Xuất khẩu thủy sản vào Mỹ và châu Âu cần những tiêu chuẩn gì?

Ngày 28/9, tại TP.HCM, Bộ Công Thương phối hợp cùng Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo cung cấp thông tin cho doanh nghiệp và cán bộ quản lý địa phương về tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu của các thị trường nước ngoài.

Để có thể tận dụng được các cơ hội từ chiến tranh thương mại, hàng hóa xuất khẩu cần đáp ứng các tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu. Ảnh: Nguyễn Huế

Tại hội thảo, ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAfis), Chuyên gia dự án USAID GIG, đã giới thiệu về các hệ thống tiêu chuẩn chứng nhận áp dụng trong nuôi trồng thủy sản xuất khẩu cũng như những yêu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Cụ thể, thị trường Mỹ quy định rất chặt chẽ về VSATTP. Để được phép đưa hàng thủy sản vào Mỹ, doanh nghiệp phải gửi kế hoạch chương trình HACCP cho Cục Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Tất cả sản phẩm khi nhâp khẩu đều phải có giấy chứng nhận quốc tế ISO 9002 và HACCP. Về nhãn mác cho sản phẩm thủy sản, phải ghi đúng tên chủng loại thường dùng ở Mỹ.

Hàng thủy sản xuất khẩu vào Mỹ cũng phải tuân thủ chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu và mức giới hạn dư lượng tối đa cho phéo về hóa chất trong thủy sản.

Ông Lập cũng cho biết thêm, các tiêu chuẩn kỹ thuật thủy sản nhập khẩu vào Mỹ được chia thành 3 nhóm chính: Các quy định về dịch tễ vệ sinh an toàn; các biện pháp đối với người tiêu dùng (bao gồm nhãn mác, đóng gói, thuốc trừ sâu, hàm lượng dinh dưỡng và tạp chất) và các tiêu chuẩn tự nguyên được phát triển bởi các tổ chức NGO…

Tại thị trường EU, hàng thủy sản của các nước đang phát triển phải tuân thủ các quy định về vệ sinh; chất lượng và an toàn thực phẩm và quy định về giám sát. Theo đó, các nước muốn đưa hàng thủy sản vào EU phải nằm trong danh sách các nước dược xuất khẩu vào EU. Từng lô hàng phải kèm theo giấy chứng nhận đáp ứng các yêu cầu của EU do cơ quan chức năng của nước xuất khẩu cấp. Ngoài ra, các nhà sản xuất có hàng thủy sản xuất khẩu sang EU phải tổ chức giám sát hoạt động sản xuất và chế biến của mình phù hợp với HACCP.

Đánh giá về tình hình áp dụng các hệ thống chứng nhận quốc tế cho hàng thủy sản của Việt Nam, ông Lập cho hay, các doanh nghiệp và trại nuôi tại Việt Nam khá năng động và tích cực trong áp dụng các hệ thống chứng nhận quốc tế và tiếp cận thị trường theo hệ thống chứng nhận. Theo đó, hiện có khoảng 12 hệ thống chứng nhận trong nuôi trồng thủy sản đang được áp dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, các hệ thống này mới chỉ áp dụng nhiều ở các trại nuôi quy mô lớn (trại công ty), trong khi các trại nuôi quy mô nhỏ (trại của hộ dân) chưa áp dụng nhiều.

Tại hội thảo, ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) đánh giá, từ năm 2016 đến nay, xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản luôn tăng trưởng ổn định với mức tăng trung bình khoảng 10%/năm.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/xuat-khau-thuy-san-vao-my-va-chau-au-can-nhung-tieu-chuan-gi.aspx