Xuất khẩu nông sản chính ngạch giải bài toán 'con gà, quả trứng'

Việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc là không hề dễ dàng, muốn chuyển đổi thì phải bắt đầu từ thay đổi phương thức sản xuất, cách thức kinh doanh. Điều này đòi hỏi cả phía nông dân và thương lái, doanh nghiệp sẽ phải cùng chuyển đổi. Song, trong bối cảnh mà đâu đó lợi ích xuất khẩu tiểu ngạch vẫn còn thì điều này giống với bài toán khó 'con gà có trước hay quả trứng có trước'.

Trước giờ, thanh long vốn phụ thuộc 90% vào thị trường Trung Quốc, bởi vậy mà thời gian qua có lúc giá rớt xuống 2.000 đồng/kg do bị tắc biên, nhiều nông dân ở Bình Thuận đã quyết định phá bỏ cây thanh long.

Không dễ tăng xuất khẩu chính ngạch

Người nông dân phải chặt bỏ cây thanh long là thực tế rất "đau xót". Trước hiện tượng này, Chi cục trồng trọt - Bảo vệ thực vật Bình Thuận khuyến cáo nông dân cần bình tĩnh, tránh hoang mang và cân nhắc kỹ việc chặt bỏ thanh long. Bởi, thanh long là cây ăn quả lâu năm, nếu phá bỏ, khi xây dựng lại vườn cây sẽ rất tốn kém chi phí đầu tư và phải nhiều năm sau mới cho thu hoạch.

Xuất khẩu trái thanh long phụ thuộc hơn 90% vào thị trường Trung Quốc, chủ yếu qua con đường tiểu ngạch.

Xuất khẩu trái thanh long phụ thuộc hơn 90% vào thị trường Trung Quốc, chủ yếu qua con đường tiểu ngạch.

Trong khi đó, thống kê của Sở Công Thương Lạng Sơn cho thấy, tổng lượng xe hoa quả chờ xuất khẩu ở các cửa khẩu tính đến ngày 28/3 là 1.062 xe, chiếm khoảng 77% tổng lượng xe chờ xuất khẩu.

Bên cạnh những thông tin tiêu cực thì xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc những ngày đầu tháng 3 vừa qua cũng đón nhận tin tích cực là sau 2 năm tạm dừng, Trung Quốc đã đồng ý cho 5 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu ớt tươi sang thị trường này.

Đây là tin vui, bởi giống trái thanh long, ớt cũng phụ thuộc khá lớn vào xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Nếu như mỗi lần mắc kẹt, trái thanh long được người tiêu dùng nội địa "giải cứu" thì ớt là sản phẩm gia vị nên khó hỗ trợ. Vì vậy, người nông dân "đành ngậm đắng nuốt cay".

Tuy nhiên, theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), để được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch với quả ớt nhằm xuất sang Trung Quốc, doanh nghiệp cần lưu ý 3 điểm là hàng hóa từ các vùng trồng đã được Cục cấp mã số và cơ sở đóng gói đã được Trung Quốc công nhận; Xác nhận thông tin quá trình xử lý kiểm dịch thực vật căn cứ trên giấy chứng thư khử trùng do các đơn vị cung cấp dịch vụ đủ điều kiện hành nghề thực hiện; Ghi thông báo bổ sung lên giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật với nội dung đã thống nhất với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Điều này dẫn tới, dù được xuất khẩu nông sản chính ngạch, song giá ớt vẫn chưa có tín hiệu khả quan, bởi muốn xuất khẩu chính ngạch thì cần thay đổi cách thức sản xuất, có hàng chất lượng, có nghĩa cần thời gian để đáp ứng các yêu cầu từ phía thị trường Trung Quốc.

Hay đối với mặt hàng cao su hiện đang chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, hiện có khoảng 926.000ha cao su, bao gồm đại điền (chủ yếu là các công ty Nhà nước) và tiểu điền. Trong đó, tiểu điền chiếm diện tích và sản lượng ngày càng lớn so với đại điền (chiếm 51% về diện tích và hơn 60% về sản lượng).

