Xuất khẩu ngày 30/6-3/7: Hụt gần 23 tỷ USD, thị trường Trung Quốc là điểm sáng; Nhật Bản 'chuộng' mực, bạch tuộc Việt Nam

Xuất khẩu hụt gần 23 tỷ USD, thị trường Trung Quốc là điểm sáng; vải tươi Việt Nam từng bước chinh phục người tiêu dùng Hoa Kỳ... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 30/6-2/7.

Xuất khẩu gỗ sụt giảm nghiêm trọng. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Xuất khẩu hụt gần 23 tỷ USD, thị trường Trung Quốc là điểm sáng

Trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 22,75 tỷ USD.

Hoạt động xuất khẩu bị tác động mạnh từ kinh tế thế giới. Lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức cao, nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam đã tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái, khiến bức tranh xuất khẩu không tươi sáng như mong đợi.

Ảnh hưởng này thấy rõ qua con số về xuất khẩu mà Tổng cục Thống kê vừa công bố. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 22,75 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 43,41 tỷ USD, giảm 11,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 121,04 tỷ USD, giảm 12,2%.

Có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong số này, 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%). Khó khăn về thị trường, khi EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều giảm mua hàng từ Việt Nam, khiến cả 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD đều giảm từ 8,2% đến 17,9% so với cùng kỳ.

Cụ thể, xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm 17,9%, đạt 24,3 tỷ USD; máy vi tính, điện tử và linh kiện giảm 9,3%, đạt 25,2 tỷ USD; máy móc thiết bị phụ tùng khác đạt 19,73 tỷ USD, giảm 8,2%. Trong khi đó, hàng dệt may, giày dép giảm lần lượt 15,3% và 15,2%, tương đương 15,75 tỷ USD và 10 tỷ USD.

Kể cả các nhóm hàng đóng góp xuất khẩu ít hơn cũng sụt giảm. Gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,8%, đạt 6 tỷ USD; kim loại thường khác giảm 13,3%, đạt 2,13 tỷ USD; sắt thép giảm 17,2%, đạt 4,13 tỷ USD; sản phẩm từ sắt thép giảm 16,3%, đạt 2,05 tỷ USD; xơ sợi giảm 26,2%, đạt 2 tỷ USD; túi xách, vali giảm 9,4%, đạt 1,84 tỷ USD.

Nửa đầu năm 2023, xuất khẩu hàng hóa sang tất cả các thị trường lớn đều giảm. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 44,2 tỷ USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ; Trung Quốc đạt 25,6 tỷ USD, giảm 2,2%; xuất khẩu sang EU đạt 21,6 tỷ USD, giảm 10,1%; sang Nhật Bản đạt 11 tỷ USD, giảm 3,3%; sang ASEAN đạt 16,3 tỷ USD, giảm 8,7%; sang Hàn Quốc đạt 10,9 tỷ USD, giảm 10,2%.

Điểm sáng là xuất khẩu sang Trung Quốc đang hồi phục khá mạnh, kéo lùi mức giảm 6,8% của 5 tháng về mức giảm 2,2% sau 6 tháng.

Cùng với đó, một số mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng rất cao, như gạo mang về 2,3 tỷ USD, tăng 34,7%; rau quả 2,75 tỷ USD, tăng 64,2%; hạt điều 1,62 tỷ USD, tăng 7,7%; cà phê 2,04 tỷ USD, tăng 3%; giấy và sản phẩm từ giấy gần 1,05 tỷ USD, tăng 10,7%; phương tiện vận tải và phụ tùng 6,6 tỷ USD, tăng 14,4%.

Vải tươi Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Hoa Kỳ

Thương vụ Việt Nam tại San Francisco đã phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp triển khai nhập khẩu quả vải tươi của Việt Nam tiêu thụ tại thị trường Hoa Kỳ.

Tiếp nối thành công trong việc đưa quả vải thâm nhập hệ thống siêu thị lớn (Safeway, Albertsons, Winco,…) tại thị trường Hoa Kỳ trong năm 2022, triển khai Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” tại Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco, ngay từ tháng 11/2022, Chi nhánh Thương vụ tại San Francisco cùng với Thương vụ Việt Nam tại Washington DC đã vận động, phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp Hoa Kỳ để triển khai nhập khẩu trái vải tươi của Việt Nam tiêu thụ tại thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt là tại các bang bờ Tây nước này.

Sau nhiều nỗ lực, được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, doanh nghiệp trong nước, đặc biệt nhờ sự kiên trì, quyết tâm và sự đầu tư một cách bài bản chuyên nghiệp của công ty Dragonberry Produce, là doanh nghiệp Hoa Kỳ có trụ sở tại thành phố Canby, Oregon, gần 20 tấn quả vải tươi được vận chuyển theo đường biển đã nhập khẩu thành công, chính thức được phân phối, bày bán tại hệ thống siêu thị Safeway và Albertsons tại các tiểu bang bờ Tây Hoa Kỳ trong đó có Washington, Oregon và California kể từ ngày 30 tháng 6 năm 2023, vừa đúng dịp phục vụ người dân Hoa Kỳ trong dịp Quốc khánh ngày 04 tháng 7.

