Xúc cảm giới tính trong văn học thiếu nhi

'Bí mật tuổi trăng non' (NXB Kim Đồng, 2018) của tác giả Thanh Tâm Nguyễn (tên thật là Nguyễn Thanh Tâm) vừa ra mắt gần đây là cuốn sách phê bình văn học về chủ đề 'Xúc cảm giới tính trong văn học thiếu nhi', với mong muốn thiết lập mối quan hệ giữa văn học thiếu nhi với nhà văn và cả người tiếp nhận.

Bìa cuốn sách Bí mật tuổi trăng non.

Là một nhà giáo đang làm việc tại Trường đại học Sư phạm Huế, tác giả đã lựa chọn con đường nghiên cứu chuyên sâu vào văn học thiếu nhi. Trước Thanh Tâm Nguyễn, các nhà văn viết phê bình ở mảng này có thể kể đến một vài tên tuổi, như: PGS, TS Vân Thanh (Viện Văn học), TS Lã Thị Bắc Lý (Trường đại học Sư phạm Hà Nội)… Trong các công trình nghiên cứu đã được công bố, chưa bao giờ vấn đề “Xúc cảm giới tính trong văn học thiếu nhi” được đưa ra khảo sát thành một đề tài lớn trên phạm vi văn học Việt Nam hơn 100 năm qua như trong cuốn sách của Thanh Tâm Nguyễn. Tác giả “Bí mật tuổi trăng non” không tự hạn chế mình ở phạm vi văn học thiếu nhi được đồng nhất với sự ra đời của Tủ sách Kim Đồng và NXB Kim Đồng như một số quan điểm nghiên cứu trước đây. Nhà nghiên cứu trẻ đã tìm tòi tư liệu nghiên cứu các tác giả, tác phẩm có nét dáng “văn học thiếu nhi” được ra đời từ đầu thế kỷ XX cho đến trước năm 1945. Chị cũng dành nhiều công sức để tìm hiểu văn học miền nam trước năm 1975. Từ việc xác lập đề tài “xúc cảm giới tính”, tìm ra “lằn ranh mong manh” để phân biệt tác phẩm văn học thiếu nhi với văn học người lớn, Thanh Tâm Nguyễn có một đóng góp ý nghĩa về mặt lý luận, đó là: Đi tìm đặc trưng văn học thiếu nhi.

Trong quá trình nghiên cứu, Thanh Tâm Nguyễn đã liên hệ, kết nối với các nhà văn viết cho thiếu nhi ở nhiều vùng miền khác nhau, có tác phẩm trong nhiều giai đoạn văn học khác nhau để cùng trao đổi về khái niệm văn học thiếu nhi - một khái niệm không dễ rạch ròi. Cuốn sách “Bí mật tuổi trăng non” của chị dường như ý thức được sự mờ ảo và tính linh động khó lòng nắm bắt của lý luận văn học về văn học thiếu nhi. Các tác giả viết cho thiếu nhi đã tự nhiên mà viết nên những trang sách của “tuổi mộng mơ”, của những “nơi mùa gieo hạt tương tư”, tạo ra những “diễn ngôn của rung động đầu đời”, vẽ lên “muôn mặt trăng non”… Và, nhà nghiên cứu, phê bình Thanh Tâm Nguyễn sau khi đọc cả nghìn trang văn học thiếu nhi, đã thốt lên rằng: “Để viết hay về xúc cảm giới tính trẻ đòi hỏi nhà văn phải có tri thức về tâm lý lứa tuổi, phải có nhân cách đẹp và năng lực tổ chức diễn ngôn theo nghĩa rộng của thuật ngữ này để giữ tác phẩm đứng vững trong “đường biên của những giới hạn” (“Bí mật tuổi trăng non”, trang 46). Bằng cách lựa chọn một đề tài nghiên cứu, Thanh Tâm Nguyễn đã tạo nên một vòng tay lớn kết nối các tác giả văn học thiếu nhi Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại, từ khắp mọi vùng miền đất nước.

Có một thực tế cần chú ý, trẻ em lớn lên trong cuộc sống hiện đại ở thế kỷ XXI có sự phát triển tâm sinh lý sớm hơn, mạnh mẽ hơn các thế hệ trước; vấn đề giáo dục giới tính được đưa vào chương trình giảng dạy ở trường phổ thông từ sớm. Việc hướng dẫn các em đang ở tuổi mới lớn vượt qua được những biến động tâm sinh lý lúc dậy thì có lẽ không chỉ là của các nhà giáo dục và phụ huynh mà các nhà văn viết cho thiếu nhi cũng đã và đang tạo ra những cảm hứng tươi sáng, tích cực cho lứa tuổi này. Là cuốn sách phê bình nghiên cứu văn học, nhưng bằng một giọng văn hấp dẫn sinh động, “Bí mật tuổi trăng non” dường như đã vươn tới đối tượng bạn đọc thiếu nhi như là một sự gợi mở hướng dẫn tìm sách cho các em; cũng là gợi mở hướng viết cho các tác giả đang ở tuổi niên thiếu mong muốn thử sức mình trong những trang viết đầu tay.

LÊ PHƯƠNG LIÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/38037502-xuc-cam-gioi-tinh-trong-van-hoc-thieu-nhi.html