Xuất khẩu sang Ấn Độ đạt mốc 8,5 tỷ USD năm 2023

Dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ trong năm 2023 là nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,94 tỷ USD, tăng 88,2% so với cùng kỳ năm trước.

Dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ trong năm 2023 là nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ năm 2023 đạt 14,36 tỷ USD giảm nhẹ so với năm 2022, trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang Ấn Độ đạt kim ngạch 8,5 tỷ USD, tăng trưởng 6,8% so với năm 2022, Ấn Độ là một trong số ít thị trường đạt mức tăng trưởng dương.

Dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 là nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,94 tỷ USD, tăng 88,2% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 22,9% tỷ trọng. Tiếp đến là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 1,03 tỷ, chiếm 12,2% tỷ trọng.

Trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu một số nhóm mặt hàng có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước: Sắt thép các loại tăng 319,3%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 287,7%; sản phẩm từ cao su tăng 65,7%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ trong năm 2023 chỉ đạt 5,86 tỷ USD, giảm mạnh 17,2% so với năm 2022. Nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ chiếm tỷ trọng 2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Xuất siêu của Việt Nam đến Ấn Độ có giá trị 2,63 tỷ USD, tăng mạnh so với năm 2022.

Thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ, liên tục đạt tăng trưởng đều đặn trong 25 năm qua. Quan hệ song phương từ mức khoảng 200 triệu USD năm 2000 đã đạt mức 15 tỷ USD năm 2022 đưa Ấn Độ trở thành 1 trong 8 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, trong khi Việt Nam nằm trong top 4 quốc gia ASEAN có quan hệ thương mại với Ấn Độ. Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á, chiếm tỷ trọng gần 80% xuất khẩu của Việt Nam đến khu vực này.

Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu cân bằng và có sự bổ sung cho nhau. Trong khi Ấn Độ là nguồn cung cấp nguyên liệu và thành phẩm quan trọng cho Việt Nam đối với các mặt hàng sắt thép, hóa chất, dược phẩm, dệt may, thức ăn chăn nuôi, thủy sản thì nhóm mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang Ấn Độ là máy tính cá nhân; điện thoại di động và linh kiện, sắt thép, hóa chất, gỗ và sản phẩm từ gỗ, giày dép, gia vị, cà phê, hồ tiêu…

Trước đó, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Ấn Độ đạt xấp xỉ 8 tỷ USD, tăng 26,8% so với năm 2021. Xuất khẩu của Việt Nam đến Ấn Độ chiếm hơn 2,0% tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Ấn Độ là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới. Dân số Ấn Độ là khoảng 1,4 tỷ người với dung lượng thị trường lớn, tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp các nước, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, nền kinh tế Ấn Độ có độ mở chưa cao khi kim ngạch xuất nhập khẩu Ấn Độ mới chiếm 36% GDP và còn nhiều dư địa để mở rộng. Do đó nền kinh tế Ấn Độ ổn định, không bị tác động quá lớn vào thương mại quốc tế, đồng Rupee của Ấn Độ có tỷ giá ổn định.

Ấn Độ xuất khẩu đứng thứ 8 thế giới và nhập khẩu đứng thứ 10 thế giới. Ấn Độ có kế hoạch nâng tỷ lệ kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP lên 60% và đang nỗ lực mở cửa thị trường.

Theo kết quả báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu BMI, Ấn Độ sẽ trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ ba thế giới vào năm 2027 nhờ sự bùng nổ mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu và thượng lưu.

Hiện tại, Ấn Độ đang đứng ở vị trí số 5 sau Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Tuy nhiên dự báo chi tiêu, tiêu dùng của người dân nước này sẽ tăng 29% trong vòng hai năm tới, giúp quốc gia đông dân nhất thế giới tiến thêm hai bậc trên bảng xếp hạng nói trên.

Ngoài ra, BMI ước tính chi tiêu hộ gia đình tại Ấn Độ sẽ sớm vượt ngưỡng 3.000 tỷ USD khi thu nhập khả dụng của họ ghi nhận mức tăng hàng năm lên 14,6% cho tới năm 2027.

Thanh An

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/xuat-khau-sang-an-do-dat-moc-85-ty-usd-nam-2023-116621.htm