Xung đột Israel – Palestine trở lại con đường cũ

Một quỹ đạo quen thuộc đã lại tiếp nối, khi đụng độ căng thẳng liên tục gia tăng trong những ngày qua, giữa quân đội Israel với các lực lượng vũ trang Palestine tại Bờ Tây cũng như Dải Gaza...

Song song với điều đó, những đòi hỏi về việc khôi phục các cuộc hòa đàm Trung Đông - không phải theo hướng tiếp tục “tiến trình hòa bình Trung Đông mới” của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, mà theo hướng khôi phục những thỏa thuận đã được xác lập từ trước đó - cũng đã lại bùng lên.

Lửa vẫn chực chờ bùng lên

Một tháng sau khi đạt thỏa thuận ngừng bắn với tổ chức Hamas, Israel thông báo sẽ cho phép “xuất khẩu hạn chế” các mặt hàng nông sản từ Gaza. Quyết định này được công bố ngày 20-6 và chính thức có hiệu lực từ ngày 21-6. Theo Cơ quan chịu trách nhiệm về các vấn đề dân sự Palestine thuộc Bộ Quốc phòng Israel (COGAT), nông sản sẽ được phép vận chuyển ra khỏi Dải Gaza qua cửa khẩu Kerem Shalom.

Khát vọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ vẫn bừng cháy trong tâm khảm người Palestine.

Khát vọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ vẫn bừng cháy trong tâm khảm người Palestine.

Đó có vẻ là một tín hiệu đáng mừng cho hòa bình và ổn định, trong một cái nhìn lướt qua. Chỉ trong quãng thời gian ngắn ngủi mà các biện pháp hạn chế xuất khẩu bị siết lại trong thời gian diễn ra giao tranh hồi tháng trước khiến ít nhất 230 người Palestine và 12 người Israel thiệt mạng, Cơ quan Nông nghiệp Gaza ước tính các nông dân trong khu vực đã thiệt hại 16 triệu USD.

Song, thực tế, tình trạng căng thẳng vẫn còn đang tiếp diễn, cho đến tận những ngày gần đây. Ngày 18-6, đụng độ đã nổ ra giữa cảnh sát Israel và các tín đồ Hồi giáo còn khiến ít nhất 9 người Palestine bị thương. Cùng ngày, va chạm giữa lực lượng an ninh Israel và người Palestine cũng xảy ra tại thị trấn Beita ở Bờ Tây khiến 47 người bị thương.

Jerusalem, một lần nữa, trở lại với vị thế “điểm nóng” quen thuộc. Bộ Ngoại giao Jordan đã lập tức lên án các cuộc đụng độ này, cho rằng đây là những hành động không thể chấp nhận được, phá hoại sự thiêng liêng của khu vực đền thờ Al-Aqsa, cũng như an toàn và quyền tự do hành lễ của các tín đồ Hồi giáo. Còn trước đó, lực lượng Hamas và các nhóm vũ trang khác tại Gaza đưa ra cảnh báo về khả năng nối lại hoạt động tấn công tên lửa nhằm vào Israel, khi những hoạt động hành lễ bị ảnh hưởng.

Ngày 17-6, theo cáo buộc của các nguồn tin an ninh bên phía Palestine, có nhiều tiếng nổ ở khu vực phía Bắc và phía Nam Gaza sau khi các máy bay chiến đấu của Israel không kích các cơ sở quân sự của Hamas. Vụ không kích gây hư hại nghiêm trọng các cơ sở quân sự này nhưng không có báo cáo thương vong. Truyền thông Israel đưa tin: Các cuộc không kích nhằm vào các cơ sở quân sự của Hamas được tiến hành sau khi các vụ thả bóng bay gây cháy từ Gaza sang miền Nam Israel diễn ra trong 3 ngày liên tiếp.

Trung Đông đang trở lại tình trạng bế tắc.

Và đến ngày 20-6, trong cuộc hội đàm với Đặc phái viên Liên minh châu Âu (EU) về tiến trình hòa bình Trung Đông, ông Sven Koopmans, để trao đổi về tình hình xung đột Israel - Palestine, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul-Gheit cho rằng: châu Âu cần có quan điểm thống nhất và nhất quán hơn đối với vấn để các quyền của người Palestine. Theo đó, AL bày tỏ quan ngại về lập trường của một số quốc gia châu Âu đứng về phía Israel trong các cuộc không kích gần đây vào lãnh thổ Palestine, trong đó có Dải Gaza.

Tìm lại cam kết cũ

AL - tổ chức gồm 22 quốc gia Hồi giáo Arab - ủng hộ thành lập nhà nước Palestine độc lập có đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô, nghĩa là dựa trên “giải pháp hai nhà nước”, chứ không phải “giải pháp hòa bình Trung Đông mới” mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vạch ra cũng như ngành ngoại giao Mỹ đang tiến hành.

Theo AL, đó mới là giải pháp có thể kiến tạo nền hòa bình bền vững, chứ không phải phương thức tiến hành bình thường hóa quan hệ song phương giữa Israel với các quốc gia Hồi giáo Arab láng giềng một cách riêng rẽ và phớt lờ khát vọng cũng như quyền lợi chính đáng của Palestine.

