Xuất xứ hàng hóa - các nước quy định ra sao?

Tại đa số các nước trên thế giới, các tiêu chí để một sản phẩm có thể được gắn mác 'Made in' (sản xuất tại), 'Product of' (sản phẩm của)… đều được quy định rất rõ ràng trong luật và các văn bản dưới luật.

Các sản phẩm khi sản xuất phản gắn mác nơi xuất xứ

Các sản phẩm khi sản xuất phản gắn mác nơi xuất xứ

Chi phí sản xuất là tiêu chí quan trọng

Nhiều nước không yêu cầu ghi nhãn xuất xứ hàng hóa đối với sản phẩm sản xuất và tiêu thụ trong nước nhưng bất kỳ tuyên bố, ngụ ý hoặc thông tin tạo ấn tượng nào về xuất xứ hàng hóa do các công ty đưa ra đều phải chính xác và không gây hiểu lầm với người tiêu dùng.

Ở hầu hết các nước, trong số các quy định về việc ghi nhãn mác xuất xứ hàng hóa đều liên quan đến hàm lượng nội địa trong tổng chi phí sản xuất hoặc gia công một mặt hàng nào đó, tỉ lệ nội địa trong quá trình sản xuất mặt hàng từ nguyên, vật liệu thô thành thành phẩm ở nước đó. Tất cả những quy định này đều cụ thể và có định lượng rõ ràng để thuận lợi cho việc áp dụng.

Ví dụ, Đạo luật cạnh tranh và tiêu dùng của Australia không yêu cầu hàng hóa phải dán nhãn nước xuất xứ. Tuy nhiên, theo quy định, để được gắn mác “Sản xuất ở Australia”, một mặt hàng phải có quá trình “transform” (sản xuất hay biến đổi hình dáng, trạng thái, chức năng) đáng kể ở Australia.

Cùng với đó, ít nhất 50% chi phí sản xuất hoặc gia công mặt hàng đó phải được thực hiện tại Australia. Luật pháp Australia cũng nêu rõ rằng không được sử dụng nhãn mác “Sản xuất tại Australia” và đặc biệt là nhãn “Sản phẩm của Australia” nếu sản phẩm có đáng kể số bộ phận hoặc thành phần nhập khẩu.

Tại Mỹ, các tiêu chuẩn để một sản phẩm được công nhận là “Sản xuất tại Mỹ” cũng rất chặt chẽ. “Sản xuất tại Mỹ” là nhãn được Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) bảo hộ. Để một vật phẩm được gọi như vậy, vật phẩm đó phải được sản xuất trong phạm vi biên giới của Mỹ từ “tất cả hoặc hầu như tất cả” các bộ phận của Mỹ và các bộ phận đó cũng phải được sản xuất tại Mỹ.

Theo trang web của FTC, “tất cả hoặc hầu như tất cả” có nghĩa là “tất cả các bộ phận quan trọng và quy trình công nghệ để chế tạo ra sản phẩm phải có nguồn gốc từ Mỹ”. Hay nói cách khác, sản phẩm “Sản xuất tại Mỹ” phải là sản phẩm không chứa hoặc chứa không đáng kể nội dung (content) nước ngoài. Để xác định xem một sản phẩm là “tất cả hay hầu như tất cả” sản phẩm được sản xuất tại Mỹ, FTC sẽ xem xét một số yếu tố.

Trong đó, theo quy định, quá trình lắp ráp hoặc gia công sản phẩm cuối cùng phải diễn ra ở Mỹ. Sau đó, Ủy ban sẽ xem xét các yếu tố khác, bao gồm giá thành các bộ phận và chi phí gia công của Mỹ trên tổng chi phí sản xuất sản phẩm, tỉ lệ loại bỏ các nội dung nước ngoài từ sản phẩm hoàn chỉnh.

Ngoài ra, đối với các mặt hàng ô tô và dệt may, cũng như các mặt hàng làm từ lông và len, các yêu cầu bổ sung được áp dụng. Trong đó, các mặt hàng quần áo và hàng dệt khác được phép dán nhãn Sản xuất tại Mỹ (Made in USA) nếu mặt hàng đó được cắt, may ở Mỹ và vải để may cũng được tạo ra ở Mỹ, bất kể việc sợi vải có nguồn gốc từ đâu.

