Xuất khẩu từng bước lấy lại đà tăng trưởng

11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa ước đạt 619,17 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu 25,83 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu (XK) mặc dù vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng mức giảm trong tăng trưởng XK đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 11,6% trong 6 tháng đầu năm 2023.

Theo Tổng cục Thống kê, XK hàng hóa, kim ngạch XK hàng hóa tháng 11/2023 ước đạt 31,08 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,49 tỷ USD, tăng 13,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,59 tỷ USD, tăng 4,4%. Đây là điểm sáng rất tích cực khi mức tăng trưởng của khối doanh nghiệp (DN) trong nước tăng cao, gấp 3 lần khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 322,50 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 11 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn gạo.

Trong 11 tháng năm 2023 có 33 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 93,1% tổng kim ngạch XK (có 7 mặt hàng XK trên 10 tỷ USD, chiếm 66%). Trong tháng 11 năm 2023, các sản phẩm của ngành nông nghiệp tiếp tục có những đóng góp ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động XK cả nước, trong đó nhiều sản phẩm nông sản tăng cả về giá trị và lượng so với tháng trước như: Gạo đạt 462 triệu USD, tăng 13,5%; cao su đạt 343 triệu USD, tăng 16,6%; cà phê đạt 252 triệu USD, tăng 59,9%...

Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương, trong quý 3/2023, kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam – EU đạt 15,12 tỷ USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2022. Sự suy giảm này đã chậm lại đáng kể so với mức giảm 10% của quý 1 và 9,7% của quý 2/2023.

Bên cạnh đó, kinh tế EU đang dần phục hồi với mức lạm phát tiếp tục được điều chỉnh sẽ là yếu tố hỗ trợ tiêu dùng hàng hóa tại khu vực trong thời gian tới, nhập khẩu cũng sẽ dần cải thiện khi tồn kho giảm và nhu cầu mua sắm dịp cuối năm tăng cao. Do đó, XK hàng hóa của Việt Nam sang EU dự báo có thể phục hồi kể từ quý 4/2023. Đặc biệt, EVFTA được đánh giá là một lợi thế lớn cho Việt Nam khi hiện mới chỉ có 4 quốc gia châu Á ký FTA với EU, trong ASEAN chỉ có Việt Nam và Singapore.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, để phục hồi XK, bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, TP Hà Nội đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng có những dự án công nghiệp quy mô lớn, qua đó gia tăng năng lực sản xuất.

Nhằm tranh thủ các cơ hội, Hà Nội tăng cường hướng dẫn DN XK tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh như nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ; hoàn thiện hồ sơ XK chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Kịp thời cập nhật thường xuyên những chính sách mới về nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới đến các DN XK mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Ánh Dương cũng cho rằng, DN nên đa dạng hóa thị trường, ngành hàng, đồng thời, các DN nên tận dụng các FTA đã ký kết để đẩy mạnh XK. Trước mắt, DN có thể tranh thủ sự hồi phục nhanh của thị trường ASEAN và một số nước châu Á để đẩy mạnh XK.

Để hỗ trợ DN, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR…) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Đồng thời, hỗ trợ DN tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh XK, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các hiệp định…

Phan Đức

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/xuat-khau-tung-buoc-lay-lai-da-tang-truong-i715842/