Xuất khẩu ngày 5-7/6: Gạo được giá; vải thiều Thanh Hà lần đầu sang Thái Lan; Mỹ, Nhật Bản 'đổ xô' mua gỗ Việt

Xuất khẩu gạo được giá, đơn hàng nhiều; vải thiều Thanh Hà lần đầu sang Thái Lan; Mỹ, Nhật Bản tăng nhập khẩu, xuất khẩu gỗ tăng tới 61,3%... là những tin chính trong bản tin xuất khẩu ngày 5-7/6.

Chất lượng gạo của Việt Nam ổn định, nên vẫn tiếp tục các đơn hàng, trong quý II/2021 xuất khẩu gạo vẫn lạc quan. (Nguồn: Vinanet)

Chất lượng gạo của Việt Nam ổn định, nên vẫn tiếp tục các đơn hàng, trong quý II/2021 xuất khẩu gạo vẫn lạc quan. (Nguồn: Vinanet)

Xuất khẩu gạo được giá, đơn hàng nhiều

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chào bán trên thế giới trong 2 ngày cuối tuần qua (5-6/6) vẫn ổn định ở mức cao.

Cụ thể, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam có mức từ 488-492 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ có giá chỉ 388 USD/tấn - giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ thấp nhất trong các nước xuất khẩu gạo. Sau khi tăng thêm khoảng 5 USD/tấn trong ngày cuối tuần, giá gạo 5% tấm của Pakistan đã đạt mức 443 USD/tấn. Gạo 5% tấm của Thái Lan có giá 455 USD/tấn.

Theo các thương nhân kinh doanh ngành lúa gạo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm, rời mốc 500 USD/tấn do nhu cầu gạo hiện nay trên thế giới đang giảm. Bên cạnh đó, gạo Việt Nam gặp một số cạnh tranh về giá bởi một số quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan và Pakistan... đang tăng cường tung gạo giá rẻ ra bán.

Các thương nhân nhận định, giá gạo giảm càng tạo lợi thế cạnh tranh cho gạo Việt Nam. Vì chất lượng gạo của Việt Nam ổn định, nên vẫn tiếp tục các đơn hàng, trong quý II/2021 xuất khẩu gạo vẫn lạc quan.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình nhấn mạnh: "Xuất khẩu gạo quý II/2021 chắc chắn tăng. Riêng doanh nghiệp của chúng tôi, mặc dù chưa hết tháng 6/2021 nhưng số liệu thống kê cho thấy quý II/2021 xuất khẩu gạo tăng 100% so với quý trước".

Vải thiều Thanh Hà lần đầu sang Thái Lan

Ngày 5/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương thông tin, đã có hơn 2 tấn vải thiều tươi được Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan bằng đường hàng không.

Đây là lần đầu tiên quả vải tươi của Hải Dương được xuất khẩu sang thị trường Thái Lan. Cũng trong ngày 5/6, doanh nghiệp này tiếp tục xuất khẩu được 10 tấn vải thiều tươi sang Thái Lan bằng đường biển.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, Thái Lan không phải là thị trường áp dụng những tiêu chuẩn quá khắt khe như Nhật Bản, Singapore, hay Australia, Mỹ... nhưng lại nổi tiếng là vương quốc rất phong phú và đa dạng về các chủng loại trái cây. Đất nước này từ trước tới nay chuyên xuất khẩu hoa quả, trong đó có quả vải đi rất nhiều nước, nên việc xuất khẩu được đặc sản vải thiều Hải Dương sang thị trường này càng chứng tỏ khả năng cạnh tranh của thương hiệu loại quả tiến vua đất Hải Dương.

Công ty CP Ameii dự kiến, vụ vải năm nay sẽ xuất khẩu sang thị trường này khoảng 100 tấn, để cung cấp vào chuỗi cửa hàng tiện ích, hệ thống siêu thị ở xứ sở chùa vàng.

Vải thiều xuất khẩu được thu hái ở các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế của huyện Thanh Hà. Doanh nghiệp thu mua vải với giá cao hơn từ 30-40% so với giá thị trường.

