Xuất khẩu nông sản sang Đức, doanh nghiệp Việt nên tìm cách liên kết thương hiệu

Là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất tại EU, Cộng hòa Liên bang Đức có nhu cầu lớn về hàng nông sản. Tuy nhiên thị phần nông sản Việt tại Đức lại chưa cao, một trong những nguyên nhân cốt lõi là vấn đề chất lượng sản phẩm và thương hiệu.

Trong nhiều năm qua, Đức luôn là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu. Đây là thị trường có số lượng nhập khẩu lớn nhất châu Âu và lớn thứ 4 thế giới. Mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang Đức là hàng nông sản.

Cộng đồng người Việt có khoảng 225.000 người đang sinh sống và làm việc tại Đức, có thể được coi là cơ sở giúp kết nối quan hệ giữa hàng Việt Nam và thị trường Đức.

Chia sẻ tại Phiên tư vấn xuất khẩu nông sản sang thị trường Đức do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phối hợp tổ chức giữa tuần vừa rồi, ông Võ Văn Long, Chủ tịch Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức cho rằng “Đây là thời điểm để doanh nghiệp đưa hàng Việt sang Đức ngắn nhất và nhanh nhất”.

Có thể tiếp cận thị trường Đức bằng cách nào?

Theo đại diện của Desk Việt Nam tại phiên tư vấn, đơn vị này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiếm cơ hội đưa hàng hóa Việt sang Đức thông qua hỗ trợ tìm kiếm đối tác cho phía doanh nghiệp, thông tin về quy trình mua bán…

Doanh nghiệp có thể tiếp cận thông qua các kênh Thương vụ Việt Nam tại Đức hoặc website của EU. Doanh nghiệp được khuyến cáo cần nghiên cứu kỹ các quy định về nhập khẩu hàng hóa, thuế, thủ tục hải quan, các quy định phi thuế quan như SPS và TBT.

Tích cực tham gia các chương trình hội chợ quốc tế, cũng như các chương trình xúc tiến thương mại trong nước cũng sẽ mở ra cơ hội để doanh nghiệp Việt giới thiệu sản phẩm của mình đến với các đối tác tiềm năng.

Đại diện thương vụ và các chuyên gia tham gia Phiên tư vấn.

Đại diện thương vụ và các chuyên gia tham gia Phiên tư vấn.

Thị phần nông sản còn thấp

Năm 2021 xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang Đức đã ghi nhận dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, so với các thị trường khác, nông sản Việt vẫn chưa thực sự có chỗ đứng trên bản đồ thị trường thực phẩm tại Đức.

Theo số liệu từ Thống kê Liên bang Đức, năm 2021 Đức nhập 2,9 triệu USD giá trị xuất khẩu rau củ của Việt Nam, chiếm chỉ 0,04% tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường này.

Tương tự, hoa quả và hạt các loại xuất khẩu sang Đức đạt 290,4 triệu USD, chiếm 2,2%. Trà, cà phê và gia vị đạt 453 triệu USD, chiếm 9%.

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu hàng hóa sang Đức là chất lượng không đồng đều. Là thị trường nhập khẩu top 4 trên thế giới, thực phẩm nhập khẩu vào Đức không chỉ phải đáp ứng nhu cầu đơn giản như “ngon – sạch – đẹp” mà còn hơn thế, đó là “thưởng thức”.

Theo ông Võ Văn Long, nông sản Việt chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, khi tìm nguồn hàng xuất khẩu doanh nghiệp sẽ đi thu mua từ nhiều nguồn. Điều đó khiến chất lượng nông sản không đồng đều, lô hàng xuất sang Đức có lô đảm bảo có lô không đạt chất lượng. Khi đó, uy tín của doanh nghiệp sẽ giảm sút, ảnh hưởng đến việc xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững tại thị trường này.

“Hàng nông sản không đảm bảo chất lượng không phải do mình không đủ trình độ, mà do mình sản xuất nhỏ lẻ. Tôi mong muốn Việt Nam sẽ có nhiều nông trường lớn”, ông Long chia sẻ.

Thị trường Đức cũng như thị trường khác trong khối EU có mức độ đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và các hàng rào kỹ thuật.

Về thách thức của doanh nghiệp Việt khi xuất hàng sang thị trường EU, trong đó bao gồm Đức, đầu năm 2022 Bộ Công Thương đã từng nhận định, khó khăn đến từ việc thiếu thông tin cập nhật về thị trường, về doanh nghiệp.

"Các nhà sản xuất, xuất khẩu cũng thường thiếu thông tin và hướng dẫn về những quy định của EU trong khi các quy định này thường xuyên thay đổi", nhận định của Bộ Công Thương.

