Xúc tiến thương mại tại thị trường Lào: Không chỉ là hội chợ, triển lãm

Bên cạnh nhiều chương trình hợp tác thường xuyên, các địa phương của Lào và TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hàng loạt sự kiện ngoại giao kinh tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) hai nước khai thác thế mạnh của nhau, giúp hàng Việt chắc chân tại thị trường Lào.

Ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) - cho biết, trong ba năm gần đây, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hơn 30 hoạt động xúc tiến thương mại tại nhiều địa phương của Lào như thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Champasak, tỉnh Xaysomboun, tỉnh Savannakhet… Các hoạt động diễn ra dưới nhiều hình thức như hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại, đầu tư nhằm tạo cầu nối để DN 2 nước trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác mở rộng quan hệ giao thương, góp phần đưa kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Lào liên tục tăng trưởng. Riêng trong 7 tháng năm 2019 đạt 663,7 triệu USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo ông Vũ Anh Dũng - Tổng lãnh sự Việt Nam tại tỉnh Savannakhet, Chính phủ Lào rất ủng hộ và ưu tiên các DN Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Lào. Việt Nam và Lào gần gũi về địa lý, do đó, hoạt động trao đổi về kinh tế cũng như đi lại, xuất nhập khẩu hàng hóa, lao động giữa hai nước rất thuận lợi. Đất nước Lào có nhiều tiềm năng mà DN Việt Nam có thể hợp tác đầu tư như thủy điện, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, trồng cây công nghiệp; chế biến nông - lâm sản...

“Với mục tiêu đưa nhiều DN hàng Việt, sản phẩm Việt tiếp cận thị trường Lào, thời gian qua, ITPC đã hỗ trợ các DN tham gia vào các kênh phân phối địa phương, gia tăng cơ hội giao thương với DN Lào, mở rộng thị phần ở Lào nơi có nhu cầu tiêu thụ hàng hóa phù hợp với năng lực sản xuất của DN hàng Việt” - ông Phạm Thiết Hòa cho biết thêm.

Theo đánh giá của người dân Lào, hàng Việt Nam phong phú, đa dạng, chất lượng tốt, giá phù hợp với nhu cầu tiêu dùng. Nếu như trước đây, hàng hóa Việt Nam xuất hiện tại các tỉnh Trung Lào phần lớn đi đường tiểu ngạch thì nay xuất hiện đồng loạt hàng Việt với quy mô lớn, DN có thương hiệu uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá và chất lượng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân Lào. Các DN Việt cũng tập trung vào công tác tìm kiếm nhà phân phối thay vì bán lẻ để giới thiệu.

Thanh Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuc-tien-thuong-mai-tai-thi-truong-lao-khong-chi-la-hoi-cho-trien-lam-125952.html