Xung đột Israel - Hamas vì sao bùng nổ?

Việc Israel trục xuất người Palestine khỏi Sheikh Jarrah và tấn công người Hồi giáo ở đền Al Aqsa đã khơi mào cho cuộc xung đột nghiêm trọng nhất trong 7 năm qua.

 Khu nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa khoảng một tuần trước khi bắt đầu tháng Ramadan. Ảnh: AFP.

Khu nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa khoảng một tuần trước khi bắt đầu tháng Ramadan. Ảnh: AFP.

Khoảng một tháng trước khi tên lửa đầu tiên được khai hỏa từ Gaza, một đội cảnh sát Israel tiến vào nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Đông Jerusalem. Họ gạt những người Palestine đang cầu nguyện sang một bên và sải bước trên khoảng sân đá vôi rộng lớn. Sau đó, dây cáp của các loa phát thanh cầu nguyện ở bốn ngọn tháp từ thời Trung cổ lần lượt bị cắt đứt.

Đó là đêm ngày 13/4, ngày đầu tiên của tháng Ramadan linh thiêng đối với người Hồi giáo. Trùng hợp thay, đây cũng là Ngày tưởng niệm của Israel, tôn vinh những người đã hy sinh chiến đấu vì đất nước.

Khi đó, tổng thống Israel đang có bài phát biểu tại Bức tường Than khóc - một địa điểm thiêng liêng của người Do Thái, nằm phía dưới khu phức hợp Al Aqsa. Các quan chức Israel lo ngại những lời cầu nguyện sẽ át đi lời phát biểu của tổng thống.

Vụ việc được xác nhận bởi sáu quan chức nhà thờ Al Aqsa. Ba người trong số đó tận mắt chứng kiến hành động cắt dây cáp. Khi được các phóng viên chất vấn, cảnh sát Israel từ chối bình luận.

Ở thế giới bên ngoài, sự việc này hầu như không được biết đến và không xuất hiện trên bất cứ tờ báo nào, theo New York Times.

Ngòi nổ Al Aqsa

Theo The New York Times, cuộc đột kích của cảnh sát vào nhà thờ Al Aqsa là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc xung đột đẫm máu giữa Israel và phong trào vũ trang Hamas hiện nay.

Sheikh Ekrima Sabri, nhà thuyết giáo tại Al Aqsa, cho biết: “Hành động của cảnh sát Israel chính là điểm mất chốt. Việc tấn công vào nhà thờ khiến tình hình xấu đi nghiêm trọng”.

Cảnh sát Israel nã lựu đạn choáng vào khuôn viên Nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa. Ảnh: Reuters.

Chính quyền Israel nhiều lần bắt giữ nhà thuyết giáo 82 tuổi này. Thậm chí, họ còn cấm ông vào nhà thờ Al Aqsa trong vài tháng. Vào tháng 3, lực lượng an ninh Israel đột kích vào nhà riêng và bắt giữ ông Sabri. Họ cáo buộc ông có dự định tham gia lễ tưởng niệm Isra và Mi'raj tại khu vực Bab Al-Rahma, Jerusalem.

Tình hình sau đó tàn khốc và biến chuyển vượt quá sức tưởng tượng, dẫn đến cuộc xung đột bạo lực tồi tệ nhất giữa Israel và lực lượng Hamas kể từ 2014.

Tính đến ngày 16/5, ít nhất 188 người Palestine thiệt mạng trong cuộc giao tranh, trong đó có 55 trẻ em, và hơn 1.200 người bị thương, theo Al Jazeera.

Israel cũng báo cáo có 10 người thiệt mạng, trong đó có 2 trẻ em. Ngoài ra, một làn sóng tấn công lẫn nhau cũng bùng nổ ở các thành phố hỗn hợp người Arab và người Do Thái.

Sau đó, nhiều quả tên lửa được bắn về phía lãnh thổ Israel từ một trại tị nạn của người Palestine ở Lebanon. Người dân Jordan cũng tuần hành về phía Israel để phản đối. Thậm chí, những người biểu tình Lebanon còn băng qua biên giới Israel.