Hiện mỗi ngày, Công ty CP Ameii Việt Nam xuất khẩu từ 20-30 tấn vải tươi sang các nước Nhật Bản, Singapore, Australia…

Mỹ, Nhật Bản tăng nhập khẩu, xuất khẩu gỗ tăng tới 61,3%

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 5/2021 đạt 1,4 tỷ USD, tăng 80,3% so với tháng 5/2020.

Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 1,08 tỷ USD, tăng 95,8% so với tháng 5/2020.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng 61,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 79,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhờ cải tiến công nghệ sản xuất và tận dụng tốt cơ hội thị trường, ngành gỗ, đặc biệt là nhóm mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh.

Đặc biệt, thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU nhập khẩu ngày càng nhiều đồ gỗ của Việt Nam. Trong đó, ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, đồ nội thất phòng ngủ là những mặt hàng xuất khẩu chính chiếm tỷ trọng cao.

Ngoài ra, trong 4 tháng đầu năm 2021, còn một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu khác như: Dăm gỗ, gỗ, ván và ván sàn, cửa gỗ, đồ gỗ mỹ nghệ…hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều đạt tốc độ tăng trưởng cao, chỉ có mặt hàng dăm gỗ tăng chậm.

Trị giá xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 623,3 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá sợi kéo dãn Việt Nam

Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ (Cơ quan điều tra) đã ra thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm sợi kéo dãn toàn phần có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam và Hàn Quốc.

Thông tin về vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, sản phẩm bị điều tra là sợi kéo dãn toàn phần (Polyester fully draw yarn) thuộc mã HS 5402.47. Nguyên đơn là Công ty Korteks Mensucat Sanayi ve Ticaret A.Ş. Thời kỳ điều tra, từ 1/1/2020-31/12/2020 đối với bán phá giá và 1/1/2018-31/12/2020 đối với thiệt hại.

Theo luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài; Chính phủ của nước xuất khẩu, các nhà nhập khẩu, hiệp hội, các nhà sản xuất hàng hóa tương tự tại Thổ Nhĩ Kỳ... được coi là các bên quan tâm.

Tuy nhiên chỉ các bên trình diện với Cơ quan điều tra bằng cách trả lời bản câu hỏi điều tra hoặc nộp bình luận, ý kiến trong thời hạn quy định mới được coi là bên liên quan trong cuộc điều tra.

Trước tình hình trên, Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh, các nhà sản xuất, xuất khẩu quan tâm cần gửi đăng ký tham gia vụ việc, các thông tin, bằng chứng liên quan và trả lời bản câu hỏi điều tra theo đúng thể thức và thời hạn quy định.

Thời hạn gửi bản trả lời câu hỏi điều tra là 37 ngày kể từ ngày thông báo khởi xướng điều tra. Ngôn ngữ bắt buộc là tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trừ bản trả lời câu hỏi có thể được nộp bằng tiếng Anh hoặc tiếng Thổ Nhĩ Kỳ; mọi thông tin, tài liệu, ý kiến, trao đổi… phải sử dụng bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, theo Cục Phòng vệ thương mại, mọi thông tin phải được nộp đồng thời dưới dạng bản mềm (đĩa CD hoặc DVD hoặc ổ USB) và bản cứng (ngoại trừ bản sao các hóa đơn chứng từ chỉ cần nộp dưới dạng bản mềm). Các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài có thể nộp bản trả lời câu hỏi và ý kiến liên quan thông qua địa chỉ: [email protected].

Xuất khẩu dệt may, da giày có nhiều tín hiệu khởi sắc

Trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm nay, ngành dệt may, da giày đã có nhiều tín hiệu khởi sắc so với cùng kỳ năm trước ở một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.

Theo đó các thị trường đã dần hồi phục và doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết và đi vào thực thi.

Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 8,1% so với cùng kỳ; ngành sản xuất trang phục tăng 9,1%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12%. Chỉ số sản xuất ngành da và các sản phẩm liên quan, 5 tháng qua tăng 12% so với cùng kỳ.

5 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt hơn 12 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng hơn 60%; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 66,2%. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại đạt hơn 8 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xuat-khau-ngay-5-76-gao-duoc-gia-vai-thieu-thanh-ha-lan-dau-sang-thai-lan-my-nhat-ban-do-xo-mua-go-viet-147518.html