Xúc tiến du lịch Hà Nội: Nhà quản lý chủ động, lữ hành 'góp sức'

Nửa cuối năm 2018, Hà Nội liên tiếp đón những đoàn khảo sát du lịch quốc tế. Đáng chú ý, những lần khảo sát này không chỉ có sự chủ động của cơ quan quản lý nhà nước mà còn có vai trò nổi bật của các đơn vị lữ hành - điều hoàn toàn mới trong xúc tiến du lịch ở Thủ đô.

Mời khách tới nhà

Chiều nay, ngày 10-10, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đón đoàn 25 doanh nghiệp lữ hành từ 12 quốc gia châu Âu đến khảo sát du lịch Hà Nội - Việt Nam. Buổi gặp mặt này nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam và châu Âu được trực tiếp trao đổi, giới thiệu các sản phẩm du lịch, qua đó tăng cường quan hệ hợp tác và các hoạt động xúc tiến du lịch giữa các bên. Trước đó, vào cuối tháng 8, cũng từ sự phối hợp của Sở Du lịch Hà Nội với Vietnam Airlines, đoàn doanh nghiệp lữ hành Nhật Bản đã có mặt tại Hà Nội để tìm kiếm thêm cơ hội hợp tác.

Các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội và Indonesia trao đổi thông tin tại cuộc gặp hồi tháng 9-2018.

Các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội và Indonesia trao đổi thông tin tại cuộc gặp hồi tháng 9-2018.

Không ngẫu nhiên khi Hà Nội chủ động mời các doanh nghiệp lữ hành Nhật Bản và nhiều nước châu Âu tới khảo sát du lịch vì những nước đó đều được miễn visa khi vào Việt Nam trong 3 năm tới. Thị trường khách tại các nước này chi tiêu cao và quan trọng là muốn khám phá Việt Nam. Thực tế, sau chuyến khảo sát của các doanh nghiệp lữ hành Nhật Bản vừa qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đã tìm đến nhau với những hứa hẹn hợp tác. Hiệu quả cụ thể từ hoạt động nêu trên sẽ cần thời gian để đo đếm nhưng việc mời được “khách” đến Hà Nội để xúc tiến du lịch đã chứng tỏ nỗ lực của cơ quan quản lý. Bởi, để có thêm nhiều đoàn lữ hành quốc tế đến Việt Nam chúng ta phải có nguồn kinh phí. Ví như việc để các đoàn khảo sát của Nhật Bản, 12 nước châu Âu tới được Hà Nội, phải có sự chung tay của Vietnam Airlines - đối tác chiến lược của TP Hà Nội trong phát triển du lịch. Còn nếu chỉ trông vào ngân sách thì khó có các buổi xúc tiến du lịch nêu trên.

Trong cuộc gặp các doanh nghiệp lữ hành Nhật Bản, đại diện Sở Du lịch Hà Nội đã khẳng định, sẽ tiếp tục hỗ trợ các điều kiện tốt nhất với các hãng lữ hành, cơ quan truyền thông và khách du lịch Nhật Bản đến Hà Nội. Theo đại diện Sở Du lịch Hà Nội, với phương châm mời được nhiều khách đến nhà nên ngoài việc xúc tiến đưa khách quốc tế đến các điểm du lịch của Hà Nội thì việc đưa các đoàn khảo sát nước ngoài tới những địa phương khác cũng thể hiện trách nhiệm “Hà Nội với cả nước”, đồng thời cũng là tạo cơ hội phát triển du lịch của chính Hà Nội. Vì thế, Sở Du lịch Hà Nội đã đưa nhiều đoàn khảo sát đến Hòa Bình, Hạ Long (Quảng Ninh), Ninh Bình… mà không e ngại các điểm đến của Hà Nội "bị nhạt" trong lòng du khách.

Cùng làm xúc tiến

Bên cạnh sự vận động của cơ quan quản lý nhà nước, tại Hà Nội đã xuất hiện cách xúc tiến mới đầy táo bạo với dấu ấn của các doanh nghiệp lữ hành. Trước đây, người ta vẫn quen với các cuộc xúc tiến du lịch ở nước ngoài do cơ quan quản lý nhà nước tổ chức. Các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như Hà Nội phụ thuộc vào lịch xúc tiến của cơ quan quản lý nhà nước nên vẫn bị động trong mở rộng, khai thác thị trường.

Đầu tháng 9 vừa qua, 6 doanh nghiệp lữ hành thuộc Chi hội Lữ hành Hà Nội (Hiệp hội Du lịch Hà Nội) là Hanoitourist, Vẻ Đẹp Việt (Vietcharm Tour), Tienphong Travel, ANZ, VNA Travel, Postum Travel đã chủ động tự bỏ kinh phí để thực hiện xúc tiến du lịch tại Indonesia. Tất nhiên, lần xúc tiến này không thể thiếu vai trò của các cơ quan nhà nước, trong đó có Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia. Hoạt động này gây tiếng vang vì không chỉ thu hút hơn 50 doanh nghiệp lữ hành Indonesia mà còn bởi sự chủ động của các doanh nghiệp Việt. Điều đó thêm khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam dù cùng chung ngành nghề vẫn có thể nắm tay nhau để cùng đạt mục đích thay vì tự làm. Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist chia sẻ: “Bây giờ, hoạt động xúc tiến phải hướng đến hợp tác công - tư, trong đó các doanh nghiệp lữ hành phải thể hiện sự chủ động. Chúng tôi thực sự bất ngờ vì lần xúc tiến này thành công ngoài mong đợi. Nếu để từng công ty tự xúc tiến thì khó đủ lực để thực hiện”. Hiệu quả ban đầu từ chuyến đi này đã đến khi cuối tháng 9, một đoàn 15 doanh nghiệp lữ hành cùng Hiệp hội du lịch Indonesia đã có mặt tại Hà Nội để "mắt thấy, tai nghe" những điều giới thiệu tại buổi quảng bá, xúc tiến của nhóm 6 doanh nghiệp trên. Lễ ký kết hợp tác sau đó giữa Hiệp hội Du lịch Hà Nội với Hiệp hội Lữ hành Indonesia được xem là bước đi cụ thể hóa từ cuộc xúc tiến tại Indonesia. Từ nay đến cuối năm, nếu không có thay đổi, nhóm doanh nghiệp lữ hành trên sẽ thực hiện xúc tiến tại Philippines.

Rõ ràng, có nhiều cách tiếp cận với khách du lịch nước ngoài để đưa họ tới Việt Nam, nhằm giúp ngành Du lịch phát triển mạnh mẽ hơn. Khi cơ quan nhà nước và cả chính doanh nghiệp thực sự chủ động vào cuộc thì khả năng khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam chắc chắn sẽ cao hơn rất nhiều so với hiện nay.

Hà Nội đón hơn 4,3 triệu lượt khách quốc tế trong 9 tháng

Trong 9 tháng qua, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt trên 19,7 triệu lượt, trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt hơn 4,3 triệu lượt người. Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội từ gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường có khả năng chi trả cao như Tây Âu, châu Úc, Bắc Mỹ, Đông Âu, Đông Bắc Á... Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường khách du lịch hàng đầu đến Hà Nội.

Minh An

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Du-lich/915290/xuc-tien-du-lich-ha-noi-nha-quan-ly-chu-dong-lu-hanh-gop-suc