Xúc động cuộc hội ngộ của những 'đứa trẻ trong ống nghiệm' sau 25 năm

25 năm trước, đúng vào đêm 30/4/1998, ba đứa trẻ đầu tiên được thụ tinh trong ống nghiệm lần lượt cất tiếng khóc chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM.

Hôm nay (27/4), trong chương trình “25 năm ngày ra đời của trẻ Thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam”, những đứa trẻ và gia đình họ được gặp lại nhau, gặp lại những thế hệ y bác sĩ đặt nền móng cho chuyên ngành thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam, trong niềm tự hào và xúc động.

Quả ngọt sau nhiều năm lặn lội chữa trị

Nằm trằn trọc không thể chợp mắt, hai mẹ con bà Trần Thị Bạch Tuyết, 58 tuổi, ngụ Tiền Giang chỉ mong trời mau sáng để được gặp lại Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, người đặt viên gạch đầu tiên cho ngành thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam.

Hai mẹ con của em Lưu Tuyết Trân và 2 cha con em Mai Quốc Bảo chụp hình cùng Tiến sĩ Vương Thị Ngọc Lan - con gái Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng, cũng là một "ân nhân" của các trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên (Ảnh Kim Dung).

Hai mẹ con của em Lưu Tuyết Trân và 2 cha con em Mai Quốc Bảo chụp hình cùng Tiến sĩ Vương Thị Ngọc Lan - con gái Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng, cũng là một "ân nhân" của các trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên (Ảnh Kim Dung).

Gặp ân nhân, bà Tuyết không giấu nổi niềm xúc động, rưng rưng khóe mắt. Cảm xúc khi lần đầu tiên được thỏa mãn khát khao làm mẹ của bà 25 năm trước lại ùa về.

Bà Tuyết là mẹ của Lưu Tuyết Trân, một trong ba đứa trẻ đầu tiên được thụ tinh trong ống nghiệm. Để có được người con “đặc biệt” này, đằng đẵng 6 năm trời, hai vợ chồng bà đã phải gác lại công việc, lặn lội đi chữa trị khắp nơi.

Cơ duyên đến với vợ chồng bà khi một người quen giới thiệu đến Bệnh viện Từ Dũ, gặp bác sĩ Phượng. Qua nội soi, bác sĩ phát hiện bà Tuyết bị nghẹt một bên đường dẫn trứng không có khả năng sinh con một cách bình thường. Để được làm mẹ, bà phải thụ tinh trong ống nghiệm. Nhờ biện pháp thụ tinh này, sau một tháng, niềm khao khát làm mẹ mãnh liệt của bà Tuyết được đền đáp khi đã đậu thai.

Con gái bà, Lưu Tuyết Trân giờ cũng đã trưởng thành và làm việc tại Trung tâm đào tạo và sát hạch giao thông thủy bộ của tỉnh Tiền Giang: “Giờ thấy con mình mạnh khỏe thì giờ mình cũng mong muốn những đôi vợ chồng hiếm muộn cố gắng đến để mình thử nghiệm với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, để đạt ý nguyện có con của mình. Các anh chị hiếm muộn cứ tự tin sẽ được hoàn thành mong muốn”.

Lưu Tuyết Trân 25 tuổi là một cô gái xinh đẹp, yêu đời, luôn thường trực nụ cười trên môi. Sức khỏe rất của Trân rất tốt. (Ảnh Kim Dung).

Lưu Tuyết Trân có khuôn mặt rạng rỡ, nụ cười luôn thường trực trên đôi môi. Câu chuyện về quá trình tìm con của mẹ, chuyện các y bác sĩ đã giúp Trân có mặt trên đời, trở thành hành trang để Trân yêu thương mẹ thật nhiều, trân quý hơn cuộc sống này: “Đối với em thì được sinh ra từ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm rất đặc biệt. Em đi tới đâu mọi người cũng đều ngỡ ngàng, đều cảm thấy rất là bất ngờ khi mà em được thụ tinh trong ống nghiệm, nên là em cũng cảm thấy vui và tự hào. Em cũng cảm thấy tự tin hẳn lên khi mà mọi người biết tới mình. Mọi thứ đối với em đều rất tốt đẹp”.

Ngày lịch sử

Trong đợt nhận tin vui đậu thai trong ống nghiệm đầu tiên 25 năm trước, ngoài vợ chồng bà Trần Thị Bạch Tuyết còn có cả vợ chồng ông Mai Văn Phơn (ba của Mai Quốc Bảo) và Phạm Xuân Tài (ba của Phạm Tường Lan Thy).

Ông Mai Văn Phơn, (69 tuổi, ngụ Bình Thạnh) cho biết, ròng rã 15 năm, vợ chồng ông đi tìm mọi phương pháp có con, vô cùng tốn kém nhưng vô vọng, ông mệt mỏi và có ý định buông xuôi.

