩu với thép thành phẩm để "cắt cơn sốt giá thép".

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tăng hơn 36%

Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm nay đạt 4 tỷ USD tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, hiện nhiều sản phẩm nông sản đang vào mùa vụ thu hoạch và Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính có nguy cơ gây áp lực lưu thông hàng hóa để đưa lên các tỉnh biên giới xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.

Hiện phía Trung Quốc đang kiểm soát tốt dịch bệnh do đó thị trường nông sản sẽ hoạt động phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng và Trung Quốc vẫn là thị trường lớn trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2021 kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có chuyển biến tích cực đạt hơn 5,5 tỷ USD tăng 28% so cùng kỳ năm 2020.

Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỷ USD tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2020, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc đều tăng.

Việt Nam được ủy quyền giám sát vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang, phía Nhật Bản đã ủy quyền cho Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) giám sát công tác xông hơi khử trùng vải thiều khi xuất khẩu sang thị trường nước này, báo Bắc Giang đưa tin.

Do đó, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị Cục Bảo vệ thực vật hỗ trợ cử hai chuyên gia của đơn vị giám sát xông hơi khử trùng và thực hiện kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu vải thiều ở ngay tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (Lục Ngạn).

Hoạt động này được thực hiện trong suốt thời gian thu hoạch, giúp việc xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản được thuận lợi.

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, Sở đã phối hợp với các huyện chỉ đạo mở rộng vùng sản xuất vải xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với 30 mã số vùng trồng, diện tích 219,4 ha, sản lượng khoảng 1.800 tấn, thời gian dự kiến thu hoạch vải thiều xuất khẩu từ ngày 20/5 đến 10/7/2021.

Đến nay, các điều kiện về vùng sản xuất vải thiều và xông hơi, khử trùng đã được chuẩn bị đầy đủ, cơ bản đáp ứng yêu cầu của thị trường Nhật Bản.

Hiện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã mời gọi được 5 doanh nghiệp tham gia thu mua và xuất khẩu vải thiều.

Giá gạo xuất khẩu giảm 20 USD/tấn

Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết khối lượng gạo xuất khẩu tháng 4/2021 ước đạt 700.000 tấn với giá trị đạt 362 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2021 đạt 1,9 triệu tấn với giá trị 1,01 tỷ USD, giảm 10,8% về khối lượng nhưng tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Trên thị trường thế giới, trong tháng 4/2021, giá gạo Việt Nam đạt 508 USD/tấn vào đầu tháng và đã giảm xuống còn 488 USD/tấn vào cuối tháng, nguyên nhân chính là do vụ Đông Xuân đã thu hoạch xong nên nhu cầu mua nguyên liệu giảm, chờ đợi vụ Hè Thu sắp tới.

Về thị trường xuất khẩu, trong 3 tháng đầu năm, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 36,3% thị phần, khối lượng và giá trị đạt 411.580 tấn và 219,96 triệu USD, giảm 30,7% về khối lượng và giảm 14,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Bờ Biển Ngà gấp 2,7 lần và Australia tăng 66%. Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm nhiều là Mozambique giảm 53,5%.

Tuy nhiên, theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản năm 2021 dự báo điều kiện thời tiết không thuận lợi tại nhiều nơi trên thế giới nên sản lượng lương thực giảm ở nhiều quốc gia, và nhu cầu nhập khẩu gạo sẽ tăng trong năm 2021.

Bên cạnh đó, thị trường châu Âu được dự báo sẽ sôi động hơn khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực và Việt Nam là một đối tác thương mại gạo quan trọng.

Xuất khẩu chè 4 tháng thu về 60 triệu USD

Cũng theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, khối lượng xuất khẩu chè tháng 4 năm 2021 ước đạt 11.000 tấn với giá trị đạt 18 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu chè 4 tháng đầu năm 2021 đạt 37.000 tấn và 60 triệu USD, tăng 1,6% về khối lượng và tăng gần 8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 3 tháng đầu năm 2021, khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan, thị trường lớn nhất của Việt Nam với 33% thị phần tăng trở lại sau khi giảm trong năm 2020, tăng 5,5% về khối lượng và tăng 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Giá chè xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2021 đạt 1.596 USD/tấn, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá chè trên thị trường thế giới có sự điều chỉnh giảm sau khi có dấu hiệu hồi phục vào tháng trước. Tại Ấn Độ, giá chè trung bình giảm xuống mức thấp nhất của năm là 114,80 Rupee/kg (1,55 USD/kg) tại phiên bán gần đây nhất (17/4) của Hiệp hội Thương mại chè Coonoor (CTTA).

Nguyên nhân chính khiến giá giảm xuống là do sự trì hoãn mua vào trong bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát mạnh tại nước này. Ngoài ra, kỳ vọng về khối lượng chè từ Đông Bắc trữ từ mùa đông có thể sẽ được tung ra thị trường trong những tuần tới cũng khiến cho các thương nhân trên thị trường chần chừ đưa ra quyết định.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xuat-khau-ngay-15-175-thep-xuat-khau-tang-du-doi-viet-nam-duoc-uy-quyen-giam-sat-vai-thieu-sang-nhat-ban-145387.html