Xúc động câu chuyện về tấm Bằng Tổ quốc ghi công và hành trình 25 năm đằng đẵng của cụ Khanh

Mới đây, Bộ Quốc phòng đã long trọng tổ chức lễ công nhận, truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Vũ Văn Trí (Quyết), thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ thành phố Hà Nội, anh Vũ Tuấn Khải (cháu liệt sĩ Trí) đã mang tấm bằng vào thẳng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nơi có cụ Vũ Tuấn Khanh (bố anh Khải, em nuôi liệt sĩ Trí) đang nằm điều trị. Ôm tấm Bằng Tổ quốc ghi công của anh nuôi, khóe mắt ông Khanh rưng rưng. Cuối cùng, nguyện ước của ông đã trở thành hiện thực sau hơn 25 năm mòn mỏi đợi chờ. Tuổi cao sức yếu, gần 1 tháng qua, ông Khanh phải nằm viện điều trị tích cực. Những ngày cuối đời, ông vẫn cố gắng chờ đợi giây phút được tận tay, tận mắt cầm tấm Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Trí rồi để được thanh thản…

Hình ảnh cuối cùng trước khi mất của cụ Vũ Tuấn Khanh khi đón nhận tấm Bằng Tổ quốc ghi công người anh nuôi Vũ Văn Trí (Quyết) đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

Quyết tâm đi làm chế độ chính sách cho anh nuôi

Thông tin cụ Khanh yếu, vẫn đang nằm viện và không nói chuyện được khiến tôi lo lắng, hụt hẫng. Ấy vậy mà khi vào thăm, cụ tỉnh táo lắm, đôi mắt linh lợi, trò chuyện liên tục với tôi dù giọng nói có phần yếu, thỉnh thoảng đứt quãng.

Nhiều lúc thấy cụ Khanh mệt, thở dốc, tôi vội trấn an, khuyên cụ nằm nghỉ. Nhưng dường như niềm vui khiến cụ quên hết cái mệt nhọc trong người, kể cho tôi nghe câu chuyện về liệt sĩ Vũ Văn Trí như sợ mình không còn nhiều thời gian.

Cụ Vũ Tuấn Khanh sinh năm 1941, thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường năm nay 81 tuổi, sức khỏe yếu nhưng vẫn minh mẫn. Cụ nhớ chi tiết nhiều mốc thời gian, địa giới hành chính tỉnh Yên Bái, nơi có đơn vị liệt sĩ Trí nhập ngũ, đóng quân.

Trong câu chuyện kể, cụ Khanh gọi liệt sĩ là anh Trí, thể hiện tình cảm yêu thương, trìu mến của mình từ sâu thẳm trái tim.

Cụ Khanh kể, anh Trí là anh nuôi của cụ. Mẹ anh Trí là người nhà trong họ. Bà mất sau khi sinh anh Trí nên được bố mẹ cụ xin về làm con nuôi.

Năm 1946, anh Trí theo bố lên huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái (ngày nay) làm ăn rồi "trốn" gia đình đi bộ đội. Bấy giờ, liệt sĩ khoảng 22 tuổi, chưa lập gia đình. Đến năm 1949, gia đình cụ Khanh bặt tin anh Trí. Trong quá trình tham gia quân ngũ, đã có lần anh Trí viết thư tay về cho gia đình. Cụ Khanh không biết mặt anh Trí, chỉ được nghe qua lời kể của bố mẹ và các anh chị em trong nhà.

Tôi thắc mắc vì sao đến nay, liệt sĩ Vũ Văn Trí mới được Nhà nước công nhận, truy tặng danh hiệu liệt sĩ, thì được cụ Khanh giải thích: “Do anh Trí trốn nhà đi bộ đội nên gia đình mất thông tin với đơn vị quân đội. Mặt khác, bấy giờ, gia đình cũng chưa có hồ sơ đề nghị nên không đủ căn cứ để công nhận liệt sĩ”.

Ngồi cạnh cụ Khanh, anh Khải trầm ngâm cho biết thêm: “Sau ngày bặt tin bác Trí, gia đình và địa phương có nhận được 1 giấy báo tử gửi về, nhưng tên người quân nhân hy sinh không phải Vũ Văn Trí mà là Vũ Văn Quyết. Sau này, mọi người đoán rằng, nhiều khả năng, lúc trốn gia đình xung phong nhập ngũ và vào đơn vị, bác Trí đã giấu tên thật của mình”.

Nằm trên giường bệnh, cơ thể cụ Khanh chỉ còn da bọc xương. Hai cánh tay gầy gò, khẳng khiu, tím bầm do việc tiêm, truyền dài ngày. Tuổi cao sức yếu, cơ thể suy nhược, lại bị bệnh tim nên mọi sinh hoạt, ăn uống của cụ Khanh đều phải cậy nhờ con cháu.

Cầm tay tôi, cụ Khanh khoe: “Mặc dù không biết mặt anh Trí, nhưng tôi được gặp, nói chuyện với anh qua... giấc mơ. Anh Trí rất đẹp trai, có nhắn nhủ với tôi rằng, anh hy sinh ở phố Giàng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái và nay vẫn đang ở đó”.

Từng đi bộ đội 5 năm (1965-1970), tham gia chiến tranh chống Mỹ, hơn ai hết, cụ Khanh hiểu những mất mát, hy sinh thầm lặng của người lính. Trên cơ thể cụ vẫn còn những vết thương hằn sâu do chiến tranh để lại. Năm 1993, khi mẹ cụ Khanh mất, bà là người nhắc đến anh Trí nhiều nhất. Sau khi mẹ mất, cụ Khanh thay bà thờ cúng anh nuôi. Và điều này đã thôi thúc cụ quyết tâm đi tìm kiếm thông tin, làm hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận, truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho anh mình.

