​Xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài: Tín hiệu tích cực

Theo Bộ Công Thương, việc thực hiện Đề án thúc đẩy doanh nghiệp (DN) Việt Nam xuất khẩu (XK) trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020 đã và đang mang lại hiệu quả tích cực.

Xoài Việt Nam tại siêu thị Nhật Bản

Tăng trưởng nhanh

Bà Trần Kim Nga - Giám đốc Đối ngoại Công ty MM Mega Market Việt Nam - cho biết, từ khi Tập đoàn TCC Holdings (Thái Lan) mua lại kênh bán lẻ Metro Cash & Carry Việt Nam (tên mới là MM Mega Market Việt Nam), đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị của tập đoàn tại Thái Lan là một trong những hoạt động trọng tâm. Đến nay, MM Mega Market Việt Nam đã giúp phân phối hơn 1.200 tấn thanh long và đang hỗ trợ kết nối các nhà cung cấp Việt Nam XK một số mặt hàng nông sản khác vào hệ thống BigC Thái Lan để phục vụ người tiêu dùng nước sở tại.

Không chỉ MM Mega Market, những năm gần đây, các thương hiệu bán lẻ như Lotte, Aeon, Emart, Saigon Co.op… đã tích cực tham gia đề án, hỗ trợ DN Việt Nam đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối của các DN này trên toàn cầu. Tổng giá trị hàng hóa XK trực tiếp thông qua các kênh siêu thị này đã lên đến hàng trăm triệu USD, tập trung vào các mặt hàng nước ta có thế mạnh như nông - lâm - thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng…

XK hàng hóa Việt qua kênh siêu thị mang lại hiệu quả tích cực cho DN. Đó là hạn chế tối đa chi phí trung gian, giúp người tiêu dùng sở tại tiếp cận trực tiếp với hàng hóa mang thương hiệu Việt; định vị thương hiệu hàng hóa trong tâm trí người tiêu dùng tốt hơn.
Đơn cử, thông tin từ hệ thống siêu thị Lotte Mart Việt Nam cho thấy, năm 2016, Lotte Mart đã XK 1.300 tỷ đồng hàng hóa Việt thông qua siêu thị. Dự kiến năm 2017, con số này sẽ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng.

DN bán lẻ thuần Việt cũng tích cực tham gia vào hoạt động này. Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) - cho biết, sau khi "bắt tay" với đối tác NTUC Fair Price (Singapore), năm 2016, Saigon Co.op đã XK nhiều hàng Việt sang các quốc gia khác với doanh thu khoảng 45 tỷ đồng. Đến nay, một số mặt hàng Việt Nam đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Singapore.

Chú trọng thông tin thị trường

Tiềm năng lớn nhưng hoạt động XK trực tiếp hàng hóa vào siêu thị nước ngoài vẫn còn một số hạn chế. Theo bà Trần Kim Nga, hạn chế của hàng Việt Nam hiện nay không đến từ chất lượng mà từ việc am hiểu nhu cầu thị trường và khâu quảng bá thương hiệu. Ví dụ, người nông dân thường trồng thanh long cỡ lớn, nhưng người tiêu dùng Thái Lan lại ưa chuộng thanh long quả nhỏ, vừa một người ăn. Cung và cầu chưa gặp nhau khiến kim ngạch XK mặt hàng này chưa cao như kỳ vọng.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Anh Đức cho hay, thông tin thị trường là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp thúc đẩy XK vào kênh phân phối nước ngoài. Do đó, DN sản xuất cần tăng cường đầu tư nghiên cứu, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng để thay đổi kịp thời theo nhu cầu thị trường. Đồng thời, linh động trong điều hành kinh doanh, phối hợp thông tin chặt chẽ với nhà phân phối. Đi kèm với đó là các giải pháp đầu tư công nghệ để tiết giảm chi phí, cam kết và bảo đảm số lượng cũng như chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm với các sản phẩm, hàng hóa.

Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án là tăng kim ngạch XK hàng hóa trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài, trước mắt là hệ thống phân phối đã hiện diện tại Việt Nam, sau đó đến hệ thống phân phối lớn khác…

Phương Lan

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/xuat-khau-truc-tiep-vao-mang-phan-phoi-nuoc-ngoai-tin-hieu-tich-cuc.html