Xuất khẩu Thanh Hóa - tăng trưởng ấn tượng

Kết thúc năm 2022, hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã đạt được sự tăng trưởng ấn tượng. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 5,9 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ, bằng 103,5% kế hoạch. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực, linh hoạt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và là động lực để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trong năm 2023.

Công nhân may của Công ty TNHH SOTO, xã Tiên Trang (Quảng Xương) trong ca sản xuất.

Công nhân may của Công ty TNHH SOTO, xã Tiên Trang (Quảng Xương) trong ca sản xuất.

Bước vào thực hiện nhiệm vụ xuất khẩu năm 2022 với nhiều khó khăn do tác động bởi dịch COVID-19, bất ổn chính trị - thương mại quốc tế và xu hướng bất lợi của giá cả nguyên, nhiên liệu đầu vào. Tuy nhiên, nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt các văn bản chỉ đạo, điều hành, các giải pháp của Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Thanh Hóa về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nỗ lực của 145 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đa dạng hóa các hình thức tiếp cận và mở rộng thị trường, áp dụng có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, như hàng may mặc, giày dép, dăm gỗ, thủy sản, xi măng... có kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ, đem lại tổng giá trị xuất khẩu trong năm 2022 đạt 5,9 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ, bằng 103,5% kế hoạch.

Công ty TNHH Tư Thành, địa chỉ lô 05, Khu Công nghiệp (KCN) Đình Hương – Tây Bắc Ga (TP Thanh Hóa) là doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm củ, quả xuất khẩu, gồm vải, dưa chuột và dứa đóng hộp. Sản phẩm của công ty hiện có mặt tại thị trường các nước phương Tây, châu Âu và Trung Cận Đông. Bà Đồng Thị Tuyết Anh, Giám đốc Công ty TNHH Tư Thành, cho biết: Ngoài ảnh hưởng bởi dịch COVID–19, cuộc xung đột Nga – Ukraine, không chỉ khiến cho xuất khẩu nông sản vào thị trường Nga gặp khó, mà còn đẩy giá nguyên, nhiên liệu tăng cao. Bên cạnh đó, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ là những nước đang cạnh tranh thị trường xuất khẩu nông sản, nhất là Thái Lan khi nước này có chính sách bảo hộ, hỗ trợ nông nghiệp. Ngoài ra, việc giá cước vận tải tăng từ 2 – 5 lần, cộng với các chi phí đầu vào (đường nguyên liệu và vỏ lon đóng hộp) đều tăng trên dưới 60%... Mặc dù lợi nhuận gần như bằng 0, nhưng công ty vẫn chấp nhận để duy trì, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng và mất thị trường xuất khẩu. Đồng thời, đã chia sẻ với khách hàng bằng cách chậm thanh toán cho khách quen từ 1 - 2 tháng... Nhờ đó, năm 2022 tuy gặp nhiều khó khăn nhưng giá trị xuất khẩu của công ty đạt 4,5 triệu USD, tương đương gần 110 tỷ đồng, tăng 15% so kế hoạch đặt ra. Cũng theo bà Tuyết Anh, hiện công ty đã ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu đến hết tháng 4-2023, với giá trị các hợp đồng là 1,5 triệu USD.

Chế biến dứa đóng hộp phục vụ xuất khẩu tại Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt, phường Long Anh (TP Thanh Hóa).

Những ngày này, 600 công nhân may của Công ty TNHH SOTO, xã Tiên Trang (Quảng Xương) vẫn miệt mài làm việc để kịp cho các đơn hàng xuất khẩu. Ông Phạm Đình Hải, giám đốc công ty, cho biết: Hàng may mặc do đơn vị gia công được xuất sang thị trường các nước châu Âu, Mỹ và Trung Quốc (trong đó, thị trường Mỹ chiếm 60%). 20 năm hoạt động trong lĩnh vực gia công các hàng may mặc xuất khẩu, công ty luôn lấy chữ tín làm đầu, hàng đảm bảo chất lượng, giao hàng đúng hẹn nên đã xây dựng được mối quan hệ tốt và lâu năm với khách hàng. Chính vì vậy, dù trong thời điểm khó khăn nhất như dịch COVID–19, ảnh hưởng cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine... nhưng các đơn hàng của công ty từ phía đối tác không bị sụt giảm. Giá trị xuất khẩu của công ty năm 2022 đạt 6 triệu USD, tương đương trên 140 tỷ đồng.

Tinh bột sắn của Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh, xã Phúc Thịnh (Ngọc Lặc) được tập kết vào kho để xuất khẩu.

Có thể nói năm 2022 tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ năng động, đa dạng hóa các hình thức tiếp cận và mở rộng thị trường, áp dụng có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết nên mục tiêu xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp không những đạt mà còn vượt so với kế hoạch đề ra. Hy vọng rằng, kết quả này sẽ là động lực, là niềm tin để năm 2023, giá trị xuất khẩu của Thanh Hóa đạt và vượt 6,2 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2022 như mục tiêu, kế hoạch đặt ra.

Bài và ảnh: Minh Lý

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/xuat-khau-thanh-hoa-tang-truong-an-tuong/177694.htm