Xúc tiến xin đặt tên đường phố, trường học Lưu Cơ ở Hà Nội và một số tỉnh thành

Sau hội thảo khoa học 'Vai trò của Thái sư Lưu Cơ trong lịch sử' năm 2022 tại Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội, Hội đồng Lưu tộc Việt Nam đang tiếp tục như xúc tiến việc xin đặt tên đường phố, trường học Lưu Cơ ở Hà Nội và một số tỉnh thành; có hình thức vinh danh Thái sư Lưu Cơ tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội...

Đây là thông tin được chia sẻ tại đại hội đại biểu Lưu tộc Việt Nam lần thứ III (nhiệm kỳ 2023 – 2028), vừa diễn ra vào ngày 14/5 tại Hà Nội. Nhân dịp này, nhiều hoạt động đã được tổ chức như: Kỷ niệm 10 năm thành lập Lưu tộc Việt Nam (2013-2023); tôn vinh, tưởng niệm Tướng quân Lưu Cơ– là 1 trong tứ trụ đã phò tá Đinh Bộ Lĩnh bình định 12 sứ quân (trong đó có Lý Lãng Công tại Thuận Thành, Bắc Ninh) lập nên Nhà nước tập quyền độc lập, tự chủ đầu tiên của nước ta; tọa đàm lấy ý kiến xin đặt tên đường phố, trường học Lưu Cơ ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố; có hình thức vinh danh Thái sư Lưu Cơ tại Hoàng thành Thăng Long...

GS, TSKH Vũ Minh Giang phát biểu khẳng định những đóng góp của Lưu tộc Việt Nam với sự phát triển của đất nước.

GS, TSKH Vũ Minh Giang phát biểu khẳng định những đóng góp của Lưu tộc Việt Nam với sự phát triển của đất nước.

Qua 10 năm hoạt động, Hội đồng Lưu tộc Việt Nam đã kết nối được hơn 500 chi họ Lưu ở khắp các tỉnh, thành phố. Cùng với đó, chú trọng đến việc nghiên cứu về lịch sử văn hóa, tập trung tu sửa các khu di tích thờ cúng các khai quốc công thần họ Lưu, đẩy mạnh công tác khuyến học, hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội…

Phát biểu tại đại hội, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định, mỗi một cộng đồng dân tộc đều có những giá trị thiêng liêng của mình. Người xưa khái quát hai điều căn cốt nhất của một dân tộc là Tổ quốc và nhân dân, thì khái quát giản dị, nghe là thấy ngay ở hai chữ "Xã tắc". Đất nước là Xã tắc – "Xã" là nền đất, "Tắc" là cây lúa, là một nước nông nghiệp thì "Xã tắc" là Tổ Quốc. Còn nhân dân là bách tính trăm họ. Chính bởi thế, nhà thơ Vũ Quần Phương có nói “Trăm họ làm nên một nước nhà”. Quốc gia mà có cả một nhân dân, chúng ta dựa vào đó để trường tồn, để hướng tới tương lai thì thực chất là sự chung lưng đấu cật của trăm dòng họ.

Đông đảo con cháu họ Lưu trên khắp cả nước về tham gia đại hội.

Rồi đây, chúng ta phải nhìn nhận vị trí của dòng họ, tổ chức dòng họ trong tổ chức khối đoàn kết toàn dân và khơi dậy khát vọng đưa đất nước tới phồn vinh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Cho nên công việc của dòng họ không đơn giản chỉ là chuyện họ tộc!

Theo GS Vũ Minh Giang, họ nào cũng có những đóng góp rất đặc sắc với lịch sử, và cá nhân ông, đến đâu ông cũng đề nghị, bên cạnh việc làm sử phả thì chúng ta cũng phải chú ý đến vị trí, vai trò của dòng họ đối với sự nghiệp của dân tộc, từ đó tìm ra những nét đặc sắc.

Khẳng định vai trò lịch sử của dòng họ Lưu đối với quốc gia dân tộc, GS, TSTK Vũ Minh Giang nhấn mạnh, dòng họ Lưu đã có những công thần ghi danh vào lịch sử của dân tộc. Đó là cụ Lưu Cơ, người đã có công lớn trong sự kiện lịch sử Đức Thái tổ Lý Công Uẩn dời đô và tiến về thành Thăng Long. Thứ hai, cụ Lưu Khánh Đàm, người có một mối liên hệ với nhân vật lịch sử là Lý Nhân Tông, là 1 trong 3 nhân vật được thờ tại Văn Miếu - người lập ra Quốc Tử Giám, nhìn ra việc tuyển chọn nhân tài, tổ chức khoa thi đầu tiên, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Tống. Thứ ba là cụ Lưu Nhân Chú, một trong những người tham gia Hội thề Lũng Nhai, là người đã đề xuất và trực tiếp chỉ huy trận đánh Liễu Thăng, tạo nên điểm nhấn lịch sử.

“Khi nghiên cứu lịch sử các dòng họ, chúng ta tìm ra những đóng góp chung và những nét đặc sắc, tạo nên những điểm nhấn lịch sử, nó sẽ tạo nên dòng chảy truyền thống… Với dòng họ Lưu, truyền thống ấy đã được phát huy đến ngày hôm nay”, GS, TSKH Vũ Minh Giang khẳng định.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/xuc-tien-xin-dat-ten-duong-pho-truong-hoc-luu-co-o-ha-noi-va-mot-so-tinh-thanh-post539813.antd