Xuất khẩu trực tuyến - hướng đi hiệu quả

Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến, hàng hóa Việt Nam có thể vươn tới nhiều thị trường trên thế giới ngay cả trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tận dụng thế mạnh công nghệ và các sàn thương mại điện tử toàn cầu, xuất khẩu trực tuyến đang trở thành hướng đi hiệu quả được cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp hướng tới.

Nhiều sản phẩm nhựa của Công ty TNHH Nhựa quốc tế Anh Tú đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản thông qua sàn thương mại điện tử. Ảnh: Minh Hương

Tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Năm 2011, Công ty TNHH Nhựa quốc tế Anh Tú (trụ sở tại quận Ba Đình) bắt đầu kinh doanh và xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử. Nhờ bước đi hợp xu hướng này, đến nay, doanh nghiệp đã xuất khẩu hàng hóa tới 10 thị trường, trong đó có những thị trường lớn và khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Năm 2020, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song Công ty TNHH Nhựa quốc tế Anh Tú vẫn đạt doanh thu 10 tỷ đồng. Kết quả đó là tiền đề để năm 2021, doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu. “Lợi ích quan trọng nhất là có được nhiều khách hàng thân thiết, từ đó ổn định sản xuất và xây dựng thương hiệu”, Trưởng phòng Xuất khẩu (Công ty TNHH Nhựa quốc tế Anh Tú) Hoàng Thị Hương cho biết.

Tương tự, nhờ phương thức phổ cập hàng hóa, dịch vụ nhanh chóng, chi phí thấp trên sàn thương mại điện tử quốc tế, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận (tỉnh Yên Bái) đã tạo được đầu ra ngày càng bền vững. Ông Đỗ Tuấn Lương, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận cho biết: “Trước đây, chỉ có 20% doanh thu của hợp tác xã đến từ xuất khẩu, 80% còn lại từ thị trường nội địa. Sau khi tham gia sàn thương mại điện tử quốc tế vào năm 2019, tỷ lệ này đã đảo ngược, riêng doanh thu từ nền tảng số đã đạt 1 triệu USD. Hiện các sản phẩm chè của công ty đã có mặt tại Bắc Mỹ, Trung Đông…”.

Cũng theo ông Đỗ Tuấn Lương, kinh doanh trên nền tảng trực tuyến quốc tế là giải pháp hữu hiệu, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn không chỉ trong thời điểm đại dịch bùng phát mà cả trong tương lai.

Nhờ đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, như: Anh Tú, Kiến Thuận… có cơ hội bình đẳng vươn ra thị trường nước ngoài, thay vì chịu nhiều thua thiệt trước các đối thủ quy mô lớn, tiềm lực mạnh như thương mại quốc tế truyền thống.

Hướng phát triển phù hợp

Xuất khẩu trực tuyến đang trở thành hướng đi tất yếu phát huy hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì rào cản về ngôn ngữ, trình độ công nghệ, hiểu biết pháp lý và cả sức ỳ về tư duy nên chưa tiếp cận với phương thức xuất khẩu hữu hiệu này.

Trước thực tế đó, Bộ Công Thương đã tích cực vào cuộc, phối hợp với các tập đoàn thương mại điện tử quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đẩy mạnh ứng dụng thương mại số trong hoạt động xuất khẩu. Mới đây, sàn thương mại điện tử Alibaba.com đã chính thức ký biên bản ghi nhớ với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cam kết hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lên sàn thương mại điện tử. Việc hợp tác với Alibaba.com - kênh thương mại điện tử toàn cầu với hơn 260 triệu nhà mua hàng của 190 quốc gia và vùng lãnh thổ - được kỳ vọng sẽ hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tăng tốc chuyển đổi số, đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú thông tin, từ cuối năm 2020, đơn vị đã phối hợp với Alibaba.com triển khai các chương trình đào tạo, tư vấn xuất khẩu cho hơn 1.000 doanh nghiệp. Bước đầu có 50 doanh nghiệp tiềm năng đưa nông sản, thủy hải sản, đồ gỗ, thực phẩm chế biến lên sàn thương mại điện tử này. Còn Tổng Giám đốc Tập đoàn Alibaba.com Zhang Kuo cho biết: “Với mục tiêu hỗ trợ 10.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số trong 5 năm tới, năm 2021 Alibaba.com sẽ hợp tác chặt chẽ với chính quyền các địa phương của Việt Nam cung cấp các dịch vụ và giải pháp trực tuyến phù hợp, hiệu quả”.

Trước đó, vào cuối năm 2019, Cục Xúc tiến thương mại và sàn thương mại điện tử Amazon.com đã ký biên bản ghi nhớ về việc hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu, có 175 trung tâm hoàn thiện đơn hàng trên thế giới, hỗ trợ người bán vận chuyển sản phẩm đến người mua tại 185 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng lợi thế sẵn có này để tiếp cận và bán hàng hóa tới các thị trường trên khắp thế giới. Trong tương lai, việc phối hợp với các sàn thương mại điện tử toàn cầu sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam thiết lập hệ thống nhận diện và thương hiệu hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử, tiến tới thiết lập chuyên trang hàng hóa Việt Nam.

“Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng thành công trên các sàn thương mại điện tử quốc tế. Đây là hướng phát triển hiệu quả, phù hợp với không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay mà còn cả trong tương lai”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Lam Giang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/996024/xuat-khau-truc-tuyen---huong-di-hieu-qua