Xuất khẩu tôm giảm, doanh nghiệp vẫn kỳ vọng bứt phá

Xuất khẩu tôm tiếp tục suy giảm trong những tháng đầu năm 2019, nhưng ngành này vẫn kỳ vọng có sự 'bứt phá' trong năm nay khi đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tăng 500-600 triệu đô la Mỹ so với năm ngoái.

 Ngành tôm kỳ vọng "bứt phá", dù xuất khẩu sụt giảm. Trong ảnh là tôm nuôi trong mô hình sản xuất tôm công nghệ cao của Tập đoàn Việt Úc. Ảnh: Trung Chánh.

Ngành tôm kỳ vọng "bứt phá", dù xuất khẩu sụt giảm. Trong ảnh là tôm nuôi trong mô hình sản xuất tôm công nghệ cao của Tập đoàn Việt Úc. Ảnh: Trung Chánh.

Báo cáo tại hội nghị “Triển khai kế hoạch ngành tôm 2019” được tổ chức chiều hôm nay, 13-3, ở tỉnh Sóc Trăng, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ngành tôm năm 2018 chưa phát huy hết tiềm lực và thế mạnh so với các nhóm sản phẩm chính của ngành nông nghiệp. Đồng thời, ngành tôm cũng chưa tạo được thế cạnh tranh so với các đối thủ như Ân Độ, Thái Lan, Ecuador, Indonesia.

“Điều này, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu ngành tôm năm ngoái chỉ đạt 3,6 tỉ đô la, giảm 7,8% so với năm 2017”, ông nói.

Trong khi đó, theo báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngay trong những tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm tiếp tục sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, xuất khẩu tôm trong tháng 2-2019 đạt 155 triệu đô la, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, trong tháng 1-2019, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 234 triệu đô la, giảm 11% so với cùng kỳ. Điều này, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu tôm 2 tháng đầu năm nay đạt khoảng 390 triệu đô la, giảm gần 12% so với cùng kỳ.

Tuy xuất khẩu tôm liên tục sụt giảm, nhưng ông Cẩn của Vụ nuôi trồng thủy sản kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu tôm toàn ngành trong năm nay đạt 4,1 tỉ đô la, tăng 500 triệu đô la so với kết quả năm 2018.

Trong khi đó, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, đơn vị này đặt kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu tôm toàn ngành năm nay đạt 4,2 tỉ đô la, tức cao hơn dự báo của Tổng cục Thủy sản 100 triệu đô la và tăng 600 triệu đô la so với kết quả năm 2018.

Cơ sở để đặt kỳ vọng như nêu trên, theo ông Hòe, ngành tôm Việt Nam năm 2018 xuất khẩu giảm là do giá giảm, cho nên chưa phát huy hết thế mạnh khâu sản xuất tôm. “Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến việc cạnh tranh với các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan kém dẫn đến xuất khẩu tôm 2018 không đạt như kỳ vọng”, ông cho biết và nói rằng năm nay khả năng ngành tôm sẽ đạt mức tăng trưởng 12%, nếu giá cả thị trường cải thiện và tăng được khả năng cạnh tranh của ngành.

Để đạt mục tiêu như kỳ vọng, ông Hòe cho biết, cần có những giải pháp về mặt thị trường, mà cụ thể với thị trường Mỹ, hiện đang vướng Chương trình giám nhập khẩu thủy sản của Mỹ (SIMP).

“Ngoài cạnh tranh với Ấn Độ có giá thấp, chúng ta còn phải “chiến đấu” với mức thuế chống bán phá giá cao”, ông cho biết và gợi ý cần phải giải quyết những vấn đề này để khai thác tốt thị trường Mỹ.

Đối với thị trường EU, theo ông, vấn đề hiện nay là giải quyết chuyện chứng nhận tiêu chuẩn ASC. “Năm 2018, chúng ta gặp trở ngại do gặp 1 số vấn đề kháng sinh trong sản phẩm có chứng ASC, có thể chúng ta thực hiện ASC không hoàn toàn, do đó, dẫn đến 1 kết quả không tốt”, ông cho biết và khuyến cáo cần đạt nhiều hơn chứng nhận ASC vì EU là thị trường tiêu thụ lớn đối với sản phẩm đạt chứng nhận này.

“Hiện nay, theo ACS, chúng ta chỉ được hơn 48.000 tấn tôm đủ điều kiện chứng nhận ASC”, ông thông tin và cho rằng, vấn đề này cần phải tiếp tục được quan tâm hơn, mà cụ thể phải tăng sản lượng tôm đạt chứng nhận này.

Trong khi đó, với thị trường Trung Quốc, theo ông Hòe, thị trường này giảm mạnh nhập khẩu do thay đổi chính sách, do quản lý nhập khẩu của quốc gia này đối với hàng hóa của khối ASEAN, trong đó, có tôm Việt Nam. “Do đó, phải có sự điều chỉnh”, ông gợi ý.

Theo ông Hòe, Trung Quốc hiện chuyển hướng nhập nhiều hơn tôm thẻ chân trắng, có giá trị thấp hơn tôm sú nên dẫn đến sụt giảm kim ngạch. “Do đó, vấn đề quan trọng hiện nay là định vị lại một cách tích cực hơn thị trường Trung Quốc thông qua việc cung cấp sản phẩm có giá trị ở mức cao hơn”, ông nhấn mạnh.

Hơn 37.000 héc ta tôm bị thiệt hại năm 2018

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/286251/xuat-khau-tom-giam-doanh-nghiep-van-ky-vong-but-pha.html