Xuất khẩu nông sản, trái cây sang Trung Quốc: Cơ hội và những thách thức

Trung Quốc là thị trường lớn và tiềm năng, song ngày càng khó tính. Không chỉ đòi hỏi chất lượng hàng hóa tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm mà mẫu mã còn phải bắt mắt.

Xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh

Theo Vietnamnet, số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 3 tháng đầu năm 2023, quốc gia này chi 1,18 tỷ USD để nhập khẩu 885,3 nghìn tấn trái cây gồm: chuối, xoài, măng cụt, dưa hấu, sầu riêng, nhãn, chôm chôm, thanh long, vải thiều.

So với năm ngoái, khối lượng nhập khẩu giảm 18,9% nhưng tăng 6,2% về trị giá.

Giá nhập khẩu bình quân 9 loại trái cây trên là 1.329,7 USD/tấn, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, chuối, nhãn, thanh long, sầu riêng được Trung Quốc nhập nhiều nhất. Cụ thể, quốc gia hơn 1,4 tỷ dân này nhập khẩu 513,8 nghìn tấn chuối, trị giá 313,1 triệu USD. Philippines và Việt Nam là thị trường cung cấp chuối chủ yếu cho Trung Quốc.

Đáng chú ý, sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư xuất khẩu quả chuối tươi chính ngạch, nhập khẩu chuối từ Việt Nam tăng mạnh, đạt 225 nghìn tấn, trị giá 108,6 triệu USD, tăng 39,6% về lượng và tăng 22,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Nhập khẩu quả nhãn của Trung Quốc quý I/2023 đạt 125 nghìn tấn, trị giá 168 triệu USD; nhập khẩu thanh long đạt 97,2 nghìn tấn, trị giá 93,3 triệu USD.

Nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc cũng tiếp tục tăng mạnh, đạt 91,4 nghìn USD, trị giá 506,8 triệu USD, tăng 154,3% về lượng và tăng 124,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Những năm trước đây, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan. Tuy nhiên, sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, Việt Nam đã trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ hai sau Thái Lan được xuất khẩu chính ngạch sầu riêng tươi sang Trung Quốc.

Về thị trường, Việt Nam và Thái Lan là hai nhà cung cấp chính 9 loại quả này cho Trung Quốc. Tỷ trọng trái cây Thái Lan và Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu trái cây của Trung Quốc đều tăng.

Theo đó, trong quý I/2023, Trung Quốc nhập 376,3 nghìn tấn các loại trái cây này của Việt Nam, trị giá 342,3 triệu USD, giảm 15,4% về lượng nhưng tăng 2,1% về trị giá. Cùng với đó, Trung Quốc cũng nhập 204,6 nghìn tấn của Thái Lan, trị giá 583 triệu USD, giảm 3% về lượng nhưng tăng 20,2% về trị giá.

Đáng chú ý, giá trung bình 9 loại trái cây Trung Quốc nhập từ Việt Nam chỉ 909,6 USD/tấn, còn nhập từ Thái Lan lên tới hơn 2.850 USD/tấn.

Tính đến nay, Việt Nam có 12 loại rau quả của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, sầu riêng và khoai lang.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), với tốc độ tăng trưởng 17,6% trong 4 tháng đầu năm 2023, hàng rau quả trở thành điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu của cả nước. Trong đó, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh đã thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng khả quan. Tiềm năng xuất khẩu hàng rau quả sang Trung Quốc rất lớn bởi nhu cầu thị trường cao.

Tuy nhiên, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính như nhiều năm trước đây, xu hướng tiêu dùng đã hướng tới chất lượng, mẫu mã sản phẩm và có sự cạnh tranh với trái cây các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia...

Do vậy, các doanh nghiệp hàng rau quả của Việt Nam phải tiếp tục nâng cao chất lượng trong việc thu mua, kiểm tra tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chế biến và bảo quản sản phẩm, đáp ứng đúng yêu cầu của đối tác.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nông sản, trái cây Việt Nam có thua Thái Lan tại thị trường Trung Quốc?

Thông tin xoay quanh về vấn đề này với VTC News, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, số lượng các loại trái cây của Thái Lan xuất khẩu sang Trung Quốc theo diện chính ngạch và có ký kết Nghị định thư nhiều hơn chúng ta vì Thái Lan đã tiến hành đàm phán với Trung Quốc trước chúng ta cả một thời gian dài.

Cò về phía ta phải đến tận gần năm 2000, sau khi Việt Nam chính thức tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì mới bắt đầu tiến hành đàm phán cho các sản phẩm. Tuy nhiên nếu so sánh trong 5 năm gần đây về tốc độ đàm phán để ký nghị định thư với Trung Quốc thì chúng ta ngang bằng, thậm chí còn nhanh hơn so với Thái Lan

Với mặt hàng sầu riêng, số lượng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói của Thái Lan cao hơn rất nhiều so với Việt Nam, cũng là vì lý do này.

Ông Hoàng Trung cho biết thêm, sau một năm ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng với Trung Quốc, đến nay Việt Nam có gần 300 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được phía Trung Quốc chấp thuận. Gần 400 hồ sơ khác đang được phía Trung Quốc lên kế hoạch kiểm tra vào thời gian tới. Trong khi đó, Thái Lan đã có đến hàng chục ngàn mã cho riêng mặt hàng này.

Về thủ tục kiểm tra nông sản nhập khẩu, theo ông Hoàng Trung, phía Trung Quốc quy định mỗi lô hàng nhập khẩu vào nước này thì cán bộ kiểm dịch, hải quan sẽ lấy mẫu theo tỉ lệ 2% số hàng. Qua một năm mà không thấy vi phạm hoặc không phải đưa vào cảnh báo thì họ sẽ giảm tỉ lệ lấy mẫu xuống 1%. Nếu hàng hóa được làm tốt hơn nữa thì thậm chí họ chỉ cần kiểm tra bên ngoài, không cần phải lấy mẫu. Nếu chúng ta càng làm tốt, càng kiểm soát tốt, không có vi phạm thì tần suất kiểm tra và lấy mẫu sẽ giảm dần.

Về vấn đề tại sao các loại trái cây của Thái Lan xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhiều hơn Việt Nam, theo ông Hoàng Trung, trong 5 năm gần đây, tốc độ ký Nghị định thư với Trung Quốc của chúng ta ngang bằng, thậm chí còn nhanh hơn so với Thái Lan (những loại trái cây, sản phẩm chúng ta cần đàm phám chính thức để ký Nghị định thư).

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xuat-khau-nong-san-trai-cay-sang-trung-quoc-co-hoi-va-thach-thuc-a609139.html