Quy định với ô tô rất phức tạp bởi các yếu tố bổ sung được nêu trong Đạo luật ghi nhãn ô tô Mỹ năm 1994. Theo luật, ngoài việc lắp ráp xe, các nhà sản xuất ô tô được yêu cầu liệt kê tỷ lệ phần trăm thiết bị trong xe có nguồn gốc từ Mỹ hoặc Canada, cũng như nước xuất xứ trong quá trình chuyển giao. Các bộ phận của Mỹ và Canada được liệt kê cùng nhau, và theo quy định của Mỹ bất kỳ mặt hàng ô tô nào chứa từ 70% các bộ phận của Mỹ hoặc Canada trở lên đều có thể được làm tròn và được gọi là 100% của Mỹ/Canada.

Sản phẩm xuất xứ từ Mỹ được gắn mác Made in America

Vẫn theo quy định của Mỹ, các sản phẩm được “lắp ráp” hoặc “ráp nối” ở Mỹ, về mặt kỹ thuật không phải là sản phẩm “sản xuất ở Mỹ”. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân cũng được yêu cầu phải làm rõ nội dung của một số thông tin về xuất xứ hàng hóa của họ.

Ví dụ, FTC đã từng buộc một số công ty, như công ty Shinola có trụ sở tại Detroit năm 2016 đã được yêu cầu phải làm rõ tuyên bố “được lắp ráp ở Mỹ” của họ. Shinola sau đó đã phải thêm cụm từ “từ các bộ phận nhập khẩu” vào mô tả “được lắp ráp ở Mỹ” được ghi trong một số sản phẩm của công ty này như mặt hàng đồng hồ.

Tại Canada, để được dán nhãn Sản phẩm của Canada (Product of Canada), tất cả hoặc hầu như tất cả (ít nhất 98%) tổng chi phí trực tiếp để sản xuất sản phẩm đó phải liên quan đến Canada. Còn đối với nhãn Made in Canada (Sản xuất tại Canada), sản phẩm đó phải vượt ngưỡng 51% tổng chi phí trực tiếp sản xuất liên quan đến Canada. Quy định này đảm bảo với người tiêu dùng rằng phần lớn chi phí sản xuất trực tiếp của một sản phẩm được bán trên thị trường với nhãn mác Sản xuất tại Canada đã phát sinh ở Canada khi.

Ngoài ra, cả 2 nhãn này đều yêu cầu các công đoạn sản xuất cuối cùng quan trọng nhất của mặt hàng phải diễn ra trên lãnh thổ Canada. Những hàng hóa không đáp ứng các yêu cầu trên có thể được ghi nhãn là lắp ráp tại Canada với linh kiện nước ngoài (Assembled in Canada with foreign parts”, “Sewn in Canada with imported fabric”) hoặc Thiết kế tại Canada (Designed in Canada).

Là đất nước của các thương hiệu xa xỉ, luật dán nhãn của Pháp cũng được đánh giá là rất quan trọng. Theo Bộ luật Hải quan Cộng đồng, nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu sản phẩm ở nước này phải chứng minh nhãn Sản xuất ở Pháp được dán trên sản phẩm đó. Họ phải có khả năng chứng minh rằng sản phẩm đã được sản xuất hoàn toàn tại Pháp hoặc các công đoạn sản xuất cuối cùng quan trọng của sản phẩm đã được thực hiện ở Pháp.

Chế tài xử lý nghiêm khắc

Theo quy định của luật pháp Australia, tòa án nước này sẽ là nơi phán quyết về việc các tổ chức, cá nhân có vi phạm Đạo luật cạnh tranh và tiêu dùng của của nước này hay không. Hình phạt tối đa cho mỗi lần phạm luật với các hành vi vô lương tâm, đưa ra các tuyên bố sai lệch hoặc gây hiểu lầm, cung cấp hàng tiêu dùng hoặc một số dịch vụ không tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn hoặc bị cấm đối với các tập đoàn sẽ là 10.000.000 AUD, 3 lần giá trị lợi ích nhận được từ việc vi phạm hoặc 10% doanh thu hàng năm trong 12 tháng trước đó nếu tòa án không thể xác định lợi ích thu được từ hành vi phạm tội. Với cá nhân, mức phạt này là 500.000 AUD.