Cụ Khanh thì thầm như đang tự chuyện: "Anh mình đi đánh giặc, hy sinh mà không được công nhận liệt sĩ thì thiệt thòi quá. Mình là em mà không đi tìm, không làm hồ sơ cho anh thì ai làm?”.

Quặn thắt hình ảnh cụ Khanh ôm Bằng Tổ quốc ghi công rồi… ra đi mãi

Thương anh Trí, năm 1996, cụ Khanh khăn gói, lặn lội tìm đến Trung đoàn 165, xã Trần Phú (cũ), thuộc huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái ngày nay - nơi liệt sĩ đóng quân. Thời bấy giờ, việc đi lại rất khó khăn, tên đơn vị hành chính, quân đội có sự xáo trộn, thay đổi nhiều do việc sáp nhập, giải thể.

Tuy nhiên, cụ Khanh vẫn quyết tâm đi tìm các đơn vị cũ, đồng đội cùng tham gia quân ngũ với người anh nuôi. Mục đích nhằm xác thực thông tin, tiến tới hoàn thiện hồ sơ, thủ tục gửi các cơ quan chức năng đề nghị Nhà nước công nhận, truy tặng danh hiệu liệt sĩ đối với quân nhân Vũ Văn Trí.

Anh Khải cho biết: “Có những lúc, gia đình rất khó khăn về kinh tế, tôi từng khuyên bố dừng việc tìm kiếm, nhưng cụ vẫn quyết tâm đi tìm. Rất may mắn, tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, bố tôi gặp được một số người cùng đơn vị với bác Trí.

Có người dân địa phương và cũng là người bà con trong họ với cụ Khanh còn cho biết, liệt sĩ từng vào một số gia đình ăn cơm trong quá trình đi làm nhiệm vụ qua. Ròng rã suốt mấy chục năm, những lúc bố tôi ốm, tôi trực tiếp cùng người thân trong gia đình tiếp tục công việc. Nếu để bây giờ mới làm, có lẽ, việc hoàn thiện hồ sơ, tiến tới công nhận danh hiệu liệt sĩ cho bác Trí là điều không thể”.

Do hồ sơ chưa đủ điều kiện, căn cứ công nhận, trước đây, liệt sĩ Vũ Văn Trí được Nhà nước, đơn vị và chính quyền địa phương ghi nhận là trường hợp quân nhân vắng tin.

Theo thông tin từ Bộ CHQS tỉnh, tỉnh ta có khoảng 200 quân nhân vắng tin. Với sự nỗ lực của các gia đình, thân nhân liệt sĩ, đơn vị quân đội, chính quyền địa phương và cơ quan chức chức năng, thời gian qua, các bên đã tích cực phối hợp, tìm kiếm, xác thực thông tin tiến tới củng cố hồ sơ. Kết quả, đến nay đã có gần 150 trường hợp quân nhân vắng tin ở các địa phương trong tỉnh được Nhà nước công nhận, truy tặng danh hiệu liệt sĩ, trong đó có liệt sĩ Vũ Văn Trí.

Lúc chia tay cụ Khanh ra về, tôi vẫn nhớ lời cụ thì thào bên tai: “Thế là tôi đã hoàn thành tâm nguyện với công việc của anh Trí rồi. Từ quân nhân vắng tin, đến nay có tin và được Nhà nước công nhận liệt sĩ. Tôi biết, Nhà nước mình rất quan tâm đến chính sách hậu phương quân đội, có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”… Trên cơ sở đó, tôi mong muốn được các cấp chính quyền địa phương ghi nhận, quan tâm, có chính sách bù đắp cho các gia đình chính sách, thân nhân liệt sĩ theo đúng quy định, tuyệt đối không đòi hỏi gì hơn”.

Hôm anh Khải mang tấm Bằng Tổ quốc ghi công vào bệnh viện cho cụ Khanh, gia đình chưa kịp chụp tấm hình nào làm kỷ niệm. Nên khi thấy tôi hỏi, cụ Khanh biết còn thiếu sót, liên tục dặn anh Khải gọi điện về nhà bảo con cháu mang tấm bằng lên cho cụ chụp ảnh. Nhìn cụ Khanh tiều tụy, gắng sức ôm Bằng tổ quốc ghi công của anh nuôi vào lòng mà nước mắt tôi cứ trào ra. Chụp ảnh cho cụ được 1 ngày thì anh Khải báo tin cụ đã… đi xa.

Ngày 26/7, các con cháu đưa cụ Vũ Tuấn Khanh về nơi an nghỉ cuối cùng, đúng dịp cả nước tri ân, kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2022).

Cụ thanh thản về với đất mẹ, trong vòng tay yêu thương của gia đình, người thân. Có lẽ, ở thế giới bên kia, anh Trí của cụ Khanh cũng đang chờ đón cụ để gửi lời cảm ơn đến người em nuôi của mình, để tiếp tục hàn huyên, tâm sự bởi những câu chuyện cuộc đời còn dở dang bao năm cách biệt giữa 2 người…

Bài, ảnh: Hà Trần

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/81124/xuc-dong-cau-chuyen-ve-tam-bang-to-quoc-ghi-cong-va-hanh-trinh-25-nam-dang-dang-cua-cu-khanh.html