Xuất khẩu rau quả dự kiến tăng khoảng 10%

Dự báo giá trị xuất khẩu rau quả năm 2018 sẽ có tốc độ tăng trưởng khoảng 10% so với năm trước, thấp hơn nhiều so với con số trên 40% của năm 2017.

Khâu khử trùng, tuyển chọn chuối xuất khẩu tại Trang trại chuối xuất khẩu Huy Long An (Tây Ninh). Ảnh: Lê Đức Hoảnh-TTXVN

Khâu khử trùng, tuyển chọn chuối xuất khẩu tại Trang trại chuối xuất khẩu Huy Long An (Tây Ninh). Ảnh: Lê Đức Hoảnh-TTXVN

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu rau quả 11 tháng năm 2018 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam với 73,8% thị phần. Thị trường rau quả trong nước được dự báo sẽ tương đối ổn định với điều kiện thời tiết thuận lợi trong khi nhu cầu không có sự tăng đột biến.

Tuy nhiên, những khó khăn từ thị trường Trung Quốc, dự báo giá trị xuất khẩu rau quả năm 2018 sẽ có tốc độ tăng trưởng khoảng 10% so với năm trước, thấp hơn nhiều so với con số trên 40% của năm 2017.
Trong 11 tháng, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả đạt 1,57 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, mặt hàng rau quả trong 11 tháng đã xuất siêu gần 2 tỷ USD.
Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất là Thái Lan (chiếm 41% thị phần), Trung Quốc (chiếm 24%). Nhiều thị trường có giá trị nhập khẩu rau quả tăng mạnh như Chi Lê (tăng 98%), Hoa Kỳ (tăng 90%) và Hàn Quốc (tăng 83%)…
Theo các chuyên gia, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, đây là điều kiện tốt để tự do thông thương, trao đổi hàng hóa, mở cửa thị trường. Các nước mở cửa thị trường cho Việt Nam thì đồng thời Việt Nam cũng phải mở cửa cho các nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam nhập khẩu rau quả còn tái xuất sang các nước. Chẳng hạn, mặt hàng rau quả nhập từ các nước ASEAN có mức thuế là 0% nên trái cây Thái Lan tạm nhập vào Việt Nam rồi tái xuất sang Trung Quốc ngày càng tăng mạnh.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, lượng trái cây Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu là để tái xuất sang Trung Quốc. Các loại trái cây có xuất xứ Thái Lan được nhập khẩu về Việt Nam, sau đó xuất khẩu tiếp sang Trung Quốc chủ yếu là sầu riêng, măng cụt, nhãn…
Hiện nay, 80% sản lượng trái cây Việt Nam đang được tiêu thụ trong nước, chủ yếu ở dạng ở quả tươi; trong đó, 90% được tiêu thụ ở các chợ truyền thống. Các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng trái cây cao cấp, mới chỉ chiếm 10% lượng trái cây tiêu thụ nội địa.
Ngành công nghiệp chế biến, bảo quản rau quả của Việt Nam còn kém phát triển. Xuất khẩu rau quả phần lớn vẫn phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như Trung Quốc… dẫn đến nguy cơ rủi ro lớn. Lượng doanh nghiệp đầu tư vào chế biến rau quả ở Việt Nam còn rất ít. Lý do là Việt Nam chưa hình thành được những vùng chuyên canh, thâm canh lớn, tập trung. Doanh nghiệp khi đã đầu tư máy móc cần số lượng nguyên liệu chế biến lớn, sản xuất quanh năm.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đánh giá, phần lớn giá trị gia tăng nằm ở khâu chế biến, song rau quả Việt xuất khẩu khá hạn chế điểm này, nhất là chế biến sâu.
Hiện nay, nông sản Việt nam xuất khẩu chịu hai hàng rào kỹ thuật quan trọng nhất là an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. Đối với an toàn thực phẩm, kiểm soát hóa chất rất quan trọng trong quá trình sản xuất. Đây là rào cản có thể cản trở, hạn chế xuất khẩu nông sản Việt Nam vì yêu cầu về an toàn thực phẩm của các nước ngày càng tăng cao.

Phần lớn giá trị gia tăng nằm ở khâu chế biến. Ảnh minh họa:TTXVN

“Nếu chế biến được thì Việt Nam sẽ vượt được hai hàng rào kỹ thuật đang yếu trên. Bởi khi đã chế biến sẽ không phải chịu kiểm dịch thực vật. Khi xuất khẩu sản phẩm tươi, các nước sẽ kiểm soát chặt chẽ về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Sản phẩm đã chế biến, mức độ kiểm tra về an toàn thực phẩm sẽ không nghiêm ngặt như sản phẩm tươi. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chế biến còn giúp nông sản tránh được tình trạng “được mùa mất giá”", ông Hồng cho hay.
Ông Nguyễn Xuân Hồng cho rằng, tổ chức sản xuất là khâu quan trọng nhất. Tăng cường sự liên kết nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ quan quản lý trên cơ sở tổ chức sản xuất theo chuỗi và thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, GlobalGAP... để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp về vấn đề mặt bằng, đất đai, xây dựng vùng chuyên canh…
Tuy Việt Nam đã có nhiều hiệp định thương mại tự do, nhưng theo ông Jeroen Pasman, Trưởng phòng kinh doanh xuất khẩu Công ty The Fruit Republic, để mở cửa thị trường vẫn còn nhiều hàng rào kỹ thuật khác mà Việt Nam còn phải đàm phán. Điển hình như chuối xuất khẩu chưa xuất khẩu được sang Philippines, dừa chưa sang được Trung Quốc hay nhiều rau quả chưa sang được Nhật Bản vì các quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật. Việt Nam cần tiếp tục đàm phán để gỡ được các hàng rào kỹ thuật đó.
Ông Jeroen Pasman cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thế nào để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Các doanh nghiệp và ngành chức năng làm sao xây dựng được các quy chuẩn sản xuất phù hợp cho các nông sản Việt Nam.
Việt Nam hiện đã có khá nhiều sản phẩm rau quả chế biến như các loại trái cây dẻo, sấy, các loại nước trái cây... Tiềm năng xuất khẩu rau quả chế biến còn rất lớn. Năm 2018, nhiều nhà máy chế biến rau quả quy mô lớn được xây dựng như tổ hợp dự án Doveco Tây Nguyên, Nafoods Group đầu tư nhà máy ở Tây Ninh… sẽ bổ sung đáng kể vào năng lực chế biến rau quả của Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Hồng cho rằng, đầu tư cho chế biến sâu sẽ là bước đột phá để giải quyết vấn đề thị trường của nông sản Việt. Việt Nam có thể xuất khẩu rau quả “trong tầm tay” 10 tỷ USD vào năm 2025./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/xuat-khau-rau-qua-du-kien-tang-khoang-10-/104523.html