Xung đột ở Dải Gaza: Khi vị thế của Mỹ nhạt dần...

Cán quân quyền lực ở Trung Đông đã có sự thay đổi. Moscow ngày càng nỗ lực gia tăng hiện diện tại khu vực này.

Sự suy giảm vai trò của Mỹ

Các cuộc giao tranh ác liệt tiếp tục diễn ra giữa Israel và Palestine đã kéo dài 5 ngày liên tiếp, gây nhiều thương vong tại Dải Gaza. Những vụ đụng độ "ăn miếng trả miếng" giữa hai bên những ngày qua được cho là dữ dội nhất kể từ cuộc chiến năm 2014 ở Dải Gaza.

Số người thiệt mạng tại Palestine kể từ khi xung đột bùng phát đã tăng lên hơn 122 người, bao gồm rất nhiều trẻ em và phụ nữ.

Tới ngày 14/5, căng thẳng đến đỉnh điểm khi Israel - Palestine liên tục nã pháo và tên lửa lẫn nhau. Israel bị nghi đưa quân vào Dải Gaza, đẩy khu vực vào nguy cơ một cuộc chiến tranh toàn diện như Liên hợp quốc cảnh báo, mà ở đó Hamas sẽ là lực lượng chiến đấu chính từ phía Palestine.

Trước tình hình căng thẳng ở Gaza, ngày 14/5, đặc phái viên của Mỹ về Trung Đông Hadi Amr đã đến Tel Aviv và khẳng định cần nỗ lực hướng tới an ninh, ổn định của khu vực. Chính quyền Mỹ đặt mục tiêu đạt được hòa bình ở Dải Gaza nhưng nhấn mạnh Israel có quyền tự vệ. Mỹ đang tập trung giải quyết khủng hoảng giữa Israel và Hamas thông qua các biện pháp ngoại giao.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, cho đến nay, vai trò của Mỹ ở Trung Đông đã nhạt đi nhiều dù qua nhiều đời tổng thống Mỹ, Trung Đông luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong chính sách đối ngoại.

Kể từ năm 1951, Mỹ luôn có học thuyết về Trung Đông. Năm 2005, giới chức nước này đã công bố chiến lược an ninh quốc gia mới “mở rộng dân chủ trên toàn thế giới”. Theo đó, Nhà Trắng cũng xác định, lấy “xây dựng dân chủ Đại Trung Đông” - khu vực mà Washington coi là có tầm quan trọng sống còn trong chiến lược toàn cầu, là trọng tâm chính để từ đó “mở rộng dân chủ” ra toàn thế giới.

Dù có nhiều ý kiến trái chiều song không thể phủ định, Mỹ đã là thế lực chính ở khu vực Trung Đông trong mấy chục năm qua, đóng vai trò dẫn dắt và bảo vệ cho các đồng minh của mình. Sức mạnh quân sự của Mỹ đã bảo đảm an toàn cho các tuyến đường mậu dịch quan trọng và phần lớn nguồn cung dầu của thế giới.

Thế nhưng, những năm gần đây, cán quân quyền lực ở Trung Đông đã có sự thay đổi. Giới chức Mỹ nhiều lần khẳng định hướng tới hòa bình, ổn định ở khu vực, nhưng dưới thời Tổng thống Donald Trump, ông đã thực hiện nhiều bước đi gây tranh cãi.

Các tòa nhà bị phá hủy khi Israel không kích vào Dải Gaza. Ảnh: Reuters

Các tòa nhà bị phá hủy khi Israel không kích vào Dải Gaza. Ảnh: Reuters

Một trong những bước đi gây tranh cãi đó chính là việc chính quyền Trump công nhận thủ đô Jerusalem là thủ đô của Israel vào tháng 12/2017 và chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv tới Jerusalem, cũng như từ bỏ lập trường coi các khu định cư Do Thái là không phù hợp với luật pháp quốc tế, đảo ngược chính sách tồn tại nhiều thập niên của Washington về xung đột Israel-Palestine.

Cần lưu ý rằng, Jerusalem là nơi có nhiều khu vực linh thiêng của Do Thái giáo, Hồi giáo và Cơ Đốc giáo, đặc biệt là ở khu vực Đông Jerusalem. Israel chiếm khu vực trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô không bị chia cắt. Phía Palestine cho rằng Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine. Nghị quyết 181 của Liên hợp quốc đặt Jerusalem dưới sự quản lý quốc tế, không thuộc lãnh thổ Israel.

Cộng đồng quốc tế không công nhận chủ quyền của Israel trên toàn thành phố, tin rằng tình trạng của nó nên được giải quyết qua các cuộc đàm phán. Không nước nào có sứ quán ở Jerusalem. Mỹ đặt đại sứ quán tại Israel trên đường HaYarkon, Tel Aviv từ cuối những năm 1960.

Tuy nhiên, ông Trump đã phá vỡ hiện trạng này, thay đổi chính sách lâu năm của Mỹ. Động thái này dẫn đến việc chính quyền Palestine cắt đứt mọi liên hệ với Mỹ, bao gồm cả mối quan hệ an ninh với Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Một động thái khác của Mỹ dưới thời ông Trump khiến vai trò của Washington trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế càng bị nghi ngờ đó là tuyên bố Mỹ rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015 với sự tham gia của Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức), đồng thời gây sức ép tối đa đối với Tehran thông qua việc siết chặt các lệnh trừng phạt.

Động thái này dẫn tới nhiều hành động đáp trả của Tehran, đẩy nguy cơ đối đầu quân sự tại vùng Vịnh lên đến mức báo động.