Tại Canada, Đạo luật Cạnh tranh, Đạo luật Đóng gói và Ghi nhãn mác, Đạo luật Ghi nhãn Dệt may không yêu cầu ghi quốc gia xuất xứ trên sản phẩm sản xuất và tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, nếu một doanh nghiệp chọn đưa ra công bố nước sản xuất trên nhãn mác, họ sẽ phải đảm bảo đáp ứng tiêu chí và điều kiện theo quy định. Việc ghi nhãn mác sai có thể dẫn đến việc người tiêu dùng hoặc đối thủ nộp đơn khiếu nại lên Cục Cạnh tranh và điều tra, yêu cầu xác minh độ chính xác của tuyên bố trên nhãn mác.

Theo Đạo luật Cạnh tranh của Canada, nếu một công ty bị phát hiện có hành vi gây hiểu sai, hiểu nhầm về sản phẩm có thể bị yêu cầu nộp phạt tiền hành chính tối đa 10.000.000 đô la Canada cho lần vi phạm đầu tiên và 15.000.000 đô la Canada cho lần vi phạm tiếp theo. Đối với một cá nhân, mức phạt tiền hành chính tối đa là 750.000 đô la Canada cho vi phạm đầu tiên và 1.000.000 đô la Canada cho lần vi phạm tiếp theo.

Một công ty hoặc một cá nhân cũng có thể bị yêu cầu trả tiền bồi thường cho người mua sản phẩm do việc gây hiểu lầm. Số tiền bồi thường có thể bằng tổng số tiền mà người mua đã trả cho công ty hoặc cá nhân để mua các sản phẩm đó. Với những vi phạm nghiêm trọng, tổ chức, cá nhân còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tiền và phạt tù từ 1 đến 14 năm.

Tại Italia, nhãn “Sản xuất tại Ý” được coi là một nguồn tài nguyên kinh tế quốc gia. Do đó, nhiều luật đã được thông qua để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp Ý khỏi những chỉ dẫn sai lệch về xuất xứ trên sản phẩm. Để được ghi nhãn “Made in Italy”, các sản phẩm phải được sản xuất hoàn toàn trong nước, từ linh kiện, thiết kế cho tới việc sản xuất. Mức phạt cho việc vi phạm quy định này cũng rất nghiêm khắc.

Theo quy định của Italia, việc sử dụng nhãn “Sản xuất tại Ý” trên các sản phẩm không có nguồn gốc từ Ý (được gọi là chỉ dẫn sai) hoặc sử dụng nhãn hiệu công ty hoặc các yếu tố khác (ví dụ như dấu hiệu hoặc hình ảnh) có thể khiến người tiêu dùng tin rằng sản phẩm có nguồn gốc từ Ý có thể bị phạt tiền lên tới 20.000 euro và phạt tù tới 2 năm theo Điều 517 của Bộ luật hình sự Italia.

Italia cũng có quy định nêu rõ rằng khi việc sử dụng một thương hiệu có khả năng gây hiểu lầm cho người tiêu dùng liên quan đến nguồn gốc Italia của sản phẩm, chủ thương hiệu (hoặc người được cấp phép) có trách nhiệm để đảm bảo rằng trong giai đoạn tiếp thị sản phẩm, người tiêu dùng được cung cấp tất cả các chỉ dẫn chính xác và rõ ràng về nguồn gốc hoặc xuất xứ nước ngoài của sản phẩm thông qua việc thêm thông tin trực tiếp trên sản phẩm, trên bao bì hoặc theo bất kỳ cách nào khác. Vi phạm quy định này có thể dẫn tới việc bị phạt hành chính từ 10.000 đến 250.000 euro.

Dũng Cát / Pháp luật 4 Phương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kham-pha/xuat-xu-hang-hoa-cac-nuoc-quy-dinh-ra-sao-488156.html