Xuất khẩu phục hồi nhưng chưa vững chắc

Trong những tháng đầu năm, doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác có hiệu quả các FTA, kim ngạch xuất khẩu nhập khẩu tăng trưởng hơn 15%. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với tăng trưởng yếu, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục có nhiều cơ hội và cả sức ép cạnh tranh mới…

Nguồn: Bộ Công thương Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Bộ Công thương Đồ họa: Văn Chung

21 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Báo cáo mới nhất được Bộ Công thương công bố cho thấy, 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu tăng 15%, nhập khẩu tăng 15,4%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,4 tỷ USD.

Ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới

Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hiệu quả, cơ quan nhà nước cần tiếp tục đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu; phát triển dịch vụ logistics; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu; tăng cường năng lực về phòng vệ thương mại, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương…

Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2024 đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 123,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 33,62 tỷ USD, tăng 21%, chiếm 27,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 90,02 tỷ USD, tăng 12,9%, chiếm 72,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong 4 tháng đầu năm 2024 có 21 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,8%).

Phân tích về kết quả đạt được của xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho hay, hiện tại, tình hình phục hồi sản xuất khá tốt đã góp phần vào sự phục hồi của tăng trưởng xuất khẩu. Đặc biệt, nhiều thị trường xuất khẩu lớn có sự phục hồi, vượt qua giai đoạn suy thoái.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao. Điểm sáng có thể nhận thấy, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch ước đạt 34,12 tỷ USD, chiếm 27,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất siêu sang EU ước đạt 11,4 tỷ USD, tăng 16,7%. Xuất siêu sang Nhật Bản ước đạt 209 triệu USD, giảm 41,8%. Tiếp đến là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ước đạt 17,96 tỷ USD, tăng 14,4% (cùng kỳ năm 2023 giảm 13%); thị trường EU ước đạt 16,35 tỷ USD, tăng 15% (cùng kỳ giảm 10,8%); Hàn Quốc ước đạt 8,36 tỷ USD, tăng 10,2%; Nhật Bản ước đạt 7,66 tỷ USD, tăng 4,6%.

Còn tiềm ẩn nhiều khó khăn

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cùng với quá trình hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp Việt Nam đang khai thác có hiệu quả các Hiệp định FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, kim ngạch xuất khẩu nhập khẩu của nước ta đã và sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội và cả sức ép cạnh tranh mới… Sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế có độ mở lớn của nước ta trong thời gian tới.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nhìn chung, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024, nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ có cả những thuận lợi và đối mặt với những thách thức. Về thuận lợi, các FTA đang có với các đối tác/thị trường tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư.

Nhu cầu thị trường thế giới nói chung và khu vực thị trường châu Âu, châu Mỹ từng bước phục hồi do lạm phát đã bắt đầu có xu hướng giảm từ cuối năm 2023 và có khả năng tiệm cận mức mục tiêu các Ngân hàng Trung ương đề ra cho năm 2024 (ECB và FED - 2%).

Tuy nhiên, về khó khăn cũng hiển hiện rõ. Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro và thách thức và khó đoán định; sự phục hồi chậm của các đối tác thương mại lớn. Áp lực lạm phát toàn cầu được đánh giá sẽ chậm lại, nhưng vẫn ở mức cao. Xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và bất ổn tiếp tục có nguy cơ lan ra các khu vực khác..., là những nguy cơ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế nước ta trong năm 2024, trong đó có tăng trưởng xuất khẩu.

“Mặc dù các kết quả trong 4 tháng đầu năm 2024 rất khả quan nhưng vẫn cần tập trung theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó vì còn những khó khăn, thách thức tiềm ẩn” - PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Ở góc độ cơ quan quản lý, để dồn sức cho xuất khẩu quý II/2024 và các tháng còn lại của năm nhằm hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 đó là tăng trưởng xuất khẩu 6%, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, với vai trò là cơ quan chủ trì trong quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu./.

Hải Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xuat-khau-phuc-hoi-nhung-chua-vung-chac-150551.html