Xuất khẩu sang Trung Đông: Thị trường rộng nhưng còn lắm gian nan

Bất đồng về phong tục tập quán và tín ngưỡng nên để xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm hiểu kỹ càng.

Trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu thương mại giữa Việt Nam và liên tục tăng trưởng cao, năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu mới chỉ đạt 12 tỷ USD, nhưng đến năm 2018 con số này đã đạt gần 14 tỷ USD. Điều này cho thấy, Trung Đông luôn là thị trường tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, với những khó khăn về khoảng cách địa lý cũng như còn nhiều rào cản về phong tục tập quán, đặc biệt là về vấn đề tôn giáo nên tiềm năng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Trung Đông được đánh giá là còn chưa xứng với tiềm năng.

Bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, với 15 quốc gia trong khu vực Trung Đông phát triển chủ yếu bằng việc xuất khẩu dầu mỏ, nên những quốc gia này luôn có khả năng thanh toán và có nguồn ngoại tệ rất dồi dào.

Bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương).

Trong khi đó, hầu hết các quốc gia Trung Đông hiện nay đang tiến hành xây dựng những đại công trình lớn, vì thế đây là thị trường có nhu cầu rất lớn về vật liệu xây dựng cũng như đồ nội thất nhập khẩu từ Việt Nam.

Bên cạnh đó, các nước khu vực Trung Đông từ trước đến nay do khả năng tự cung cấp nguồn nhu yếu phẩm về lương thực và thực phẩm rất thấp, chính vì thế nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu của các quốc gia này luôn gia tăng, họ có xu hướng nhập khẩu rất lớn từ phía Việt Nam, hiện nay những mặt hàng rau, củ quả, thủy hải sản của Việt Nam đã và đang từng bước thâm nhập được vào thị trường này.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong việc tư vấn cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, ông Minh Sơn, Chuyên viên tư vấn kinh tế thị trường cho biết, thị trường Trung Đông có dân số đông nên nhu cầu về lương thực, thực phẩm rất lớn và đây là bài toán mà các DN cần phải giải quyết. “Sẽ rất khó khăn nhưng không vì thế mà các DN Việt Nam có thể bỏ qua thị trường vô cùng tiềm năng và nhiều lợi thế này”, ông Sơn cho biết.

Ông Minh Sơn, Chuyên viên tư vấn kinh tế thị trường.

Chính vì thế, ông Sơn cho rằng, tiêu chuẩn lớn nhất để các DN xuất khẩu Việt Nam có thể đưa được các sản phẩm sang thị trường Trung Đông, đó chính là việc phải được cấp và tuân thủ theo Chứng nhận Halal (Sản phẩm người Hồi giáo được phép ăn uống hoặc sử dụng và người Hồi giáo chỉ sử dụng các sản phẩm Halal).

“Việc có được chứng chỉ này không khó, cái khó chính là DN xuất khẩu của Việt Nam phải biết được thói quen, tập quán của người Hồi giáo (họ chiếm phần đông dân số khu vực Trung Đông) để có sản phẩm phù hợp nhất”, ông Sơn chia sẻ.

Cách tốt nhất để các DN xuất khẩu của Việt Nam làm được điều này khi muốn thâm nhập thị trường Trung Đông, ông Sơn đưa ra lời khuyên đó là các DN nhất thiết cần thông qua các Đại sứ quán Việt Nam tại các quốc gia sở tại cũng như các Thương vụ Việt Nam tại những quốc gia này.

Tiêu chuẩn Halal còn chưa rõ ràng

Bổ sung những khó khăn mà các DN Việt Nam hay gặp phải khi có ý định xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, ông Trần Văn Tân Cương, Giám đốc Công ty tư vấn phát triển Halal cho biết, hiện vẫn chưa có Chứng nhận chung của Halal cho toàn thế giới, đây là tiêu chuẩn riêng của người Hồi giáo và hiện chưa có cơ quan uy tín nào của thế giới công nhận.

Ông Trần Văn Tân Cương, Giám đốc Công ty tư vấn phát triển Halal.

Thực tế tại Việt Nam hiện nay, Chứng nhận Halal cũng chưa theo một tiêu chuẩn thống nhất, phần lớn được đánh giá một cách chủ quan và phụ thuộc nhiều vào sự kiểm soát có phần lơi lỏng từ phía các quốc gia khu vực Trung Đông. Qua nghiên cứu và thu thập thông tin, Công ty tư vấn phát triển Halal đang cố gắng hoàn thiện bộ tiêu chuẩn này.

“Hầu hết các DN Việt Nam đang có tình trạng “mạnh ai người đấy lo” nên nhiều khi muốn có Chứng chỉ Halal để xuất khẩu sang một quốc gia thuộc thị trường Trung Đông thường không theo tiêu chuẩn chung nào. Tất nhiên, khi DN làm theo cách này sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro, trong đó có cả việc bị lừa đảo”, ông Tấn nói.

Chính vì thế theo ông Tuấn, các DN xuất khẩu của Việt Nam cần tìm hiểu kỹ những sản phẩm của mình khi xuất khẩu sang thị trường Trung Đông. Trong đó cần hết sức chú ý đến việc sản phẩm phải phù hợp với dấu kiểm định chất lượng cũng như quy trình chế biến sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm thực phẩm. Bởi lẽ những quốc gia khu vực Trung Đông thường theo đạo Hồi nên vẫn có những quy định nghiêm ngặt về những sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là những sản phẩm có nguồn gốc từ động vật giết mổ.

Theo bà Nguyễn Minh Phương, ngoài những khó khăn khi tiếp cận được thị trường Trung Đông, rủi ro trong thanh toán giao dịch cũng là điều các DN Việt Nam cần lưu ý. Bởi thị trường này ngoài những bất đồng về phong tục tập quán và tín ngưỡng còn có nhiều khó khăn về khoảng cách địa lý.

“Thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với các DN khu vực Trung Đông, DN Việt Nam có cơ hội trao đổi và thỏa thuận cụ thể, từ đó là dịp mời các đối tác này đến Việt Nam thăm quan vùng nguyên liệu, thăm cơ sở sản xuất chế biến, nâng cao sự tin cậy, thành công trong hợp tác thương mại lâu dài và bền vững giữa hai bên”, bà Phương khuyến cáo./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/xuat-khau-sang-trung-dong-thi-truong-rong-nhung-con-lam-gian-nan-913052.vov