Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc vẫn chiếm áp đảo

Trung Quốc vẫn là thị trường số 1 nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong nhiều năm qua

7 tháng qua, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu rau quả số 1 của Việt Nam với 1,72 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch đạt 74 triệu USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường khác như Nhật Bản, Hà Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Anh có xu hướng bị giảm.

Rau quả vẫn chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Ảnh minh họa

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, nhìn lại các năm trước, rau quả xuất sang Trung Quốc vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2017, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 2,65 tỷ USD, chiếm 75,7% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong năm của cả nước.

Hay năm 2016, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 1,74 tỷ USD trên tổng số 2,5 tỷ USD. Năm 2017, xuất khẩu rau quả tăng trưởng “thần kỳ” từ 2,5 tỷ USD lên 3,5 tỷ USD , nghĩa là tăng 1 tỷ USD/năm.

Mặc dù, Trung Quốc vẫn đang là thị trường lớn, song Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cảnh báo, việc Trung Quốc mở rộng diện tích trồng thanh long khiến lượng thanh long của Việt Nam xuất sang Trung Quốc trong thời gian tới có thể sẽ bị chững lại.

Theo ông Nguyễn Du, Giám đốc Công ty TNHH TM - DV trái cây Thiên Nhiên (Công ty Thiên Nhiên), thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam còn nhiều dư địa nhưng do chất lượng hiện chưa được đảm bảo nên giá trị xuất khẩu còn khiêm tốn.

Một trong những yếu tố quan trọng là phải thay đổi thói quen làm ăn với thị trường Trung Quốc, kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả, thì mới nâng cao chất lượng và giá trị xuất khẩu rau quả.

"Nếu tình trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả vẫn như hiện nay thì cho dù kim ngạch rau quả năm nay có đạt được 4 tỷ USD cũng không thể gọi là xuất khẩu bền vững được", ông Du nhấn mạnh.

Vị giám đốc nói thêm, do chỉ chú trọng tới thị trường Trung Quốc, nên mỗi khi thị trường này cần thì không quan tâm đến chất lượng mà chỉ chú trọng số lượng và giá cả. Cho nên, phần lớn người nông dân chạy theo lợi nhuận và sự dễ tính của thị trường Trung Quốc.

Nhưng thị trường Trung Quốc lại khá bấp bênh, không đều đặn và ổn định như các thị trường nhập khẩu khác, khi thì mua ồ ạt, khi thì ngưng không mua, nên đã có nhiều doanh nghiệp ví von, "buôn bán với thị trường Trung Quốc như đi đu dây, không biết rơi xuống lúc nào. Chính vì vậy mà nông sản Việt phải thường xuyên giải cứu!".

Nâng chất lượng để hài lòng người tiêu dùng

Trước đó, ngày 18/5, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ đã tổ chức Hội thảo xúc tiến thương mại, công nghệ và thu hút vốn phát triển Hợp tác xã Việt Nam.

Tại hội thảo, hầu hết chuyên gia đều nhận định Trung Quốc là thị trường lớn, có khả năng tiêu thụ một lượng lớn hoa quả của Việt Nam, đặc biệt với ba loại quả: thanh long, dưa hấu và xoài.

Tuy nhiên, ông Su De Mao, Hội trưởng Thương hội Xuất nhập khẩu hoa quả China - Asean Bằng Tường cho rằng, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc thường xuyên không ổn định.

Nguyên nhân chính là do sự cạnh tranh. Một số hoa quả Việt Nam xuất khẩu sang thì Trung Quốc cũng sản xuất, trồng trọt, ví như dưa hấu. Từ đó, thời điểm Trung Quốc vào mùa sẽ ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ của Việt Nam. Cho nên quan trọng nhất là doanh nghiệp Việt Nam phải nắm được thông tin từ thị trường Trung Quốc

Ngoài ra, ông Su De Mao cũng cho rằng, để cải thiện tình hình xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Việt Nam phải xây dựng những thương hiệu riêng, chất lượng đảm bảo để nâng cao sức cạnh tranh. Chỉ khi đó người tiêu dùng Trung Quốc mới ưa thích và lựa chọn sản phẩm Việt.

Nông sản Việt là cô gái đẹp: Thật không?

Song song với việc đánh giá về thực trạng xuất khẩu nông sản, các chuyên gia tham dự hội thảo cũng đưa ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường sản xuất kinh doanh.

Theo đó, mô hình liên kết, hợp tác, trao đổi giữa các hợp tác xã trên cả nước được cho là biện pháp hữu hiệu để tăng sức cạnh tranh, nâng cao thương hiệu sản phẩm Việt.

Về việc này, Việt Nam cũng có nhiều hợp tác xác đã hoạt động hiệu quả, song cũng không ít hợp tác xã vẫn còn nhiều khó khăn nội tại, đặc biệt là trong vấn đề tiếp cận vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.

Thái An (tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/xuat-khau-rau-qua-sang-trung-quoc-van-chiem-ap-dao-3364538/