"Trung Quốc luôn là thị trường lớn tiêu thụ cao su tự nhiên của Việt Nam trong thời gian qua và sự dễ tính từ thị trường này làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ thuộc khu vực tư nhân, chưa quan tâm nhiều đến việc thay đổi theo hướng đầu tư nâng cao chất lượng", Hiệp hội Cao su đánh giá.

Trong khi đó, bên cạnh yêu cầu đảm bảo về chất lượng và uy tín kinh doanh, nhiều tín hiệu gần đây cho thấy yêu cầu của các thị trường xuất khẩu về tính hợp pháp và bền vững đối với các sản phẩm cao su ngày càng chặt chẽ hơn trong tương lai, ngay cả thị trường Trung Quốc.

Ai sẽ là người xuất phát trước?

Rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, ai cũng biết rằng giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch là con đường tất yếu. Song, làm thế nào để chuyển được sang chính ngạch là câu hỏi rất khó trả lời.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nêu vấn đề làm chính ngạch rất ít khi bị ách tắc nhưng tại sao người nông dân, doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà? Bởi vậy, ông nhìn nhận con đường này cần có lộ trình để thay đổi những vấn đề nội tại mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang gặp phải như sản xuất manh mún, sự phối kết hợp giữa doanh nghiệp và người nông dân còn bất cập...

Theo đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng một mặt cần khuyến khích người dân, các nhà sản xuất, doanh nghiệp hoạt động chính ngạch; một mặt cần giải quyết khó khăn nội tại trong việc giao thương hàng hóa qua đường bộ.

"Hàng hóa nếu không bán được thì chắc chắn phải đổ đi, kể cả khi chưa đưa lên biên giới vì thị trường nội địa chỉ có dung lượng nhất định. Hoa quả ăn được nhưng mủ cao su, hạt tiêu thì sao?", ông Hải đặt vấn đề.

Đặt mình từ góc độ người sản xuất, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần AmeiiViệt Nam, cho rằng muốn xuất khẩu chính ngạch thì phải thay đổi sản xuất. Nhưng ai sẽ là người hỗ trợ nông dân, HTX thay đổi?

Theo đó, ông Tiến cho rằng Nhà nước nên thành lập trung tâm tư vấn để hỗ trợ cho người nông dân về việc thay đổi phương thức sản xuất, trồng cây gì, canh tác ra sao. Đơn cử khi nông dân trồng vải muốn chuyển sang trồng theo phương pháp canh tác sạch và đem về giá trị gia tăng cao hơn thì các trung tâm này sẽ tư vấn cho nông dân về suất đầu tư, cách thay đổi...

"Mối quan hệ giữa doanh nghiệp với nông dân giống như chuyện con gà có trước hay quả trứng có trước, doanh nghiệp thì muốn có hàng chất lượng để mua, còn nông dân thì muốn đầu ra ổn định mới làm. Vậy ai sẽ là người xuất phát trước"?, ông Tiến nêu vấn đề và cho rằng Nhà nước nên hỗ trợ người nông dân xuất phát trước.

Theo đại diện Ameii Việt Nam, nếu người nông dân được hỗ trợ trong việc chuyển đổi phương thức sản xuất, làm ra hàng chất lượng thì đầu ra chắc chắn ổn định, không bán cho doanh nghiệp này thì bán cho doanh nghiệp khác, thị trường này không cần thì bán thị trường khác. Hàng nông sản chất lượng thì chẳng bao giờ sợ ế.

Bởi thực tế cho thấy chưa nói tới thay đổi phương thức sản xuất mà những bất cập trong việc quản lý nông sản chất lượng cũng đang là vấn đề rất nhức nhối. Mới đây, Bộ NN&PTNT đã phải phát đi cảnh báo tới các địa phương về tình trạng mạo danh mã số và vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm hay phòng chống COVID-19 của vùng trồng và cơ sở đóng gói vẫn còn tồn tại.

Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xây dựng, bổ sung các chỉ tiêu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vào Nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch hành động phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đặc biệt, các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Điều này một lần nữa cho thấy, con đường để chuyển hướng sang xuất khẩu chính ngạch chắc chắn sẽ còn dài, cần sự nỗ lực nhiều hơn từ các thành phần tham gia, trong đó vai trò của Nhà nước là rất quan trọng.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/xuat-khau-nong-san-chinh-ngach-giai-bai-toan-con-ga-qua-trung-1084563.html