Xứng đáng là trụ đỡ của nền kinh tế

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: 'Nông dân ta giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh'. Thấm nhuần lời dạy của Người, ngành nông nghiệp tỉnh ta đẩy mạnh phong trào Thi đua ái quốc với quyết tâm, hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, chính tinh thần “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa!” đã giúp ngành nông nghiệp của tỉnh đạt được những kết quả quan trọng, trở thành trụ đỡ của ngành kinh tế trong những năm qua, ngay cả khi đối mặt với khó khăn nhất như trong 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Nhiều phong trào Thi đua yêu nước được ngành phát động và lan tỏa sâu rộng, như phong trào Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững...

Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của tỉnh ngày càng tăng (Trong ảnh: Vườn cam của nông dân xã Yên Lâm, Hàm Yên sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP).

Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của tỉnh ngày càng tăng (Trong ảnh: Vườn cam của nông dân xã Yên Lâm, Hàm Yên sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP).

Qua đánh giá nửa nhiệm kỳ, nhiều chỉ tiêu hoàn thành và dự kiến vượt kế hoạch như số xã đạt chuẩn nông thôn mới, diện tích rừng trồng tập trung, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, giá trị sản xuất nông nghiệp, sản lượng lương thực hàng năm...

Tuyên Quang là tỉnh có diện tích rừng nằm trong Top đầu của cả nước. Các chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững, hiệu quả được tỉnh thực hiện đồng bộ trong những năm qua. Trong 3 năm, diện tích trồng rừng tập trung đạt trên 31,8 nghìn ha (bình quân mỗi năm trồng trên 10,6 nghìn ha rừng), vượt 8% so với mục tiêu kế hoạch. Diện tích khai thác gỗ rừng trồng mỗi năm đạt gần 10 nghìn ha, tổng sản lượng gỗ ước đạt trên 3 triệu m3, đáp ứng nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh tập trung rà soát và thay thế nguồn giống kém bằng giống chất lượng cao, đầu tư thâm canh rừng trồng bằng giống nuôi cấy mô, giống nhập ngoại, giống bản địa. Từ năm 2021 - 2022 đã thực hiện hỗ trợ trên 4,6 triệu cây giống chất lượng cao, diện tích hỗ trợ trên 3,2 nghìn ha; nâng năng suất rừng trồng từ 16 m3/ha/năm 2020 lên bình quân 17,8 m3/ha/năm 2023. Thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC ước hết năm 2023 đạt trên 43,8 nghìn ha.

Mục tiêu lớn nhất của ngành nông nghiệp là làm cho người nông dân có nguồn thu nhập ổn định từ nông nghiệp. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII, giá trị sản phẩm thu được bình quân 1 ha đất trồng trọt đạt gần 106 triệu đồng/năm, tăng 1,1 lần so với năm 2020.

Những cánh đồng ở xã Kim Quan (Yên Sơn) giờ đã phủ màu xanh của những giàn dưa chuột - cây trồng mới với người dân nơi này. Sau xây dựng nông thôn mới, người dân ở Kim Quan làm quen dần với các loại cây trồng mới, thay vì độc canh cây lúa như trước đây.

Trang trại chăn nuôi của ông Trịnh Văn Lực, thôn Đô Thượng 4, xã Xuân Vân (Yên Sơn).

Bắt đầu từ Làng Hản, cây dưa chuột được nhân ra ở khắp các thôn, bản của xã. Trưởng thôn Khuôn Điển Dương Trung Dũng cho biết, cả thôn giờ có hơn 1,3 ha dưa chuột. Từ cây trồng thử nghiệm, giờ dưa chuột trở thành một trong những cây trồng đem lại thu nhập chính cho bà con. “Nếu không có cán bộ khuyến nông hướng dẫn, vận động, thì bà con không làm được như thế này đâu” - Trưởng thôn Khuôn Điển Dương Trung Dũng chia sẻ.

Không chỉ ở Kim Quan, cây dưa chuột giờ có mặt ở tất cả các địa bàn, với diện tích liên kết lên đến hơn 300 ha. Đây là một trong những chuỗi liên kết mà Trung tâm Khuyến nông trực tiếp kết nối với 6 doanh nghiệp, Hợp tác xã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông sản đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho nông dân. Tiêu thụ được 14.737 tấn dưa chuột, 80 tấn sợi gai xanh, trên 10.000 tấn ngô sinh khối.

Tỉnh đang xây dựng các giải pháp, đưa sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đến hết năm 2022 đạt trên 3,2 nghìn ha (tăng 1,5 nghìn ha so với năm 2021). Triển khai thực hiện Dự án “Cấp và quản lý mã số vùng trồng các sản phẩm hàng hóa nông sản tỉnh Tuyên Quang bằng hệ thống/tiêu chuẩn OTAS phục vụ nội tiêu và xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025”; cấp 9 mã số vùng trồng, 3 mã số cơ sở đóng gói cho các sản phẩm nông sản phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Việc chuẩn hóa nông sản đáp ứng yêu cầu thị trường, đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân; thương hiệu, sức cạnh tranh nông sản tỉnh Tuyên Quang tiếp tục được nâng cao. Toàn tỉnh hiện có gần 200 sản phẩm OCOP; xây dựng được 28 chuỗi liên kết sản phẩm an toàn. 107 sản phẩm đã được bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ; có trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc; 4 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý (cam sành Hàm Yên, Bưởi Soi Hà, Chè Shan tuyết, rượu ngô men lá Na Hang)...

Từ khi ngành nông nghiệp được thành lập, Bác Hồ đã phát động phong trào thi đua “tấc đất, tấc vàng” với mong muốn dân giàu, nước thịnh. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt khẳng định, tinh thần ấy đang được ngành quyết tâm hiện thực hóa, để nông nghiệp xứng đáng là trụ đỡ của nền kinh tế trong bất cứ giai đoạn nào.

Bài, ảnh: Hải Lâm

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/kinh-te/xung-dang-la-tru-do-cua-nen-kinh-te-175355.html