Xuất LNG sang Đông Âu, Mỹ vẫn nhập khẩu LNG Nga

Bộ Ngoại giao Nga khẳng định khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ dự án Yamal đều đặn giao hàng cho Mỹ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chiều 15/11 cho biết, thay vì các luồng tin tiêu cực về Moscow xuất hiện ở Mỹ, Washington vẫn đang mua LNG từ Nga.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova

Ít nhất 3 tàu chở dầu của Nga từ dự án khí hóa lỏng Yamal đã được giao đến Mỹ.

"Thật kỳ lạ là trong khi Washington phản ứng công khai đầy tiêu cực về Moscow thì khí tự nhiên hóa lỏng của Nga đã được cấp thành công cho Mỹ. Gần đây, ít nhất 3 tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng từ dự án Yamal của Nga đã cập bến bờ biển Mỹ" - bà Zakharova nhấn mạnh.

Nữ phát ngôn viên cho biết thêm rằng, con số 3 tàu mà bà đề cập đến không phải là những con tàu chở đầu tiên từ dự án Yamal đến Mỹ. Song bà Maria Zakharova không tiết lộ công ty nào của Mỹ đã mua số khí hóa lỏng nói trên và mua với lượng bao nhiêu.

Hồi tháng 1/2018, chỉ một tháng sau khi dự án Yamal chính thức được đưa vào hoạt động, con tàu chở xăng Gaselys đã chở lô hàng LNG đầu tiên của dự án này tới Boston, Mỹ. Việc Washington buộc phải mua LNG của Nga là do sự tăng giá mạnh mẽ của mặt hàng xăng dầu trên bờ biển phía Đông Mỹ. Giá khí đốt đã tăng mạnh trên bờ biển phía Đông nước Mỹ lên tới mức chưa từng có 6.300 USD/mét khối khí. Điều kiện khắc nghiệt và đặc biệt là bão tuyết đã dẫn tới giá khí đốt tăng lên nhanh chóng.

Ở thời điểm đó, Giám đốc Viện Năng lượng Quốc gia Sergey Pravosudov đã bình luận về thương vụ Mỹ mua LNG của Nga.

"Đây là một thương vụ khá bất ngờ. Một đất nước tự khai thác khí đốt và đưa sản phẩm ra xuất khẩu, mặc dù tạm thời mới chỉ có số lượng chưa nhiều, bỗng dưng bắt đầu nhập khẩu LNG. Đây sẽ là trường hợp mua hàng đầu tiên kể từ năm 2014.

Giá gas đã tăng lên rất nhiều, vì vậy việc mua năng lượng từ các nước khác trở thành thương vụ có lợi nhuận, trong khi việc khai thác, sản xuất không thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu. Nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ có xu hướng dài hạn. Nếu ở Mỹ xuất hiện một số khủng hoảng nào đó, thì đúng là họ có thể mua gas trên thị trường" - Sergei Pravosudov nói.

Nhưng dường như, nhận định của Giám đốc Việc Năng lượng Quốc gia Nga khói đúng trong tình huống Mỹ phải mua đều đặn 3 tàu LNG của Nga.

Tàu Christophe de Margerie chở LNG chuẩn bị cập cảng nước Anh, nghi vấn LNG được bơm sang tàu Gaselys Engie để đến bờ Tây nước Mỹ.

Thông tin về việc Nga xuất khẩu LNG sang Mỹ xuất hiện sau khi Washington đang tìm cách bán thêm nguồn cung cấp LNG sang thị trường châu Âu, đặc biệt là các nước Đông Âu.

Động thái này được cho là nhằm giúp đỡ các nước châu Âu giảm sự phụ thuộc vào hãng khí đốt khổng lồ Nga - Gazprom. Gazprom hiện đã nắm giữ khoảng 1/3 lượng khí đốt của châu Âu.

Đầu tháng 11, các quan chức Mỹ và các nhà phát triển LNG bày tỏ sự tin tưởng rằng nguồn cung dồi dào và chi phí giảm đang khiến LNG Mỹ ngày càng cạnh tranh trên thị trường châu Âu.

Tuần trước, Công ty Cheniere của Mỹ đã ký hợp đồng cung cấp 40,95 tỷ m3 LNG với Tập đoàn khí đốt PGNiG của Ba Lan kéo dài 24 năm.

Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Perry đã đề cao thỏa thuận trên như một tín hiệu cho thấy đây là cách châu Âu phát triển năng lượng trong tương lai, cũng như đảm bảo an ninh năng lượng và đa dạng hóa nguồn cung. Ông nhấn mạnh: "Hôm nay là một ngày tuyệt vời đối với châu Âu."

Về phần mình, Tổng thống nước chủ nhà Duda đánh giá hợp đồng trên sẽ đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng cho Ba Lan, nhấn mạnh thỏa thuận này phản ánh "một mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương thực chất".

Việc giao hàng sẽ tiến hành vào năm 2019. Ba Lan vẫn còn hợp đồng mua 10 tỷ m3 khí tự nhiên mỗi năm với Tập đoàn Gazprom của Nga. Hợp đồng với Gazprom ký kết vào năm 1996 sẽ kết thúc vào năm 2022. Số này chiếm 2/3 lượng tiêu thụ của Ba Lan. Để đa dạng hóa nguồn cung cấp, Ba Lan cũng nhập khẩu khí đốt từ Na Uy và Qatar.

Hồi tháng 10 vừa qua, PGNiG cũng đã ký hợp đồng tương tự kéo dài 20 năm với Tập đoàn Venture Global LNG có trụ sở tại Mỹ. Theo đó, mỗi năm Ba Lan sẽ nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng từ tập đoàn của Mỹ.

Dư luận đặt ra một tình huống trớ trêu rằng, có khi nào Ba Lan mua chính số LNG mà Mỹ đã mua từ Nga? Vacsava đã từ chối khả năng mua LNG của Nga vì nỗi lo bị điều khiển về tình hình chính trị.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/xuat-lng-sang-dong-au-my-van-nhap-khau-lng-nga-3369292/