Xúc động lễ thắp nến tri ân anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa trang Hàng Dương

Chứng kiến Côn Đảo hồi sinh mạnh mẽ, thân nhân các liệt sĩ đã nằm xuống nơi đây cảm thấy tự hào.

Tối 16-7, trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2022), Thành đoàn TP.HCM đã tổ chức lễ dâng hương, thắp nến tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh tại Nghĩa trang Hàng Dương (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

Các đại biểu dành một phút mặc niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương.

Các đại biểu dành một phút mặc niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương.

Thay mặt thế hệ trẻ TP.HCM, anh Trương Minh Tước Nguyên, Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM, phát biểu:

“Lòng nồng nàn yêu nước đã tạo nên sức mạnh to lớn về ý chí, nghị lực, sự kiên trung bất khuất, thôi thúc hơn 20.000 người con yêu nước của dân tộc ta dù bị giam cầm, đày ải ở nhà tù Côn Đảo, trải qua những đòn tra tấn dã man, tàn bạo thâm độc của kẻ thù nhưng vẫn luôn giữ trọn niềm tin, dũng cảm chiến đấu và vững vàng khí tiết, một lòng bảo vệ cách mạng trước quân địch.

Những chuồng cọp, chuồng bò, xà lim, những địa danh Cầu tàu 914, Mũi Cá Mập, Bãi sọ người, Cầu Ma Thiên Lãnh, Sân bay Cỏ Ống... Tại nơi chúng ta đứng đây, nghĩa trang Hàng Dương đã đi vào lịch sử dân tộc và là nơi an nghỉ của hàng ngàn chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước.

Phó Trưởng ban kinh tế Trung ương, Nguyên chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cùng đoàn đại biểu dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Côn Đảo đã trở thành “trường học đấu tranh cách mạng”, tôi luyện nhiều thế hệ lãnh đạo và chiến sĩ cách mạng kiên trung; là vùng đất thiêng liêng, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lòng nồng nàn yêu nước của dân tộc Việt Nam.

Trong đó có Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, Anh hùng LLVTND Võ Thị Sáu, Anh hùng LLVTND Lưu Chí Hiếu, Anh hùng LLVTND Lê Văn Việt, cùng biết bao đồng chí, những người con trung dũng kiên cường đã đi vào lịch sử dân tộc”.

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu (trái) cùng đoàn đại biểu viếng mộ các anh hùng liệt sĩ.

Xúc động dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ, ông Nguyễn Thanh Sơn (64 tuổi) chia sẻ cha mình là liệt sĩ Nguyễn Nhu, hi sinh năm 1971, khi ông chỉ mới 10 tuổi. Trong ký ức của cậu bé 10 tuổi, nhà ông ngoài là cơ sở đóng tủ còn là kho chứa vũ khí của lực lượng biệt động thành trên đường Trần Quang Diệu (quận 3). Không may, cơ sở bị lộ do chỉ điểm. Liệt sĩ Nguyễn Nhu đã tự mổ bụng phản đối kẻ thù và qua đời.

Ông Nguyễn Thanh Sơn (giữa) tưởng nhớ cha mình là liệt sĩ Nguyễn Nhu.

Thắp nén nhang và đặt nến trước bia mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Trí, hi sinh năm 1957, ông Nguyễn Kim Quang (66 tuổi) cho biết đây là mộ của cha mình. Cha ông từng là ủy viên thường vụ tỉnh Gia Định (nay thuộc TP.HCM) và hi sinh khi bị biệt giam lúc ông mới 1 tuổi.

Ông Nguyễn Kim Quang thắp hương viếng mộ cha mình là liệt sĩ Nguyễn Văn Trí.

“Mỗi lần đến đây, tôi cảm thấy xúc động và tự hào. Thấy Côn Đảo đổi thay, hồi sinh mạnh mẽ tôi thấy rất mừng vì xương máu của cha tôi và bao đồng đội, thế hệ đi trước không vô nghĩa”, - ông Quang chia sẻ.

Trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sĩ, tối 16-7, TP.HCM còn phối hợp với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt. Chương trình thu hút đông đảo du khách và người dân Côn Đảo tham dự.

Tiết mục tưởng niệm sự hi sinh của người con đất đỏ, nữ anh hùng Võ Thị Sáu.

Một số hình ảnh khác tại buổi lễ thắp nến tri ân và chương trình biểu diễn nghệ thuật:

Trình diễn nghệ thuật tại buổi lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Buổi lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương.

Buổi lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương.

Hàng trăm ngôi mộ được thắp nến.

Tiết mục tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh ở Côn Đảo: Tạ Uyên, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự.

Hoàng Lan

Nguồn PLO: https://plo.vn/xuc-dong-le-thap-nen-tri-an-anh-hung-liet-si-o-nghia-trang-hang-duong-post689494.html