Xung đột Israel-Palestine: Bahrain tin được giải quyết công bằng, Malaysia đưa ra 6 khuyến nghị

Trong khi Bahraine hy vọng cuộc xung đột giữa Israel và Palestine sẽ được giải quyết một cách công bằng và hợp tình hợp lý, thì Malaysia đã đưa ra 6 khuyến nghị đối với OIC trong việc giải quyết vấn đề của người Palestine.

Bộ trưởng Du lịch Bahrain Zayed Rashid Al Zayani ngày 16/5 cho biết Bahrain hy vọng cuộc xung đột giữa Israel và Palestine sẽ được giải quyết một cách công bằng và hợp tình hợp lý.

Phát biểu trên được Bộ trưởng Al Zayani đưa ra tại một hội nghị các chuyên gia du lịch khu vực và quốc tế tổ chức tại Dubai. Bộ trưởng Du lịch Israel Orit Farkash-Hacohen dự kiến tham dự hội nghị này song đã không xuất hiện vào phút cuối.

Bahrain là một trong những nước Arab đã ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel hồi năm ngoái.

Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein. (Nguồn: Bernama)

Cũng ngày 16/5, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein nêu rõ trong khi Malaysia đã mạnh mẽ và công khai yêu cầu Israel dừng ngay lập tức các hành động thù địch và tấn công Palestine, cộng đồng quốc tế không thể lựa chọn sự im lặng và lờ đi những hành động tàn bạo này của Israel.

Ông nhấn mạnh: "Thật là một sự xúc phạm khi các quốc gia khác lên tiếng về quyền tự vệ của Israel nhưng không có một lời nào về quyền tự vệ của người Palestine khi người Palestine bị tàn sát và bị chiếm đóng hơn 50 năm qua".

Phát biểu tại cuộc họp bất thường của Ủy ban điều hành Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) cấp bộ trưởng diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 16/5, Bộ trưởng Hishammuddin đã đưa ra 6 khuyến nghị đối với OIC trong việc giải quyết vấn đề của người Palestine.

Thứ nhất, Malaysia kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp (HĐBA LHQ) quốc sửa chữa thất bại và gánh vác trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và an ninh, trong đó Israel tuân thủ đầy đủ mọi nghĩa vụ theo những nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ.

Thứ hai, để đảm bảo an toàn cho người dân Palestine, OIC cần hối thúc LHQ cung cấp sự bảo vệ cấp quốc tế cho lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, phù hợp với luật nhân đạo quốc tế, đặc biệt là Công ước Geneva, để đảm bảo trách nhiệm giải trình cho tất cả các bên trong cuộc xung đột.

Thứ ba, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các thành viên OIC, nên mạnh mẽ theo đuổi tất cả các kênh luật pháp, chính trị và kinh tế để gây sức ép với Israel. Về mặt này, Malaysia gần đây đã hợp tác chặt chẽ với Indonesia và Brunei để cùng lên án các cuộc tấn công của Israel nhằm vào người Palestine.

Thứ tư, các thành viên OIC cần hối thúc xã hội dân sự trên toàn thế giới tiếp tục đấu tranh kêu gọi trách nhiệm giải trình và nêu rõ các hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, bao gồm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, tại lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.

Thứ năm, trong khi giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, cộng đồng quốc tế phải tiếp tục tìm ra một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột, bao gồm cả việc khẩn cấp khắc phục nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột và quay trở lại một tiến trình hòa bình có ý nghĩa để chấm dứt sự chiếm đóng của Israel.

Cuối cùng, Malaysia nhấn mạnh tầm quan trọng của tất cả các thành viên OIC là phải đoàn kết ủng hộ người dân Palestine vì nếu không có sự đoàn kết, cộng đồng người Hồi giáo sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Hishammuddin khẳng định hòa bình trong khu vực không thể trở thành hiện thực nếu không có Nhà nước Palestine độc lập, dựa trên đường biên giới trước năm 1967, với Đông Jerusalem là thủ đô.

Đây là giải pháp khả thi duy nhất cho cuộc xung đột Palestine-Israel. Kết thúc bài phát biểu, ông Hishammuddin nói: "Với mục tiêu này, tôi tin tưởng và vẫn thuyết phục OIC phải tiếp tục đóng vai trò trung tâm để thực hiện mọi nỗ lực tối đa có thể để bảo vệ người Palestine trước các hành động thù địch của Israel".

(theo Reuters, TTTXN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-israel-palestine-bahrain-tin-duoc-giai-quyet-cong-bang-malaysia-dua-ra-6-khuyen-nghi-145398.html