Nên bắt đầu với số lượng hạn chế khi xuất khẩu lần đầu

Tại cuộc tư vấn, lời khuyên được đưa ra cho các doanh nghiệp Việt là, nên bắt đầu với số lượng ít, tránh sai lầm về chất lượng khi mới xuất khẩu lần đầu. Khi đạt được sự tin tưởng từ phía khách hàng, doanh nghiệp có thể tăng dần số lượng xuất khẩu.

Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Đức, ông Bùi Vương Anh cho rằng doanh nghiệp cần điều chỉnh sản phẩm, quy trình sản xuất (nếu cần) để đáp ứng yêu cầu của thị trường và của người mua.

Tăng cường thiết lập và củng cố mối quan hệ đối tác lâu dài, tin tưởng lẫn nhau và hợp tác chặt chẽ với nhà nhập khẩu để nắm bắt những yêu cầu về chất lượng, mẫu mã và khuynh hướng thị trường.

Đồng thời, để tránh rủi ro, doanh nghiệp cần tìm kiếm đối tác tin cậy, hợp tác bền vững, tránh tư tưởng kinh doanh ngắn hạn. Xác minh đối tác kinh doanh trước khi thực hiện ký kết hợp đồng.

Q&A VỀ THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU NÔNG SẢN SANG ĐỨC Thị trường Đức có nhu cầu vải thiều của Việt Nam không? Doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường này như thế nào?

Người tiêu dùng Đức rất thích thực phẩm đặc trưng châu Á như trái vải… Siêu thị của Đức đã có các mặt hàng trái cây của Việt Nam, dù còn khiêm tốn về số lượng.

Về giá nhập khẩu, vải tại thị trường này có giá tương đối cao, một phần do chi phí vận chuyển xuất khẩu lớn.

Hiện Vietnam Airlines và Bamboo Airlines đã có đường bay thẳng đến Đức. Đây là lợi thế của doanh nghiệp Việt khi muốn xuất khẩu trái vải sang đây.

Doanh nghiệp muốn đi theo đường trực tiếp đến Đức tương đối khó do bảo quản nông sản chỉ trong thời điểm ngắn hạn, doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng hàng khi đến phía đối tác.

Nhu cầu cà phê và cà phê rang xay tại thị trường Đức như thế nào?

Cà phê của Việt Nam ở Đức đang phát triển rất tốt. Trước đây, người tiêu dùng Đức chủ yếu dùng cà phê châu Âu. Hiện nay, xu hướng đó đang dần chuyển sang cà phê Việt Nam.

Hiện nay, cà phê Việt xuất sang Đức chủ yếu là dạng thô và qua các bên trung gian. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể cung ứng trực tiếp cho các nhà máy rang xay.

Để phát triển bền vững tại Đức, doanh nghiệp nên chế biến, liên kết thương hiệu và phát triển cà phê rang xay mang thương hiệu của mình.

Trong thời gian qua, có nhiều nhà cung cấp cà phê ở Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận thị trường Đức. Tuy nhiên, đây đều là các công ty nhỏ, không có nguồn lực tài chính tạo nguồn lực cung cấp sản phẩm.

Có 2 gợi ý mà doanh nghiệp có thể sử dụng để tiếp cận thị trường Đức:

Thứ nhất, doanh nghiệp có thể tạo một website để giới thiệu sản phẩm của mình, có sử dụng cả tiếng Anh và tiếng Việt.

Thứ hai, các công ty nhỏ liên kết với nhau, tạo thành một mạng lưới liên kết, chia sẻ và giúp đỡ nhau. Ở Đức, mô hình kết hợp này cũng đã có. Các doanh nghiệp nhỏ kết hợp với nhau, tạo ra một mạng lưới phân phối hàng hóa, cùng với nhau tổ chức các buổi hội chợ. Một mặt, doanh nghiệp có thể giảm chi phí tổ chức, một mặt có thể thường xuyên giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm các đối tác ngay tại hội chợ.

Những sản phẩm enzim trái cây có tiềm năng xuất khẩu sang Đức không?

Các sản phẩm enzim về trái cây như đồ uống, hương vị trái cây rất được ưa chuộng tại Đức. Doanh nghiệp có thể cung ứng trực tiếp đối với khách hàng có kênh phân phối dòng sản phẩm này nếu như đối tác Việt Nam đủ uy tín.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/xuat-khau-nong-san-sang-duc-doanh-nghiep-viet-nen-tim-cach-lien-ket-thuong-hieu-post5701.html