Thế nhưng, người vợ dù đã 43 tuổi vẫn nhất quyết thử sức tại Bệnh viện Từ Dũ. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam thử nghiệm thụ tinh trong ống nghiệm. Dù rất e ngại, song ông vẫn chiều lòng vợ. Bác sĩ nhận định, xác suất đậu thai của vợ ông chỉ 0.05/1000%.

Cuối cùng, thành quả của vợ chồng ông bây giờ là một Mai Quốc Bảo cao lớn, khỏe mạnh. Tốt nghiệp đại học cách đây 2 năm, Mai Quốc Bảo công tác ngành Logistics trên địa bàn TP.HCM. Em cũng là điểm tựa cho cha khi người mẹ qua đời.

Nhìn Bệnh viện Từ Dũ sau 25 năm đã có nhiều thay đổi, nhiều tòa nhà khang trang được xây dựng, ông Mai Văn Phơn vẫn nhớ như in quá trình vợ mang thai rất khó khăn, thời gian chủ yếu là nằm bệnh viện, nhớ căn phòng bà xã sinh, phòng con trai sau sinh, còn ông thì chạy lên chạy xuống các tầng để chăm vợ, chăm con.

Ông Mai Văn Phơn chia sẻ: “Lúc đó tôi đang ở trên lầu trên kia, tôi không nhớ là bao nhiêu người làm thụ tinh cho vợ tôi, nhưng mà tôi đang đứng thì các bác sĩ ở trong ra hỏi tên tôi. Rồi mọi người ôm tôi chúc mừng. Tôi cũng bất ngờ, tôi không biết là chúc mừng cái gì nữa, xong các bác nói là vợ anh đã có thai, tức là thụ tinh nhân tạo đã đậu rồi đó. Lúc đó tôi mừng muốn xỉu luôn”.

Cùng hội ngộ lần này, Mai Quốc Bảo - là bé trai duy nhất trong 3 đứa trẻ đầu tiên được thụ tinh trong ống nghiệm gặp lại bạn cùng hoàn cảnh Lưu Tuyết Trân sau nhiều năm liên lạc qua mạng xã hội. Câu chuyện của 2 bạn trẻ là sự động viên nỗ lực phấn đấu trong sự nghiệp.

Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng (người đeo kính, mặc áo đen) - người đặt viên gạch đầu tiên cho ngành thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam xúc động nói về ngày vui lịch sử 30-4 (Ảnh Kim Dung)

Mai Quốc Bảo chia sẻ: “Em có nghe ba mẹ kể thì nó là một quãng đường rất là dài của ba mẹ, cũng rất là chịu khó, cố gắng hết sức mình để đi tìm một đứa con nhân đây thì em cũng xin cảm ơn ba mẹ đã không từ bỏ. Dù một cơ hội rất là nhỏ nhoi thì ba mẹ vẫn không từ bỏ, để cô ấy để ngày này".

Giáo sư – Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, 79 tuổi cho biết, từ chứng kiến nỗi đau mà các cặp vợ chồng hiếm muộn phải chịu đựng, sự day dứt của nghề nghiệp, bà đã tìm đủ mọi cách nhằm thúc đẩy triển khai hỗ trợ sinh sản.

Kết quả là, đêm 30/4/1998, 3 đứa trẻ thụ tinh trong ống nghiệm ra đời. Đó không chỉ là niềm vui chiến thắng, thống nhất đất nước, thành công này còn mang đến nhiều chiến thắng về mặt khoa học, phát triển chuyên môn.

Nhớ về ngày 30/4, bác sĩ Phượng bồi hồi xúc động khi thấy sự phát triển của chuyên ngành thụ tinh trong ống nghiệm. Đó cũng là niềm tự hào chứng kiến sự phát triển của TP.HCM, của đất nước trong ngày vui đại thắng./.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Ngọc Hải - phó giám đốc điều hành Bệnh viện Từ Dũ - cho biết sau 25 năm (từ 1998 đến 2023), tổng số em bé được thụ tinh trong ống nghiệm chào đời hơn 16.300 bé. Trung bình mỗi năm có 55.000 - 60.000 lượt các cặp vợ chồng đến khám hiếm muộn. Tỉ lệ thai lâm sàng thụ tinh trong ống nghiệm thành công có thể lên đến 45,7%.

Ngoài ra, tổng số ca bơm tinh trùng vào buồng tử cung IUI trong 10 năm gần đây hơn 22.000 ca. Số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm trong 10 năm gần đây là hơn 23.000 chu kỳ./.

Kim Dung/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/xuc-dong-cuoc-hoi-ngo-cua-nhung-dua-tre-trong-ong-nghiem-sau-25-nam-post1016808.vov