Hệ thống siêu thị Safeway (https://www.safeway.com) và Albertsons (https://www.albertsons.com) là các chuỗi siêu thị có mạng lưới lớn nhất bờ Tây của Hoa Kỳ, trong đó Safeway có 913 cửa hàng, Albertsons có trên 300 cửa hàng.

Có thể đánh giá rằng việc tiếp tục đưa quả vải vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị này với giá cả khá cạnh tranh, chỉ 3,99 USD/pint, tương đương với 200.000 đồng/kg là một thành công lớn trong việc thúc đẩy tiêu thụ trái cây của Việt Nam nói chung và trái vải nói riêng tại thị trường Hoa Kỳ, do phần lớn trái cây của nước ta xuất khẩu sang Hoa Kỳ mới chỉ tiếp cận được hệ thống chợ, siêu thị nhỏ phục vụ người tiêu dùng gốc Á.

Mức giá 200.000 đồng/kg là mức giá rất cạnh tranh so với vải tươi nhập từ Trung Quốc và Mexico (đang được bán ở chợ châu Á tại San Francisco là 4,99 USD/lb, tương đương 259.000 đồng/kg), là hai nguồn cung cấp chính và cũng là hai đối thủ cạnh tranh lớn nhất của quả vải tươi Việt Nam. Đây là kết quả của rất nhiều nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ.

Để góp phần đưa quả vải Việt Nam tiếp cận mạnh mẽ hơn nữa người tiêu dùng Hoa Kỳ, Chi nhánh Thương vụ tại San Francisco phối hợp với Hội Doanh nhân người Việt tại Hoa Kỳ (VENUSA), các tổ chức, doanh nghiệp triển khai các hoạt động quảng bá, truyền thông trên các kênh thông tin đặc biệt là trên các mạng xã hội; tổ chức gian hàng trưng bày và bán quả vải tại một số khu vực chợ của người Việt, người châu Á; tổ chức hoạt động nếm thử giúp người dân làm quen và yêu thích quả vải, từ đó thúc đẩy việc tiêu thụ loại trái cây này.

Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Nhật Bản "khởi sắc"

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 240 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 5/2023, xuất khẩu sản phẩm này đạt 52 triệu USD, giảm 18% so với cùng kỳ.

Mặc dù không tránh khỏi tăng trưởng âm trong xu hướng sụt giảm chung của xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhưng so với các sản phẩm thủy sản chính xuất khẩu khác của Việt Nam, giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc ghi nhận mức giảm nhẹ hơn.

Tính tới tháng 5 năm nay, các sản phẩm mực, bạch tuộc của Việt Nam được xuất khẩu sang 65 thị trường. Top 10 thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc và Hồng Kông, Italy, Mỹ, Malaysia, Đài Loan, Tây Ban Nha và Pháp.

Nhật Bản là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc đơn lẻ lớn thứ 2 của Việt Nam. (Nguồn: Báo Công Thương)

Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang các thị trường tiêu thụ chính đồng loạt giảm 2 con số trừ Nhật Bản.

Theo đó, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 35%. 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc đạt 84 triệu USD, giảm 13%.

Nhật Bản là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc đơn lẻ lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 27%. So với thị trường Hàn Quốc, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản có tín hiệu tích cực hơn. 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này đạt 64 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022.

Sản lượng khai thác mực, bạch tuộc nội địa của Nhật ngày càng giảm trong khi nhu cầu của Nhật Bản tăng đối với các sản phẩm mực, bạch tuộc ăn liền, tiện lợi do lối sống hiện đại, bận rộn, ít thời gian nấu nướng. Đây là yếu tố tác động tích cực tới xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Nhật Bản.

Ngoài Nhật Bản, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang các thị trường nhỏ hơn như Malaysia, Australia, Đài Loan, Philippines có tín hiệu tích cực hơn, ghi nhận tăng trưởng dương 2 con số từ 15 - 75%.

Trong bức tranh chung, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm được cho là do tác động của lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu làm giảm nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường. "Thẻ vàng" IUU chưa gỡ được. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu mực, bạch tuộc tiếp tục phải đối mặt với bất lợi về giá thành nguyên liệu khai thác, thời tiết không thuận lợi cho hoạt động đánh bắt. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mực, bạch tuộc bị giảm đơn hàng phải hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa một số nhà máy.

Dự kiến, quý III/2023, hoạt động xuất khẩu sẽ tốt hơn so với 2 quý trước. Nhưng nguồn nguyên liệu sẽ khó khăn vì sản lượng khai thác tại các vùng biển trên thế giới đang giảm, cùng với đó các lệnh cấm khai thác tại các vùng biển bắt đầu có hiệu lực, và mùa mưa bão tới sẽ làm giảm nguồn cung đang là những thách thức đặt ra cho doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này.

(tổng hợp)

Vân Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xuat-khau-ngay-306-37-hut-gan-23-ty-usd-thi-truong-trung-quoc-la-diem-sang-nhat-ban-chuong-muc-bach-tuoc-viet-nam-233242.html