Xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt mức kỷ lục, đạt gần 11 tỷ USD

Điểm nổi bật của ngành thủy sản trong năm 2022 là giá trị xuất khẩu thủy sản đạt gần 11 tỷ USD, đây là mức kỷ lục trong lịch sử, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn.

Tôm là nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất trong ngành thủy sản. Ảnh: NNK

Tôm là nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất trong ngành thủy sản. Ảnh: NNK

Xuất khẩu thủy sản cán đích 11 tỷ USD

Năm 2022 là một năm bứt phá của ngành thủy sản khi xuất khẩu đạt kim ngạch 11 tỷ USD, cao nhất sau 20 năm gia nhập thị trường quốc tế. Đây là nỗ lực rất lớn của cả ngành hàng, đặc biệt, việc duy trì chuỗi sản xuất liên tục, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và tận dụng tốt cơ hội từ các thị trường.

Tôm là nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất trong ngành thủy sản với hơn 4,3 tỷ USD. Có được kết quả ấn tượng này là nhờ từ khâu nuôi, chế biến cho đến xuất khẩu được duy trì, đẩy mạnh sau đại dịch. Bên cạnh đó, xuất khẩu cá tra Việt Nam lên ngôi khi lần đầu tiên vượt mốc 2,5 tỷ USD. Ngoài thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ…, hiện con cá tra nước ta còn khai thác khá tốt thị trường khu vực Đông Nam Á.

Nhóm sản phẩm thủy sản còn lại cũng có mức tăng trưởng khá tốt do đã khai thác tốt dư địa từ các thị trường, hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường cũng được đẩy mạnh. Hầu hết doanh nghiệp đối tác, người tiêu dùng tại Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản... đều đón nhận sản phẩm Việt Nam, dù nhiều chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm trên thế giới bị đứt gãy. Đặc biệt, ngành thủy sản tận dụng hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để gia tăng kim ngạch xuất khẩu...

Tại Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 do Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) tổ chức chiều 27/12, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, điểm nổi bật của ngành thủy sản trong năm 2022 là giá trị xuất khẩu thủy sản đạt gần 11 tỷ USD, đây là mức kỷ lục trong lịch sử; đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn.

Ông Phùng Đức Tiến nêu rõ, do lạm phát, chi phí đẩy và khủng hoảng năng lượng tại nhiều quốc gia, thủy sản Việt Nam đã tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu ngay từ đầu năm 2022. Nhờ vậy, dù số lượng đơn hàng trong giai đoạn nửa cuối năm trồi sụt, ngành thủy sản vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng.

Ngành thủy sản giữ vững 3 trụ cột là: nuôi trồng, khai thác, bảo tồn. Ảnh: NNK

Ngành thủy sản giữ vững 3 trụ cột là: nuôi trồng, khai thác, bảo tồn. Ảnh: NNK

Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, góp phần nâng cao đời sống ngư dân

Theo Bộ NN&PTNT, để giữ đà tăng trưởng, chiến lược ngành thủy sản năm 2023 sẽ chuyển dần từ khai thác, đánh bắt sang nuôi trồng, chế biến sâu để duy trì đà tăng trưởng bền vững; góp phần nâng cao đời sống nông, ngư dân, cũng như góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Bộ NN&PTNT, chiến lược nuôi trồng thủy sản từ nay tới năm 2030 là 7 triệu tấn/năm, năm nay đã đạt trên 4,7 triệu tấn, tăng gần 7,2% so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, số lượng khai thác chỉ có 2,8 triệu tấn, tương đương giảm 2,1%.

Trên cơ sở Quyết định 339/QĐ-TTg năm 2021 về phát triển thủy sản bền vững, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kêu gọi toàn ngành thủy sản giữ vững 3 trụ cột là: nuôi trồng, khai thác, bảo tồn.

"Phát triển thủy sản bền vững là căn cốt nhất, đồng thời làm tốt bảo tồn, chế biến theo công nghệ cao, thêm giá trị gia tăng gắn với xúc tiến thị trường, đi theo chuỗi khép kín, thì chúng ta sẽ có sự phát triển bền vững, khẳng định đạt được mục tiêu chiến lược đề ra" - ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Ngoài ra, trong năm 2023 ngành thủy sản sẽ tập trung tháo gỡ thẻ vàng IUU. "Ngành thủy sản cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông đến với cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp và các thành phần liên quan để cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời về tình hình. Bên cạnh đó, ngành cần coi thẻ vàng IUU là một cơ hội để thay đổi tư duy, và phát triển bền vững hơn" - ông Tiến nói.

Để thúc đẩy ngành thủy sản phát triển, mới đây, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 06/2022/TT-BNNPTNT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Theo đó, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công xuất khẩu, sản xuất, xuất khẩu được miễn kiểm dịch. Sự tháo gỡ gánh nặng về thủ tục nhập khẩu nguyên liệu cho gia công đang được các doanh nghiệp thủy sản kỳ vọng sẽ đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu trong bối cảnh nguồn nguyên liệu trong nước không ổn định và thiếu hụt theo mùa vụ.

Bộ NN&PTNT cũng khuyến cáo các doanh nghiệp, trước những biến động thị trường, doanh nghiệp cần có giải pháp cho giai đoạn; thường xuyên nắm bắt thông tin, cập nhật chi tiết tình hình thị trường để có thể đón bắt kịp thời các cơ hội.

Để tháo gỡ về nguồn vốn, mới đây Chính phủ đã ban hành hàng hoạt cơ chế về tín dụng, trong đó, ưu tiên phát triển lĩnh vực nuôi, khai thác, thu mua và xuất khẩu thủy sản. Đây là động lực quan trọng để ngành hàng "tỷ đô" này tiếp tục bứt phá, tạo những kỷ lục mới...

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xuat-khau-thuy-san-nam-2022-dat-muc-ky-luc-dat-gan-11-ty-usd-119462.html