Xung đột gia tăng, Việt Nam đối mặt 160 vụ kiện phòng vệ thương mại

Tính đến hết tháng 3/2020, đã có gần 160 vụ việc phòng vệ thương mại do 19 quốc gia và vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, các nước khởi xướng điều tra nhiều nhất là Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, EU....

Thép là ngành hàng điển hình thường xuyên phải đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Ảnh: Internet

Thép là ngành hàng điển hình thường xuyên phải đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Ảnh: Internet

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), xu thế bảo hộ, xung đột thương mại đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt trong quan hệ giữa các nền kinh tế lớn, tác động nhiều mặt tới nền kinh tế toàn cầu, khu vực và Việt Nam.

Tính đến hết tháng 3/2020, đã có gần 160 vụ việc phòng vệ thương mại do 19 quốc gia và vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, các nước khởi xướng điều tra nhiều nhất là Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, EU....

Riêng với Hiệp định thương mại tư do Việt Nam-EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực từ tháng 7/2020, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại đánh giá, khi EVFTA có hiệu lực, thương mại hàng hóa giữa hai nước sẽ gia tăng do đại đa số các dòng thuế nhập khẩu sẽ được đưa về mức 0%.

Từ đó, có thể dự đoán rằng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU sẽ tăng nhanh, dẫn tới khả năng tăng số lượng vụ việc phòng vệ thương mại giữa hai bên (để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự gia tăng hàng hóa nhập khẩu).

Ngoài ra, do các lợi ích mà Hiệp định EVFTA đem lại là rất lớn nên không loại trừ nguy cơ một số doanh nghiệp tìm cách gian lận xuất xứ hoặc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà EU đang áp với nước khác để hưởng lợi bất chính.

“Việc thực thi Hiệp định EVFTA đòi hỏi các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm vững các cam kết trong Hiệp định, kể cả các quy định về phòng vệ thương mại để có thể chuẩn bị, khai thác các lợi ích mà Hiệp định đem lại, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của mình”, ông Dũng nhấn mạnh.

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, để chủ động ứng phó có hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài, ông Dũng cho rằng, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, thường xuyên tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, đặc biệt là các thị trường thường xuyên sử dụng công cụ phòng vệ thương mại và đã từng kiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu; có chiến lược rà soát giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá và phối hợp chặt chẽ với các bạn hàng tại nước sở tại để cập nhật thông tin…

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/xung-dot-gia-tang-viet-nam-doi-mat-160-vu-kien-phong-ve-thuong-mai-125288.html