Xứng danh Vườn Di sản ASEAN

Việt Nam đã có thêm 4 danh hiệu Vườn Di sản ASEAN được vinh danh đó là Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, Vườn quốc gia Vũ Quang, Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát và Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh. Lễ trao Chứng nhận và vinh danh 4 Vườn Di sản ASEAN này vừa được Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN (ACB) tổ chức tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng).

Ở số chuyên đề kỳ này, chúng tôi xin được giới thiệu sơ lược về 4 Vườn Di sản ASEAN vừa được vinh danh.

Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà thuộc là một vườn quốc gia nằm ở trung tâm cao nguyên Langbiang, trên địa bàn huyện Lạc Dương và Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Được thành lập vào năm 2004, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà là một trong số những vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam. Một số liệu thống kê cho thấy, ở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà có 1.933 loài thực vật có mạch, trong đó: 62 loài quý hiếm phân bố trong 29 họ thực vật khác nhau, nằm trong cấp đánh giá về mức độ quý hiếm của Sách Đỏ Việt Nam như thông đỏ, bách xanh… Đây còn được đánh giá là vương quốc của các loài lan rừng Việt Nam với trên 250 loài. Về động vật có 56 loài được ghi trong danh mục các loài động vật quý hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 48/2002/NĐ-CP ngày 22/04/2003 của Chính phủ. Có 30 loài (chiếm 14,4% tổng số loài trong khu vực) được ghi trong danh mục Sách Đỏ IUCN (2010) như cu li nhỏ, voọc vá chân đen, vượn đen má hung, bò tót...

Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát thành lập năm 2002, nằm trên địa phận 3 xã Tân Lập, Tân Bình, Hòa Hiệp thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Các loài cây phổ biến tại đây có dầu nước, sao đen, sến mủ, gõ mật, giáng hương… Còn về động vật, mặc dù chưa được nghiên cứu kỹ, nhưng một số nhà nghiên cứu công bố, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát có sự tồn tại của một số loài đáng quan tâm về mặt bảo tồn, như voọc chà vá chân đen, voọc bạc Đông Dương, khỉ mặt đỏ, gấu ngựa, sói đỏ, sói vàng, công lục Đông Dương, gà lôi hồng tía... Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ở đây có hạc cổ trắng và vẹt má vàng - 2 loài chim hiếm chỉ có ở Đông Dương…

Trong khi đó, Vườn quốc gia Vũ Quang ở tỉnh Hà Tĩnh cũng được thành lập năm 2002, được biết đến là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam. Vườn nằm ở vị trí quan trọng trong dãy Trường Sơn, xen kẽ giữa Vườn quốc gia Pù Mát ở phía Bắc và Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng ở phía Nam. Vườn quốc gia Vũ Quang là một trong những nơi cư trú cuối cùng của một số loài có ý nghĩa quan trọng cho công tác bảo tồn, và cũng bởi mức độ đa dạng sinh học rất cao. Khu hệ động vật của Vườn quốc gia Vũ Quang được các nghiên cứu ghi nhận ở đây có sự góp mặt của 94 loài thú thuộc 26 họ, 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá xương, 316 loài bướm, 73 loài kiến và 28 loài nhện. Trong đó, có 46 loài thú, 21 loài chim, 20 loài bò sát, 2 loài lưỡng cư và 1 loài cá xương nằm trong Danh lục IUCN (năm 2017) và Sách Đỏ Việt Nam (năm 2007) cần được ưu tiên bảo tồn. Các nhà nghiên cứu chỉ ra tại đây có sự hiện diện của nhiều loài đặc hữu cho cả Việt Nam và Lào. Trong số đó có những loài đặc trưng, quý hiếm như sao la, mang lớn, cầy vằn, chà vá chân nâu, vượn đen má trắng, gà lôi lam đuôi trắng… Về hệ thực vật, các nhà nghiên cứu thống kê được ở đây có 1.829 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 813 chi với 217 họ, trong số này có tới 131 loài thực vật nguy cấp, quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), Danh lục IUCN (2017) và Nghị định 06/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Còn Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh được thành lập theo Quyết định số 38/2002 của UBND tỉnh Kon Tum, có diện tích từ nhiên 41.429 ha. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh là nơi có tính đa dạng sinh học khá cao. Về thực vật rừng, thống kê được 874 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 537 chi, 156 họ. Trong đó, có 236 loài cho gỗ lớn, 169 loài làm thuốc, 78 loài làm cảnh. Sở dĩ có sự phong phú này, vì ngoài điều kiện tự nhiên đa dang, Ngọc Linh còn là nơi có dãy núi cao nhất miền Nam Việt Nam, có lịch sử kiến tạo địa chất lâu đời (khối cổ Kon Tum) nên ở đây xuất hiện nhiều loài thực vật cổ xưa như các loài trong ngành thông , các họ ngọc lan, họ na học chè , họ cáng lồ và các lọi thực vật ôn đới như họ hoàng liên , họ hoa tím. Đặc biệt có 9 loài đặc hữu là sâm Ngọc Linh, sâm bông, thông Đà Lạt, vù hương, du moóc, thạch đậu hoa thân, lan rau rút hồng… Bên cạnh đó, hệ động vật rất phong phú: 309 loài động vật hoang dã ở cạn (52 loài thú, 194 loài chim, 63 loài bò sát, ếch nhía). Đáng chú ý, có 5 loài thú được ghi trong Sách Đỏ thế giới là khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, báo gấm, hổ, nhím đuôi ngắn. Ngoài ra, đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài đặc hữu như gấu ngựa, gấu chó, vượn má hung, mang lớn, mang Trường Sơn… Trong khu hệ chim, các nhà khoa học đã phát hiện 2 loài mới là khướu đầu hung, khướu đuôi vằn và bổ sung cho danh sách chim Việt Nam 1 loài chim gõ kiến bụng vạch.

Với sự độc đáo riêng có, cả 4 vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên vừa kể trên đều rất xứng đáng trở thành Vườn Di sản ASEAN.

Theo Tổng cục Môi trường, Vườn Di sản ASEAN là danh hiêụ̣ bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), được triển khai từ năm 2003 với mục đích bảo tồn toàn diện các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mang tính độc đáo của khu vực ASEAN. Việc công nhận danh hiệu Vườn Di sản ASEAN góp phần quan trọng đối với công tác bảo tồn các hệ sinh thái không chỉ có đa dạng sinh học cao mà còn có giá trị văn hóa, lịch sử đối với từng quốc gia và cả khu vực. Đồng thời góp phần nâng cao nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học của người dân các nước ASEAN.

Trước đó, năm 2016, Vườn quốc gia Bái Tử Long của Việt Nam đã được công nhận là Vườn Di sản ASEAN thứ 38 và là Vườn Di sản ASEAN thứ 6 của Việt Nam cùng với 5 Vườn quốc gia khác của Việt Nam gồm: Vườn quốc gia Ba Bể (được tranh danh hiệu năm 2003); Vườn quốc gia Chư Mom Ray (2003); Vườn quốc gia Hoàng Liên (2003); Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (2003); Vườn quốc gia U Minh Thượng (2012).

“Việc trở thành quốc gia có nhiều Vườn Di sản ASEAN nhất khu vực đã thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong thời gian qua, góp phần nâng cao vai trò và uy tín của Việt Nam trong khu vực. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục lựa chọn các hồ sơ của các Vườn quốc gia có tiềm năng khác của Việt Nam để trình các Bộ trưởng môi trường ASEAN xem xét, công nhận”- đại diện Tổng cục Môi trường cho hay.

Vũ Văn Hùng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/xung-danh-vuon-di-san-asean-tintuc455936