Cuộc khủng hoảng xảy ra khi chính phủ Israel đang phải vật lộn để đảm bảo sự tồn tại của mình. Đồng thời, Hamas cũng đang tìm cách mở rộng vai trò, với tư cách là một thế hệ người Palestine mới và khẳng định các giá trị và mục tiêu của riêng mình.

“Đó là kết quả của nhiều năm phong tỏa và hạn chế ở Gaza, nhiều thập kỷ chiếm đóng ở Bờ Tây, nhiều thập kỷ phân biệt đối xử chống lại người Arab trong đất nước Israel”, Avraham Burg, cựu lãnh đạo Quốc hội Israel, nhận định.

“Thuốc nổ trong quả bom đều đã có sẵn, nhưng cần một bộ kích hoạt. Cuối cùng, ngòi nổ chính là nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa”, ông nói.

Cuộc chiến đáng lẽ không bao giờ xảy ra

Đã bảy năm kể từ cuộc xung đột nghiêm trọng cuối cùng giữa Israel và Hamas. Cuộc nổi dậy lớn cuối cùng của người Palestine, hay còn gọi là Intifada, cũng đã là quá khứ của 16 năm trước.

Thậm chí, không có bất ổn lớn nào ở Jerusalem khi cựu Tổng thống Donald Trump công nhận thành phố này là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ đến đó. Không có cuộc biểu tình lớn nào sau khi bốn nước Arab bình thường hóa quan hệ với Israel.

Hai tháng trước, rất ít người trong quân đội Israel nghĩ đến giao tranh ác liệt trong tuần qua. Nhiều quan chức quân đội Israel từng cho rằng mối đe dọa lớn nhất phải đến từ Iran hoặc Lebanon.

Cảnh sát Israel trong khuôn viên nhà thờ Al Aqsa. Ảnh: Reuters.

Những tháng đầu năm, Gaza đang phải vật lộn để vượt qua làn sóng nhiễm Covid-19. Hầu hết phe phái chính trị lớn của Palestine, bao gồm cả Hamas, từng hướng tới cuộc bầu cử lập pháp Palestine diễn ra vào tháng 3. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên của người Palestine sau 15 năm, nhưng sau đó bị hoãn tổ chức.

Dưới sự phong tỏa của Israel, tỷ lệ thất nghiệp tại Dải Gaza lên tới 50%. Người dân Palestine ngày càng ưu tiên nền kinh tế hơn là chiến tranh. Danh tiếng của Hamas mờ nhạt dần do không còn được lòng người dân.

Tuy nhiên, tình hình bắt đầu chuyển biến đột ngột vào tháng 4. Và sự vụ ở nhà thờ Al-Aqsa diễn biến theo hướng các bên đều không lường trước, ít nhất là như họ công bố với người dân.

Nếu xảy ra trong một năm khác, có lẽ điều này sẽ bị lãng quên. Tuy nhiên, vào tháng 3, một số yếu tố đột ngột và bất ngờ đã liên kết với nhau, tạo nên một quả bom nổ chậm đối với Israel.

Hậu quả của chính trị rối ren

Đối với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, việc phải xoa dịu các đảng cánh hữu khiến ông không còn tâm trí để xử lý làn sóng phản đối của người Palestine. Đồng thời, khoảng trống chính trị bất ngờ của người Palestine (do cuộc bầu cử bị hoãn) và cuộc phản đối tại Jerusalem đã cho Hamas một cơ hội để phô trương tên tuổi và thể hiện sức mạnh.

Phía Israel dường như không hay biết những thay đổi trong động thái của người Palestine. Người Israel từng tự mãn, coi vấn đề bình đẳng và quyền nhà nước của người Palestine là vấn đề cần phải kiềm chế, chứ không thể giải quyết.

Ami Ayalon, cựu giám đốc cơ quan tình báo nội địa Israel, nói rằng: “Israel phải thức tỉnh, phải thay đổi cách suy nghĩ. Người Israel phải bắt đầu cân nhắc về định nghĩa thế nào là ổn định”.

