Xuất khẩu thủy sản và mục tiêu 10 tỷ USD

Năm 2019, ngành thủy sản được kỳ vọng có nhiều động lực tăng trưởng như lượng tiêu thụ thủy sản thế giới dự báo tăng, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do... Vì vậy, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay là hoàn toàn khả thi.

Xuất khẩu cá tra Việt Nam có thể đạt mức 2,3 tỷ trong năm 2019.

Xuất khẩu cá tra Việt Nam có thể đạt mức 2,3 tỷ trong năm 2019.

Xuất khẩu cá tra nỗ lực đạt 2,4 tỷ USD

Đó là mục tiêu do Bộ Nông nghiệp và PTNT đặt ra cho ngành hàng cá tra để tiếp tục tạo nên những đột phá trong năm 2019.

Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, giá thành nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện dao động ở mức 22.000-23.000 đồng/kg. Trong khi giá bán đạt 29.000-30.000 đồng/kg, lợi nhuận khá tốt, bảo đảm cho người nuôi, doanh nghiệp chế biến và nhà nhập khẩu cùng có lời.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt Doãn Tới nhìn nhận: “Sau thời gian khủng hoảng, cá tra đã phát triển trở lại một cách mạnh mẽ. Có thời điểm giá xuất khẩu cá tra phi-lê sang Mỹ lên tới 6-7 USD/kg. Có nằm mơ cũng không có ai thể ngờ tới rằng, với mức giá khá cao vậy mà lại rất dễ bán. Với chiều hướng này, nhiều khả năng trong năm 2019, cá tra tiếp tục duy trì mức giá cao, có lợi cho người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu. Song, để phát triển bền vững thì không nên mở rộng diện tích, nâng sản lượng quá nhiều, tránh xảy ra “cung vượt cầu”. Vấn đề lúc này là tập trung đầu tư nâng cao chất lượng; tiếp tục mở rộng thị trường, chú ý khôi phục thị trường EU và phát triển thị trường Ấn Độ…”.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu (XK) cá tra có kết quả kinh doanh khá tốt nhờ sự phục hồi của những thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc, EU và ASEAN… Trong đó, Mỹ đã trở lại vị trí số 1 trong các thị trường NK cá tra của Việt Nam.

Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, ngành hàng cá tra đang phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh, trong khi việc kinh doanh từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm đều hiệu quả. Thời gian qua, việc quản lý cá tra khá đồng bộ trên các mặt. Đặc biệt, từ người nuôi đến doanh nghiệp sản xuất thức ăn, doanh nghiệp xuất khẩu…, ai tham gia vào ngành hàng cá tra cũng “đều cùng cười”. Có thể nói, ngành cá tra đã thể hiện sự trưởng thành vượt bậc trên nhiều mặt, tính liên kết tăng cao; sản phẩm ngày càng đa dạng với hơn 80 mặt hàng, trong đó có những sản phẩm giá trị cao.

Hiện tại, các doanh nghiệp đã vượt qua được những tiêu chuẩn mà những thị trường khó tính đặt ra. Nhiều doanh nghiệp nhận định rất rõ thời cơ và thách thức để ứng phó phù hợp; tích cực đầu tư lâu dài vào cá tra từ con giống tốt, vùng nuôi tiêu chuẩn…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định: Chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ có tín hiệu tốt và sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Bộ nhằm tận dụng những cơ hội, đặc biệt từ sự xung đột thương mại Mỹ - Trung. Trong năm 2018, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Cục quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (NAFI) đón tiếp các đoàn thanh tra của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU về an toàn thực phẩm. Các đoàn thanh tra đã đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc quản lý và thực thi văn bản pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm.

“Các thị trường khó tính đều có tín hiệu tốt. Thị trường Mỹ đang được Bộ Nông nghiệp nước này đề xuất với Văn phòng đăng ký liên bang đăng bản dự thảo lấy ý kiến đề xuất công nhận tương đương đối với ba quốc gia, trong đó có Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá tra và cá Siluriform vào thị trường này”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin và đưa ra mục tiêu phát triển ngành hàng cá tra năm 2019 đạt sản lượng 1,51 triệu tấn (tăng 6,6%), kim ngạch xuất khẩu khoảng 2,4 tỷ USD (tăng 12%).

Chế biến sâu, nâng giá trị

Năm 2019, Tổng cục Thủy sản sẽ tập trung đưa Luật Thủy sản năm 2017 vào cuộc sống, với mục tiêu giá trị sản xuất tăng 4,25% so với năm 2018, tổng sản lượng thủy sản đạt 7,9 triệu tấn và kim ngạch XK thủy sản phấn đấu đạt 10 tỷ USD. Tôm và cá tra sẽ tiếp tục là hai sản phẩm chủ lực của ngành.

Tuy nhiên, ông Trần Đình Luân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cảnh báo: Hiện, ngành thủy sản phải đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là biến đổi khí hậu. Các thị trường có xu hướng gia tăng bảo hộ, đặt ra những rào cản về kỹ thuật để hạn chế sản phẩm thủy sản nhập khẩu của nước khác.

Về tổ chức sản xuất, đối với cá tra, tổ chức sản xuất lớn đã rõ, nhưng một số ngành khác như tôm thì sản xuất nhỏ lẻ vẫn còn khá nhiều. Đây là một trong những hạn chế trong việc nâng cao giá trị của ngành. Ngoài ra, một số những lĩnh vực mới như nuôi cá rô phi, việc tổ chức sản xuất phát triển thị trường mới chỉ là bước đầu.

Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Nam Food Phan Thanh Lộc chia sẻ: Theo ước tính, với hơn 500 nghìn tấn phụ phẩm tôm mỗi năm và trình độ công nghệ tiên tiến, thế giới có thể tạo ra gần 2 tỷ USD so với khả năng chúng ta chỉ tạo ra khoảng gần 300 triệu USD như hiện nay. Nguyên nhân chính là khoảng cách về công nghệ, máy móc thiết bị, phát triển ứng dụng cũng như chiến lược thương mại hóa chưa được định hướng đồng bộ.

Ông Phan Thanh Lộc lưu ý, phụ phẩm nếu không xử lý sẽ mất ngay giá trị và gây hiểm họa cho môi trường. Nếu chúng ta có các định hướng để công nghiệp hóa/thương mại hóa thì nguồn phụ phẩm này sẽ mang lại giá trị lớn cho ngành thủy sản, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, chuyển dịch nền kinh tế sang chế biến sâu.

Cần sự đồng bộ của cả chuỗi giá trị

Theo ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch VASEP, năm 2018 chứng kiến nhiều thăng trầm khác nhau trong các sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Là năm mà ngành khai thác, chế biến hải sản gặp nhiều trở ngại trong việc gia tăng giá trị xuất khẩu do hậu quả của thẻ vàng IUU từ châu Âu. Tuy nhiên, năm 2019, ngành thủy sản được kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội để lấy lại đà tăng trưởng.

Bên cạnh đó là những cơ hội từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho rằng, mặc dù có nhiều tín hiệu lạc quan nhưng ngành thủy sản Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về nguồn nguyên liệu, sức cạnh tranh, rào cản thị trường… Việc duy trì nguyên liệu của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa thật sự tốt do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, dịch bệnh chưa được kiểm soát tốt dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu.

Vì vậy, để đạt được mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD, ngành thủy sản cần phải xây dựng chiến lược phát triển nuôi hợp lý, nâng cao công nghệ chế biến và thúc đẩy xuất khẩu, trong đó tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề hóa chất kháng sinh trong sản phẩm thủy sản và các loại bệnh phổ biến trong tôm hiện nay nhằm củng cố lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm tôm Việt Nam và tăng cường xuất khẩu tôm vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Australia...

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, mục tiêu 10 tỷ USD mà ngành thủy sản đề ra là một mục tiêu rất cao, nhưng hoàn toàn có cơ sở để thực hiện. Cụ thể, mặt hàng tôm có tín hiệu tích cực, cá tra đang được thị trường đón nhận, và ngành khai thác hải sản đang từng bước đi theo định hướng phát triển bền vững.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhắc lại: Thời điểm này năm ngoái, VASEP phải phấn đấu đạt 9,5 tỷ USD, nhưng kết thúc năm 2018, cả ngành chỉ đạt xấp xỉ 9 tỷ USD.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Cường, năm 2018, cả 2 khu vực khai thác và nuôi trồng đều chịu nhiều thách thức lớn, từ biến đổi khí hậu cho đến thẻ vàng của EC do khai thác không có báo cáo, không được quản lý và không đảm bảo truy xuất nguồn gốc (IUU).

Bộ trưởng cho rằng, tuân thủ quy định về IUU tuy là khó nhưng nghiêm túc mà nói, điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu chuyển đổi nghề khai thác sang bền vững và có trách nhiệm mà Việt Nam đang đặt ra. Vấn đề không phải là rút hay không rút lại thẻ vàng mà là mục tiêu khai thác nghề cá bền vững.

Để hoàn thành mục tiêu năm 2019, cần sự đồng bộ của cả chuỗi giá trị, từ khâu khai thác và sản xuất nguyên liệu đến chế biến và tổ chức thị trường. Trong đó, khai thác, sản xuất nguyên liệu phải đảm bảo quy trình sạch, tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng đầu vào. Khâu chế biến phải đổi mới quy trình công nghệ, quản trị nhằm giảm giá thành và nối dài chuỗi giá trị.

Đối với tổ chức thị trường, ngoài duy trì các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp và hiệp hội cần mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới nhiều tiềm năng. Song song đó, phải tập trung khai thác hiệu quả thị trường nội địa vì đây là một thị trường rất lớn với gần 100 triệu dân và 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế mỗi năm và đang tiếp tục tăng thêm.

Hơn nữa, các doanh nghiệp cần tăng cường sự liên kết theo các trục ngành hàng và liên kết với người nông dân, ngư dân nhằm giải quyết các bài toán về số lượng, chất lượng nguồn nguyên liệu đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của ngành thủy sản nói riêng và nông nghiệp Việt Nam nói chung.

Năm 2019, VASEP đưa ra kế hoạch cho từng nhóm ngành hàng cụ thể về kim ngạch như sau: ngành tôm đạt được 4,2 tỷ USD để góp phần quan trọng nhất vào mục tiêu xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD; xuất khẩu cá tra Việt Nam có thể đạt mức 2,3 tỷ; mặt hàng hải sản đạt cột mốc xuất khẩu 3,5 tỷ USD.

V.N (tổng hợp)

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/xuat-khau-thuy-san-va-muc-tieu-10-ty-usd-post25868.html