Xung đột Israel và Palestine: Ai 'đút túi' khoản lợi nhuận khủng, hưởng lợi bất chấp cảnh báo của Tổng thống Mỹ?

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 10/10 cảnh báo sẽ chống lại bất kỳ quốc gia hoặc tổ chức nào nghĩ đến việc 'lợi dụng' cuộc xung đột Israel và Palestine. Ông cũng đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ vững chắc cho Israel, tăng cường thiết bị quân sự bổ sung, bao gồm cả đạn dược và tên lửa đánh chặn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Nhà máy Lockheed Martin tại Troy, Alabama, nơi sản xuất tên lửa Javelin cung cấp cho Ukraine, ngày 3/5/2022. (Nguồn: AP)

“Đối với bất kỳ quốc gia nào, bất kỳ tổ chức nào, bất kỳ ai nghĩ đến việc lợi dụng tình hình, tôi chỉ có một lời: Đừng. Trái tim của chúng tôi có thể tan vỡ nhưng quyết tâm của chúng tôi rất rõ ràng”, Nhà lãnh đạo Mỹ gửi cảnh báo tới các bên khác trong khu vực không nên tìm cách “lợi dụng” cuộc chiến.

Ngay lập tức, trong ngày 10/10, chiếc máy bay đầu tiên chở đạn dược của Mỹ cung cấp cho các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza đã hạ cánh xuống Israel.

Không đề cập tình hình chính trị phức tạp, nhìn sự việc ở một góc độ khác, điều hiển nhiên, việc cung cấp viện trợ quân sự nhanh chóng này cho thấy rằng, các nhà thầu công nghiệp-quân sự của Mỹ sẽ lại được hưởng lợi nhiều nhất từ một cuộc xung đột ở Trung Đông, cũng giống như nó đang diễn ra với cuộc xung đột Nga-Ukraine và những bất ổn khác trong quá khứ.

Hãy xem diễn biến của một số cổ phiếu quốc phòng Mỹ trong tuần này. Cổ phiếu của Lockheed Martin đã tăng gần 9% vào ngày 9/10, đây là mức tăng lớn nhất đối với nhà thầu quốc phòng lớn nhất nước Mỹ kể từ tháng 3/2020. Cổ phiếu Northrop Grumman cũng có ngày giao dịch tốt nhất kể từ năm 2020.

Các nhà đầu tư vũ khí luôn là người chiến thắng trong một cuộc xung đột quân sự, với điểm nóng Israel-Palestine cũng vậy.

Tờ Globaltimes bình luận, trong khi chính quyền Tổng thống Biden cảnh báo bất kỳ nhóm nào - không được "lợi dụng" cuộc xung đột Israel-Palestine, thì nếu điểm danh nhóm có cơ hội khai thác và thu lợi từ cuộc xung đột phải có mặt tổ hợp công nghiệp-quân sự Mỹ.

Bất cứ khi nào xảy ra xung đột quân sự hay thậm chí chỉ đơn thuần là căng thẳng khu vực ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, các tay buôn vũ khí Mỹ luôn có cách biến nó thành cơ hội làm giàu.

Theo báo cáo của giới truyền thông, 5 gã khổng lồ của tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ, gồm Lockheed Martin, Boeing, Raytheon, General Dynamics và Northrop Grumman - đã thu được lợi ích nhiều nhất từ những điểm xung đột đó.

Một bài báo đăng trên tờ The Nation hồi tháng 5 cho biết, trong cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine, 5 ông lớn không chỉ bán số lượng lớn thiết bị quân sự cho Ukraine, mà còn tận dụng cơ hội để tiếp thị sản phẩm của mình sang các nước châu Âu khác. Ngoài ra, họ cũng nhận được nhiều hợp đồng và nguồn vốn hơn từ chính phủ Mỹ.

Kết quả là, năm 2022, Ukraine đã trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ ba thế giới, đứng thứ năm trong số các điểm đến xuất khẩu vũ khí chính của Mỹ, theo dữ liệu từ Statista.

Truyền thông Mỹ cũng nhiều lần đưa tin, các tổ hợp công nghiệp quân sự của nước này đang chạy hết công suất để đáp ứng các đơn hàng tới tấp từ Lầu Năm Góc và cả các nước đồng minh NATO.

Ngoài ra, hồi đầu năm, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, doanh số bán thiết bị quân sự trực tiếp của các công ty Mỹ đã tăng 48,6% lên 153,7 tỷ USD trong năm tài chính 2022 từ mức 103 tỷ USD trong năm tài chính 2021, phần lớn nhờ vào việc bán vũ khí cho Ukraine, trong bối cảnh xung đột tiếp tục leo thang.

Có hai con đường chính để chính phủ nước ngoài mua vũ khí của các nhà sản xuất vũ khí Mỹ là kênh bán hàng trực tiếp thông qua đàm phán giữa một chính phủ và một nhà thầu quân sự. Cách thứ haithông qua kênh thương vụ quân sự nước ngoài, theo đó một chính phủ đặt yêu cầu đối với quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ tại sứ quán Mỹ ở thủ đô nước này. Nhưng dù theo con đường nào cũng cần chính phủ Mỹ phê chuẩn nếu muốn triển khai.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ, các thương vụ quân sự đáng chú ý trong năm 2022, bao gồm: hợp đồng chuyển giao tiêm kích F-15ID trị giá 13,9 tỷ USD cho Indonesia; hợp đồng chuyển giao chiến hạm trị giá 6,9 tỷ USD cho Hy Lạp; thương vụ bán xe tăng M1A2 Abrams trị giá 6 tỷ USD cho Ba Lan. Trong đó, tập đoàn General Dynamics là đơn vị phụ trách sản xuất xe tăng Abrams, Boeing đảm nhận đơn hàng tiêm kích F-15, Lockheed Martin chịu trách nhiệm đóng tàu.

Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Mỹ hiện là quốc gia đứng đầu danh sách các nước sản xuất vũ khí toàn cầu, chiếm 40% thị phần trong giai đoạn 2018–2022, tăng 33% so với 5 năm trước đó. Washington hiện là nhà cung cấp vũ khí chính cho 103 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng cộng 41% xuất khẩu vũ khí của Mỹ đến Trung Đông, châu Á và châu Đại Dương chiếm 32%, 23% vào châu Âu vào khoảng 23% chủ yếu là sang các đối tác NATO của Washington.

Nga hiện đứng thứ hai với 16% thị phần xuất khẩu vũ khí thế giới. Tuy nhiên, từ sau khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine, lợi nhuận khổng lồ từ thị trường vũ khí cũng đã thúc đẩy nhiều công ty quân sự thế giới quay lại thị trường này sau nhiều năm thu hẹp quy mô. Theo đó, Pháp, Trung Quốc, Đức là các nhà thầu quân sự hàng đầu lần lượt xếp hàng sau Mỹ và Nga.

(theo Globaltimes, Reuters)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-israel-va-palestine-ai-dut-tui-khoan-loi-nhuan-khung-huong-loi-bat-chap-canh-bao-cua-tong-thong-my-245797.html