Điều này được thể hiện rõ trong những phát biểu của Ngoại trưởng Ai Cập, quốc gia lãnh đạo AL - Sameh Shoukry. Ông nhấn mạnh: Cần nhanh chóng khôi phục tiến trình hòa đàm trực tiếp giữa Israel và Palestine, đồng thời khẳng định Ai Cập sẽ tiếp tục các nỗ lực duy trì lệnh ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, cũng như hỗ trợ tái thiết và phát triển Dải Gaza.

Tuy nhiên, đối với giới quan sát quốc tế, chuyện trở lại với những cam kết cũ ấy thực sự là một thách thức lớn. Cho dù chính quyền đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden tuy không bày tỏ họ sẵn sàng đảo ngược mọi chiến lược đối ngoại của người tiền nhiệm Donald Trump thì việc xoay chuyển hoàn toàn những hướng đi hoặc chặn đứng những tiến trình đang được vận hành cũng không bao giờ là điều đơn giản.

Những hành động quân sự dữ dội từ phía Israel hồi tháng trước chứng tỏ rằng Tel Aviv quả thật sẽ không ngại ngần áp dụng bất cứ biện pháp cứng rắn nào, kể cả khi bị phản đối dữ dội bởi dư luận quốc tế. Song, trên thực tế, có không ít cường quốc phương Tây vẫn thừa nhận rằng Israel có quyền hành động như thế nhằm bảo vệ các công dân của mình, sau những loạt hỏa tiễn mà phía Hamas phóng về phía họ từ Dải Gaza.

Lửa xung đột vẫn chực chờ bùng lên trên Dải Gaza.

Đã không lùi bước trên thực địa, cũng không có lý do gì và chẳng có sức mạnh nào đủ sức ép Israel nhân nhượng trên bàn đàm phán - đó là trong trường hợp họ chấp nhận thỏa hiệp để đi đến đàm phán. Hiện tại, sau khi lần lượt có 4 quốc gia đồng ý bình thường hóa quan hệ một cách riêng rẽ với Israel, qua đó tiếp cận các cơ hội hợp tác phát triển kinh tế, Israel càng lúc càng tự tin rằng sức mạnh của lợi ích đang củng cố thêm vị thế của họ.

Đến mức độ, trung tuần tháng 6-2021, Israel còn cho phép các nhóm cực hữu tổ chức tuần hành ở khu vực Đông Jerusalem - vốn được coi sẽ trở thành thủ đô tương lai của Palestine, theo “giải pháp hai nhà nước”. Không gì khác, đây là một hành động mang tính khiêu khích và hậu thuẫn lớn nhất của Israel là nước Mỹ cũng phải lên tiếng khuyến cáo, rằng cần tránh những hành động như vậy. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nêu rõ: Mỹ tin rằng điều cần thiết là phải kiềm chế các bước đi có thể khiến tình hình thêm căng thẳng.

Vấn đề là, từ đầu tháng 6, cũng theo phát ngôn của ông Ned Price: Dù bất kỳ chuyện gì xảy ra hay chính phủ nào được thành lập, Mỹ vẫn duy trì sự ủng hộ đối với Israel. Còn tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tái khẳng định rằng Washington ủng hộ quyền tự vệ của Israel, dù cũng nhắc nhở rằng an ninh là cần phải bao gồm việc xây dựng lại lòng tin với người Palestine.

Nói cách khác, với cam kết hậu thuẫn vững chắc từ phía Mỹ cũng như phương Tây, với sức mạnh vượt trội về mặt quân sự trong tương quan so sánh với các lực lượng vũ trang Palestine và với những ưu thế được tạo nên từ các vấn đề kinh tế..., Tel Aviv đủ tự tin để không còn quan tâm đến “giải pháp hai nhà nước”, như kêu gọi của AL.

Điều này là thực tế không thể thay đổi trong hiện tại. Tuy nhiên, như lịch sử vùng đất này đã và đang chứng minh, người Palestine sẽ không cam chịu mà sẽ vẫn tiếp tục chiến đấu bền bỉ vì khát vọng độc lập cũng như chủ quyền lãnh thổ của mình. Những vụ va chạm và những “cuộc chiến giàn thun” trên các đường phố hay trên Dải Gaza vẫn sẽ lại tiếp tục diễn ra, như bao nhiêu năm qua, bất chấp mọi sự chênh lệch.

Và ngọn lửa hận thù cũng theo đó mà còn âm ỉ mãi, khi những con số người thiệt mạng hay bị thương chưa bao giờ được ngừng đếm. Trung Đông đang trở lại một con đường cũ, một bối cảnh cũ - bối cảnh bế tắc và con đường không lối thoát, khi xung đột quyền lợi giữa Palestine với Israel vẫn không thể tìm nổi một điểm dung hòa.

Thiên Phong

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/xung-dot-israel-palestine-tro-lai-con-duong-cu-647279/