Xung đột Nga-Ukraine: Cần tỉnh táo để tránh nguy cơ leo thang chiến tranh

Học giả Mỹ - David Pyne, cho rằng Ukraine khó có cơ hội chiến thắng Nga chung cuộc bất chấp thành công quân sự gần đây của Ukraine ở Kharkov.

Nga củng cố liên minh, Ukraine dè chừng

Ngày 15/9/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổ chức hội nghị chiến lược chung tại Uzbekistan - Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Liên minh này chiếm tới hơn 42% dân số thế giới (so với chỉ 12% của NATO).

Tổng thống Putin trước đó tuyên bố hội nghị lần này sẽ có ý nghĩa đặc biệt vì thảo luận cách thức Nga và Trung Quốc có thể hỗ trợ lẫn nhau tốt hơn trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine tiếp diễn và Trung Quốc mong muốn thống nhất đảo Đài Loan về đại lục.

Vũ khí hạt nhân Nga. Ảnh: Reuters.

Vũ khí hạt nhân Nga. Ảnh: Reuters.

Hội nghị này diễn ra ngay sau khi quân đội Ukraine giành lợi thế về quân số để tái chiếm hơn 2.300 dặm vuông lãnh thổ trong cuộc phản công đẩy lùi quân Nga ra khỏi tỉnh Kharkov. Thành công quân sự này của Ukraine gần như chắc chắn sẽ kéo theo sự leo thang quân sự từ phía Nga dưới hình thức nào đó trong các tuần lễ tới đây.

Kịch bản xung đột hạt nhân "có giới hạn" và thảm họa Thế chiến III

Giới chức cấp cao của Mỹ và NATO đã cảnh báo Nga có thể dùng đến vũ khí hạt nhân chiến thuật sau các thụt lùi trên chiến trường Ukraine gần đây.

Chuẩn tướng lục quân Mỹ về hưu Kevin Ryan nhận định kịch bản dễ xảy ra nhất cho tình huống ông Putin sử dụng vũ khí hạt nhân với Ukraine là liệu ông có quyết thực hiện kế hoạch đã tuyên bố về sáp nhập một số hoặc tất cả các lãnh thổ Ukraine mà Nga vừa chiếm được, còn Ukraine đã thành công trong việc giành lại một phần đáng kể lãnh thổ.

Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, tướng Valery Zaluzhny, xác nhận khả năng trên. Ông nói: "Trong những hoàn cảnh nhất định, có một mối đe dọa trực tiếp từ việc quân đội Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Cũng không loại trừ hoàn toàn khả năng sự tham gia trực tiếp của các quốc gia hàng đầu thế giới trong một cuộc xung đột hạt nhân "có giới hạn", trong đó nguy cơ Thế chiến III có thể nhìn thấy một cách trực tiếp".

Vào ngày 21/9, Tổng thống Putin công bố một bước đi mới trong xung đột ở Ukraine - đó là ủng hộ đầy đủ các cuộc trưng cầu dân ý tổ chức ở các tỉnh Ukraine bị Nga kiểm soát (tỉnh Donetsk, Lugansk, Zaporizhia và Kherson) từ ngày 23-27/9 như màn dạo đầu cho việc chính thức sáp nhập các lãnh thổ này vào Liên bang Nga. Bên cạnh đó, lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Thế chiến II, Nga ban bố lệnh động viên một phần lực lượng, gọi nhập ngũ 300.000 quân nhân dự bị, động thái này sẽ giúp Nga có quân số ngang với Ukraine trên chiến trường này. Cuối cùng, Tổng thống Putin cảnh báo Ukraine và phương Tây rằng Nga sẽ không ngần ngại sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần thiết để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga (kể cả vùng mở rộng) trước các cuộc phản công mới của Ukraine được NATO hậu thuẫn.

Học giả David Pyne (Mỹ) cho rằng Mỹ càng giúp quân đội Ukraine đạt được các thắng lợi trên chiến trường thì càng có khả năng cao Tổng thống Putin sẽ dùng tới vũ khí hạt nhân chiến thuật để giành một chiến thắng thuyết phục trong xung đột Nga - Ukraine. Nếu các lực lượng Ukraine tiếp tục tái chiếm đáng kể các lãnh thổ Ukraine do Nga nắm giữ thì nguy cơ căng thẳng hạt nhân sẽ gia tăng.

Mỹ và phương Tây cần tỉnh táo để tránh nguy cơ hủy diệt thế giới

Theo dự báo của ông Pyne, việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân cấp chiến thuật có thể trở thành quân bài chủ để ông Putin thắng trong cuộc chiến ở Ukraine, bởi vì chính quyền Tổng thống Mỹ Biden sẽ rất ít khả năng dùng vũ khí hạt nhân để đáp trả Nga. Trên thực tế, Tổng thống Biden được cho là sẽ chủ trương hoàn toàn không dính vào một phản ứng quân sự trực tiếp chống lại Nga vì biết rằng làm vậy sẽ dẫn tới sự bùng nổ của Thế chiến III.

Thay vào đó, Tổng thống Biden có thể sẽ phản ứng bằng việc cổ xúy cho một nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lên án việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân cũng như gia tăng các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga, trong khi vẫn cố gắng giảm leo thang xung đột và làm trung gian cho việc chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.

Ông Biden cũng có thể phản ứng bằng cách gia tăng số quân Mỹ triển khai tới các nước Đông Âu thuộc NATO.

Tuy nhiên việc Nga đặt vấn đề hạt nhân với một quốc gia không có vũ khí hạt nhân như Ukraine cũng sẽ khiến một số quốc gia thành viên NATO e sợ, làm rạn nứt liên minh NATO và làm giảm sự ủng hộ dành cho Ukraine do e ngại khích động Nga tiến hành tấn công hạt nhân vào chính các nước đó. Cũng có khả năng uy tín của ông Putin sẽ lên cao với động thái cứng rắn đó và nhiều nước cộng hòa cũ thuộc Liên Xô sẽ muốn quay về với sự ảnh hưởng của Nga do lo ngại có chung số phận như Ukraine.

Các nhà lãnh đạo phương Tây cho rằng Nga đang bên bờ vực thất bại trong cuộc chiến ở Ukraine và quyền lực của ông Putin ở Nga sẽ bị đe dọa sau thắng lợi bất ngờ của Ukraine ở Kharkov. Tuy nhiên, tác giả Pyne cho rằng đánh giá như vậy là sai lầm.

Theo ông Pyne, điều cốt lõi mà các nhà lãnh đạo Mỹ cần hiểu và chấp nhận là Ukraine không có cơ hội thực sự để giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nga. Thậm chí, nếu Ukraine thành công trong việc tái chiếm tất cả lãnh thổ đã mất từ tay Nga thì ông Putin vẫn có thể triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật để đánh bại Ukraine theo học thuyết quân sự của Nga "leo thang để giảm leo thang". Ông Putin cũng có thể chính thức tuyên chiến với Ukraine và động viên đầy đủ 2 triệu quân dự bị để áp đảo lực lượng phòng thủ của Ukraine, ép buộc nước này phải đầu hàng. Viễn cảnh này sẽ thúc đẩy giới lãnh đạo Mỹ làm bất cứ điều gì cần thiết để thuyết phục Ukraine đàm phán hòa bình với Nga nhằm chấm dứt cuộc xung đột càng sớm càng tốt./.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: National Interest

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/xung-dot-nga-ukraine-can-tinh-tao-de-tranh-nguy-co-leo-thang-chien-tranh-post972956.vov