Các nhà ngoại giao và lãnh đạo nước ngoài đã cố gắng thuyết phục chính phủ Israel hạ nhiệt tại Jerusalem, ít nhất là mở cửa trở lại quảng trường bên ngoài cổng Damascus. Tuy nhiên, chính phủ Israel hoàn toàn không quan tâm.

Trong khi đó, ông Netanyahu đang kẹt giữa các cuộc đàm phán để thành lập một liên minh sau khi cuộc bầu cử lần thứ 4 trong vòng 2 năm kết thúc. Để thành lập một liên minh, ông cần thuyết phục một số nhà lập pháp cực hữu tham gia với mình.

Trong số đó là Itamar Ben Gvir, cựu luật sư của Lehava. Ông Ben Gvir ủng hộ việc trục xuất các công dân Arab bị coi là không trung thành với Israel. Thậm chí, ông còn treo trong phòng khách bức chân dung của Baruch Goldstein - một kẻ cực đoan Do Thái đã thảm sát 29 người Palestine tại Hebron năm 1994.

Ông Netanyahu bị cáo buộc đang lấy lòng những người như Ben Gvir bằng cách căng thẳng gia tăng ở Jerusalem.

Anshel Pfeffer, nhà bình luận chính trị và người viết tiểu sử về thủ tướng Israel, cho biết: “Căng thẳng đã ở đây từ trước khi Israel được thành lập. Tuy nhiên, trong những năm dài cầm quyền, ông Netanyahu hết lần này đến lần khác khai thác những căng thẳng này cho lợi ích chính trị và giờ đã thất bại thảm hại”.

Mark Regev, cố vấn cấp cao của ông Netanyahu, bác bỏ phân tích trên.

“Chính xác thì ngược lại”, ông Regev nói. "Ông Netanyahu đã làm mọi thứ có thể để cố gắng giữ hai bên bình tĩnh".

Vào ngày 29/4, Tổng thống Mahmoud Abbas của chính quyền Palestine hủy bỏ cuộc bầu cử vì lo ngại một kết quả nhục nhã. Hamas nhìn thấy cơ hội và bắt đầu tái khẳng định bản thân như một chiến binh bảo vệ Jerusalem.

Mkhaimar Abusada, chuyên gia chính trị tại Đại học Al Azhar ở thành phố Gaza, cho biết: “Hamas đang chứng tỏ rằng mình có khả năng lãnh đạo tốt hơn cho người Palestine”.

Vào ngày 4/5, sáu ngày trước khi cuộc chiến bắt đầu, người đứng đầu lực lượng Hamas Muhammed Deif đã đưa ra một tuyên bố công khai: “Đây là cảnh báo cuối cùng của chúng tôi. Nếu hành động gây hấn chống lại người dân trong khu phố Sheikh Jarrah không dừng lại ngay lập tức, chúng tôi sẽ không để yên”.

Đến thời điểm này, không nhiều người cho rằng giao tranh quy mô lớn sẽ xảy ra.

Sheikh Jarrah, Ramadan và Al Aqsa

Ý thức về bản sắc dân tộc trỗi dậy trong giới trẻ Palestine được thể hiện không chỉ thông qua việc phản đối các cuộc tấn công vào Al Aqsa, mà còn phản đối việc sáu gia đình Palestine phải đối mặt với việc bị trục xuất khỏi Sheikh Jarrah.

Sự cố loa phát thanh xảy ra gần như đồng thời với quyết định đóng cửa một quảng trường nổi tiếng bên ngoài cổng Damascus của cảnh sát Israel. Đây là nơi các thanh niên Palestine thường tụ tập vào ban đêm trong tháng Ramadan.

Micky Rosenfeld, phát ngôn viên cảnh sát Israel, cho biết quảng trường bị đóng cửa nhằm ngăn chặn sự hình thành của đám đông nguy hiểm và đề phòng khả năng xảy ra bạo lực.

