Xúc động đêm nhạc 'Như tôi đã sống'

Tối 28-1, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội đã diễn ra đêm nhạc 'Như tôi đã sống' tôn vinh các tác phẩm thơ và nhạc của Anh hùng lao động, Đại tá - nhà thơ Nguyễn Đăng Giáp. Đêm nhạc nằm trong series chương trình tôn vinh tác giả tác phẩm của chuỗi 'Vàng son một thuở'.

Trong gần ba giờ đồng hồ, đêm nhạc khiến người xem đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với câu chuyện đời thăng trầm của nhà thơ Nguyễn Đăng Giáp qua những ca khúc về người lính, về tình cảm gia đình, tình yêu quê hương sâu sắc của tác giả.

Anh hùng lao động, Đại tá - nhà thơ Nguyễn Đăng Giáp gửi lời tri ân đến các nhạc sĩ sáng tác ca khúc trong chương trình.

Chân dung của một người con của quê hương Nghi Trường, Nghi Lộc, một quân nhân thành đạt, Anh hùng lao động, một doanh nhân dũng cảm trên thương trường được khắc họa rõ nét qua hơn 20 ca khúc trong đêm thơ nhạc “Như tôi đã sống”. Hơn 20 ca khúc ấy là những sáng tác thơ, nhạc của chính Anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp, và những sáng tác của các nhạc sĩ, nhà thơ nổi tiếng với nguồn cảm hứng từ cuộc đời đầy hào hùng của ông. Nhưng, không chỉ dừng lại ở chỗ khắc họa chân dung của một con người với những thăng trầm, người xem còn thấy được cả một giai đoạn lịch sử của đất nước bi tráng, hào hùng thời chiến, phát triển thịnh vượng thời bình được tái hiện.

Lần đầu tiên, một đêm thơ nhạc vinh danh tác giả được đầu tư theo lối nhạc kịch, với phần biên đạo tài hoa của biên đạo múa Trần Ly Ly cùng sự tham gia của hơn 100 diễn viên múa. Chương Một lấy chủ đề Quê hương tuổi thơ kể lại câu chuyện một cậu bé sinh ra nơi xứ Nghệ với cảnh sắc quê hương đẹp đến nao lòng. Chương Hai với chủ đề Gia đình và chiến trận tái hiện hai mảng màu đối lập của cuộc đời đại tá, nhà thơ Nguyễn Đăng Giáp. Không còn cảnh chiến tranh tàn khốc và chia ly, từ Chương Ba, đêm nhạc kể chuyện người lính trở lại thời bình, họ vẫn phải chiến đấu nhưng là trên… thương trường. Và sau cùng, Chương Bốn với chủ đề Cảm xúc mùa thu là những suy nghĩ, chiêm nghiệm trước cuộc đời của người đại tá, doanh nhân và cũng là nghệ sĩ.

Ca sĩ Thanh Thanh Hiền.

Ca sĩ Tùng Dương.

Âm nhạc được thực hiện bởi những nhạc sĩ gạo cội, tài hoa của Hà Nội như Thanh Phương, Lưu Hà An, Minh Đạo… góp phần vinh danh thành công người nghệ sĩ là anh hùng trong thời chiến, doanh nhân thành đạt trong thời bình - Nguyễn Đăng Giáp. Đạo diễn sân khấu Phạm Hoàng Nam đã xây dựng một sân khấu tráng lệ mà tinh tế, đơn giản để tôn vinh câu chuyện kịch vũ một cách nổi bật nhất, giúp thu hút khán giả vào từng câu chuyện, từng lời thơ, tiếng nhạc.

Chủ nhiệm chuỗi chương trình “Vàng son một thuở”, nữ ca sĩ Ngọc Châm cho biết, tôn vinh, khắc họa chân dung một nhân vật đặc biệt như Anh hùng lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp cũng là một trong những hướng đi mới trong năm 2018 của “Vàng son một thuở”. Chương trình muốn hướng đến vinh danh những chân dung đặc biệt trong thơ nhạc, mở ra một hướng tiếp cận mới đến khán giả để khán giả có thể thấy được đủ đầy hơn những sắc màu nghệ thuật trong đời sống hôm nay.

Một số hình ảnh trong chương trình:

TRẦN NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/35416302-xuc-dong-dem-nhac-%E2%80%9Cnhu-toi-da-song%E2%80%9D.html