Xuất khẩu tăng, nhưng chỉ có 10% giá trị đôi giày là của Việt Nam

Tính đến hết tháng 10, xuất khẩu giày dép và túi xách, ô đã mang về hơn 17,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chỉ có 10% giá trị của đôi giày là của Việt Nam còn 90% là của nước ngoài.

Với giá trị xuất khẩu trong 10 tháng, trung bình mỗi tháng ngành giày dép xuất khẩu đạt khoảng 1,35 tỷ USD mỗi tháng, 300-500 triệu USD xuất khẩu túi xách cùng lượng đơn hàng trong năm nay đã ký xong, việc đạt mục tiêu xuất khẩu của ngành này theo dự đoán chắc chắn sẽ được 21,7-21,8 tỷ USD, vượt kế hoạch 21,5 tỷ USD đã đề ra.

Phân tích nguyên nhân ngành da giày, túi xách… đạt được kết quả như trên, các chuyên gia cho rằng, chính là nhờ lượng đơn hàng trước đây chuyển qua Trung Quốc nhưng nay chuyển sang Việt Nam. Và dự tính, năm 2020-2021, lượng đơn hàng tiếp tục tăng, đặc biệt trong đó có nhiều đơn hàng lớn, tác động thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

Xuất khẩu tăng, nhưng chỉ có 10% giá trị đôi giày là của Việt Nam

Xuất khẩu tăng, nhưng chỉ có 10% giá trị đôi giày là của Việt Nam

Nhìn vào số lượng xuất khẩu thì các doanh nghiệp giày dép, túi xách quy mô lớn, vẫn đứng đầu, trong đó phải kể đến doanh nghiệp FDI ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Quảng Nam.

Phó chủ tịch Tập đoàn Nike (Mỹ), ông Chris Helzer khẳng định: “Việt Nam tiếp tục là thị trường quan trọng nhất của Nike trong sản xuất và xuất khẩu. Bởi có đến 50% sản phẩm của Nike trên toàn cầu sản xuất ở Việt Nam”.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực cải cách thủ tục hành chính; thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại; tháo gỡ khó khăn trong sản xuất; tập trung hỗ trợ cho ngành về chất liệu, nguyên liệu, mẫu mã, công nghệ mới để ngành phát triển ổn định; thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ trong vốn, công nghệ, đất đai, tín dụng...

Để hỗ trợ thúc đẩy phát triển và xuất khẩu giày dép, túi xách…, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đề nghị, tới đây ngành da giày Việt Nam cần chú trọng đầu tư nguồn nhân lực, xây dựng chiến lược phát triển ngành phù hợp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0. Bên cạnh đó, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cần tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước nhằm đưa doanh nghiệp nội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, vấn đề theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đặc biệt quan tâm là năng suất lao động trong ngành da giày. Năng suất lao động của công nhân sản xuất giày của Việt Nam còn thấp, nếu như một công nhân Trung Quốc mỗi ngày sản xuất được 7-8 đôi giày thì một công nhân Việt Nam chỉ sản xuất được 3-4 đôi giày mỗi ngày. Như vậy sức cạnh tranh của giày dép Việt Nam rất thấp.

Trong khi giá trị gia tăng và thực thu ngoại tệ của ngành da giày thấp. Bởi năng suất lao động thấp, phần nguyên phụ liệu nhập khẩu lớn nên trong tổng giá trị giày dép xuất khẩu chỉ có khoảng 10% giá trị 1 đôi giày là của Việt Nam, còn tới 90% là của nước ngoài.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nói: “Chính phủ luôn ủng hộ doanh nghiệp. Nhưng chỉ có thể hỗ trợ ở mặt chính sách, còn hiện thực hóa hiệu quả các chính sách này cần sự chủ động của doanh nghiệp. Riêng với phát triển công nghiệp phụ trợ, da giày là ngành thời trang, thay đổi liên tục, do đó cần phát triển công nghiệp phụ trợ sao cho hợp lý. Mặc dù quá trình thực hiện đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực. Tuy nhiên Lefaso cần có định hướng mới và cụ thể để các cơ quan chức năng của bộ nghiên cứu, triển khai theo hướng phù hợp”.

Nguyễn Hưng

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/xuat-khau-tang-nhung-chi-co-10-gia-tri-doi-giay-la-cua-viet-nam-556667.html