Tuy nhien, hành động này dẫn đến các cuộc đụng độ hàng đêm giữa cảnh sát và những người trẻ tuổi đang cố gắng giành lại không gian.

Đối với cảnh sát, cuộc biểu tình phải bị kiểm soát vì nó gây ra tình trạng mất trật tự. Tuy nhiên, đối với người Palestine, đây là một sự xúc phạm.

Lực lượng an ninh Israel đã bắt giữ một người biểu tình Palestine bên ngoài cổng Damascus ở Jerusalem. Ảnh: AFP.

Hầu hết cư dân Palestine ở Đông Jerusalem không phải là công dân Israel, bởi họ cho rằng việc xin nhập quốc tịch sẽ giúp hợp pháp hóa hành vi chiếm đóng của Israel.

Nhiều người Palestine cũng cảm thấy đang dần bị đẩy ra khỏi Jerusalem. Những hạn chế về giấy phép xây dựng buộc họ phải rời khỏi thành phố hoặc xây dựng nhà ở bất hợp pháp.

Vì vậy, việc bị ngăn chặn khỏi một không gian cộng đồng quý giá đã làm gia tăng cảm giác phân biết đối xử, cảm giác mà nhiều người đã phải chịu đựng trong cả cuộc đời.

Các cuộc đụng độ tại cổng Damascus đã để lại hậu quả. Một số video được đăng trên TikTok quay lại cảnh thanh niên Palestine tấn công người Do Thái nhận được sự chú ý của công chúng.

Chính điều này dẫn đến những cuộc trả thù có tổ chức của người Do Thái.

Vào ngày 21/4, chỉ một tuần sau cuộc đột kích của cảnh sát, vài trăm thành viên của một nhóm Do Thái cực hữu Lehava đã diễu hành qua trung tâm Jerusalem. Họ tấn công những người Palestine qua đường.

Vào ngày 25/4, chính phủ Israel đã đồng ý cho phép người Palestine tụ tập bên ngoài cổng Damascus. Tuy nhiên, thời gian bị cấm tập trung cũng đủ để người Palestine rút ra mối liên hệ giữa các sự kiện ở cổng Damascus và hoàn cảnh của các gia đình tại Sheikh Jarrah.

Những người Do Thái cực hữu Lehava đối mặt với cảnh sát. Ảnh: AP.

Cuộc đột kích của cảnh sát vào nhà thờ Al Aqsa vào ngày 7/5 khiến sự việc leo thang đến đỉnh điểm. Các nhân viên cảnh sát trang bị hơi cay, lựu đạn gây choáng và đạn cao su xông vào khuôn viên nhà thờ. Cuộc đụng độ khiến hàng trăm người bị thương.

Cảnh tượng lựu đạn và hơi cay mù mịt trong một trong những địa điểm linh thiêng nhất, vào một trong những đêm linh thiêng nhất là một sự xúc phạm nặng nề đối với tất cả những người theo đạo Hồi.

Sheikh Omar al-Kisswani, một nhà lãnh đạo khác tại nhà thờ Al Aqsa, cho biết: “Nó liên quan đến việc Do Thái hóa thành phố Jerusalem và ngăn cản mọi người đến Al Aqsa".

Sáng ngày 10/5, cảnh sát lại đột kích vào nhà thờ Al Aqsa. Lần này, người Palestine tích trữ đá nhằm đề phòng đụng độ với cảnh sát và người Do Thái cực đoan.

Chỉ trong ba ngày, hình ảnh đạn cao su, lựu đạn gây choáng và hơi cay mù mịt trong khuôn viên nhà thờ đã xuất hiện hai lần trên truyền thông thế giới.

Vào phút cuối, cuộc tuần hành bị chuyển hướng do nguy cơ bạo lực tại khu vực thành phố cổ Jerusalem.

Tuy nhiên, quyết định của Israel là quá muộn. Ngay sau 18 giờ, vụ bắn tên lửa từ Gaza chính thức bắt đầu.

Tuấn Đạt

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dieu-gi-kich-no-xung-dot-israel-hamas-post1216135.html