Xuất siêu và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế

Việt Nam đã nỗ lực duy trì đà xuất siêu trong 4 năm qua. Theo các chuyên gia kinh tế, để duy trì đà xuất siêu bền vững, mang lại hiệu quả cao thì cùng với việc tăng trưởng xuất khẩu (XK) bằng số lượng, cần tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng, mở thêm nhiều thị trường. Điều đó mới khẳng định sức cạnh tranh thực chất của doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Xuất siêu trong bão táp thương mại toàn cầu

Năm 2019, đánh dấu một năm Việt Nam vượt khó thành công để gặt hái thành quả toàn diện về phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH). Vượt qua tình hình kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, bất ổn, hoạt động xuất nhập khẩu trong nước vẫn đạt kết quả tăng trưởng cao. Kết thúc tháng 11-2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 473,73 tỷ USD; với mức xuất siêu lên đến 9,1 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (7,58 tỷ USD). Năm 2019, ước tính tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước sẽ vượt ngưỡng 500 tỷ USD, là năm xuất siêu thứ tư liên tiếp của Việt Nam với con số kỷ lục trong hoạt động thương mại của nước ta những năm gần đây.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây không phải là kết quả bất ngờ nếu so sánh với thành tích XK vài năm gần đây của nước ta, nhưng là sự nỗ lực vượt bậc của DN Việt Nam. Đó là khi nhìn lại khoảng thời gian từ đầu năm đến nay, cán cân thương mại của Việt Nam trồi sụt khá thất thường, đảo chiều liên tục, thậm chí có những thời điểm nhập siêu tương đối lớn. Trong đó, điều đáng ghi nhận nhất là sức vươn mạnh mẽ của khối DN trong nước cả về tốc độ tăng trưởng và giá trị, tạo nền tảng vững chắc cho XK trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Tỷ lệ đóng góp của khối DN trong nước đã chiếm 31% tổng kim ngạch XK, tăng 2,7% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng kim ngạch XK của khối DN trong nước đạt 18,1%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (3,8%).

 Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cảng Nam Đình Vũ (Hải Phòng). Ảnh: MINH ĐỨC.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cảng Nam Đình Vũ (Hải Phòng). Ảnh: MINH ĐỨC.

Điểm sáng của bức tranh XK năm 2019 cũng cần được nhắc tới, đó là sự gia tăng số lượng những mặt hàng XK tỷ đô. Nếu như năm 2010, chỉ có 18 mặt hàng cán mốc XK hơn 1 tỷ USD, thì năm 2019, đã có tới 30 mặt hàng. Không những thế, số lượng mặt hàng đạt kim ngạch XK hơn 1 tỷ USD giờ không chỉ là các mặt hàng công nghiệp mà đã mở rộng sang những mặt hàng nông sản, thủy sản-nhóm hàng vốn có các điều kiện gia tăng giá trị khó khăn hơn.

Bộ Công Thương nhận định, thành công này được đánh giá là do công tác đàm phán mở cửa thị trường đạt được hiệu quả tốt trong thời gian qua. Tất cả các nhóm thị trường Việt Nam có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt, cho thấy Việt Nam đã chủ động khai thác có hiệu quả các FTA đã ký kết. Ví dụ, XK sang Nhật Bản 11 tháng năm 2019 tăng 7,6%; XK sang Hàn Quốc tăng 10,1%; XK sang ASEAN tăng 2,5%; XK sang Nga tăng 9,1%; XK sang New Zealand tăng 6,8% so với cùng kỳ... Đặc biệt, kim ngạch XK sang các thị trường là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt mức tăng tốt, nổi bật, XK sang Canada 11 tháng đạt 3,5 tỷ USD, tăng 27,2%; XK sang Mexico đạt 2,7 tỷ USD, tăng 29,5%.

Những lợi ích lớn từ xuất siêu

Có thể thấy, trong bối cảnh thương mại thế giới diễn biến căng thẳng, phức tạp, kết quả xuất siêu của Việt Nam là vô cùng ý nghĩa. Về mặt kinh tế, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế mới nổi, có mức độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới. Với việc cán cân thương mại liên tục duy trì đà xuất siêu đã tác động tích cực đến tăng trưởng của nền kinh tế, giúp tăng nguồn cung ngoại tệ, ổn định thị trường ngoại hối và cán cân thanh toán quốc tế. Từ đó, khả năng can thiệp của cơ quan điều hành cũng tốt hơn. Chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sự đảo chiều của cán cân thương mại về hướng xuất siêu đã giúp điều hành chính sách vĩ mô trở nên “dễ thở” hơn. Trước hết, xuất siêu giúp tỷ giá ổn định hơn. Điều này rất có lợi cho nền kinh tế.

Đặc biệt, con số xuất siêu của Việt Nam khẳng định, hàng hóa Việt Nam vững bước ra thế giới. Trong phần trả lời chất vấn trước Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đều khẳng định, trong điều kiện tổ chức sản xuất hiện nay, thị trường là khâu khó nhất. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại vừa qua, “từng cân rau, cân quả” để bán ra được thị trường nước ngoài đều gặp phải cạnh tranh rất lớn. Qua đó, mới thấy sức cạnh tranh của DN Việt Nam trên thị trường quốc tế đã được nâng cao, hàng hóa của DN Việt Nam được nhiều thị trường truyền thống tiếp tục lựa chọn và đang từng bước thâm nhập vào các thị trường mới.

Việt Nam đang tích cực hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam tham gia vào 12 FTA đang có hiệu lực, một FTA đã ký kết, chưa có hiệu lực và 3 FTA đang trong quá trình đàm phán. Các FTA thế hệ mới, như: CPTPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu… được coi là “tấm vé” thông hành để các DN Việt Nam tiến sâu hơn vào những thị trường lớn, khó tính bậc nhất thế giới. Đây sẽ là cơ hội rất lớn để thương hiệu Việt Nam vươn ra thế giới, khẳng định vị thế của mình. Để tận dụng được lợi thế từ các FTA, quan trọng là các DN phải tự đổi mới chính mình, thay đổi tư duy, coi cạnh tranh là lẽ đương nhiên của nền kinh tế thị trường. “Nhà nước sẽ đồng hành với DN nhưng sự chủ động của DN là cần thiết, là yếu tố quyết định sự thành bại của DN”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/xuat-sieu-va-nang-luc-canh-tranh-cua-nen-kinh-te-606605