Vì thế, thay vì cắt giảm lực lượng, chính quyền Mỹ điều động thêm 14.000 binh sĩ đến vùng Vịnh, gồm hơn 3.000 binh sĩ đến Saudi Arabia. Còn Iraq dường như trở thành chiến trường giữa Mỹ và Iran khi Mỹ không kích sân bay Baghdad khiến Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Qasem Soleimani thiệt mạng và Tehran trả đũa bằng việc sử dụng tên lửa tấn công vào 02 căn cứ quân sự của Mỹ tại quốc gia này.

Mặc dù một cuộc đối đầu quân sự tạm thời được loại trừ, song chính sách trừng phạt của Mỹ được đánh giá là làm lu mờ triển vọng đàm phán giữa Mỹ và Iran, bởi Tehran có quan điểm khá cứng rắn trong vấn đề này.

Vị thế của Nga tại Trung Đông được tăng cường

Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến nhận định, đồng minh của Mỹ tại Trung Đông đã và đang ngả về phía Nga khi một vài đối tác tìm kiếm những lựa chọn khác sau những diễn biến ở Syria.

Việc Nga can thiệp thành công vào Syria hồi năm 2015 là cơ sở để Moscow ngày càng nỗ lực gia tăng hiện diện tại Trung Đông.

Mặc dù không có cả mong muốn lẫn năng lực tài chính hay năng lực quân sự để thực sự thay thế Mỹ tại khu vực Trung Đông, song Nga đã tỏ ra "cao tay" trong việc tự xác định được chỗ đứng và tầm ảnh hưởng của mình ở trung tâm của các cuộc khủng hoảng và xung đột, đồng thời tự thiết lập vai trò trung gian hòa giải không thể thiếu được với cái giá phải trả tương đối thấp.

Đặc biệt, những nỗ lực của Nga để trở thành nhân tố chủ chốt trong cuộc xung đột Israel-Palestine rất đáng được ghi nhận.

Sau khi Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, quan hệ giữa Palestine và Nga đã được tăng cường đáng kể.

Còn nhớ, vào đầu năm 2018, đích thân Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã dẫn đầu một đoàn đại biểu cấp cao thăm Nga nhằm thảo luận về một định dạng đa phương mới cho các cuộc thương thuyết giữa Israel và Palestine mà Nga đóng vai trò trung tâm trong định dạng này.

Năm 2018, Nga cũng lần đầu tiên gặp gỡ trực tiếp nhóm Thánh chiến Hồi giáo của người Palestine - một lực lượng ủy nhiệm của Iran từng bị Nga coi là tổ chức khủng bố. Các cuộc liên lạc trực tiếp với phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine - lực lượng Nga không bao giờ coi là một tổ chức khủng bố - cũng gia tăng, đỉnh điểm là cuộc gặp cấp cao của nội bộ người Palestine có sự tham dự của tất cả các phe nhóm tại Dải Gaza và khu Bờ Tây, bao gồm chính quyền Palestine, vào tháng 2/2019.

Mặc dù Nga đã thất bại trong việc buộc Hamas và Thánh chiến Hồi giáo ký “Tuyên bố Moscow” do Nga khởi xướng, nhằm phản bác các tuyên bố của Mỹ, song việc tham vấn gần gũi với tất cả các phe nhóm người Palestine vẫn được duy trì với việc Nga thúc ép các tổ chức này hợp nhất lại theo một chương trình chính trị của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).

Mặc dù mục tiêu trên có vẻ bất khả thi, song tháng 7/2020, Nga đã cố gắng gọi điện thuyết phục ông Jibril Rajoub, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương của phong trào Fatah, nhằm tổ chức một hội nghị trực tuyến chung với Hamas để ra mắt một mặt trận thống nhất.

Kể từ cuối tháng 8/2020, Nga đã tiến hành tham vấn hầu như hằng ngày với các lãnh đạo cấp cao người Palestine của một số phe nhóm chính, đặc biệt là cuộc họp trực tuyến hôm 3/9 giữa 14 phe nhóm chủ chốt. Cả trước và đặc biệt là kể từ sau cuộc họp này, Nga liên tục thúc đẩy để tất cả các phe phái tham dự một hội nghị cấp cao khác của người Palestine tại Moscow nhằm giúp thúc đẩy các nỗ lực hợp nhất sớm đạt được kết quả.

Với vai trò trung tâm của Nga trong cuộc xung đột Israel-Palestine, ít ra thì các phe phái cũng đã đoàn kết lại với nhau.

Tháng 7/2020, một quan chức cấp cao của Hamas là ông Moussa Abu Marzuk đã tuyên bố chỉ có Nga mới có thể giúp người Palestine chống lại Mỹ, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Palestine Riyad al-Maliki phát biểu hồi tháng 6/2020 rằng: “Chúng tôi tin tưởng Tổng thống Vladimir Putin… Palestine sẵng sàng đối thoại với Israel thông qua hình thức hội nghị trực tuyến và dưới sự bảo trợ của Nga”.

Trở lại cuộc xung đột tại Dải Gaza trong những ngày qua, Nga đã tích cực kêu gọi đôi bên bình tĩnh với những phát biểu cân bằng nhất có thể.

Ngày 12/5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi một cuộc họp khẩn của nhóm Bộ Tứ, gồm Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu và Liên Hợp Quốc để bàn giải pháp cho những căng thẳng leo thang gần đây giữa Israel và Palestine. Ông đồng thời nhấn mạnh tất cả đều tin tưởng vào vai trò điều phối của Tổng thư ký Liên hợp quốc.

Đối với Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã tìm cách tái cân bằng chính sách của Mỹ đối với Israel và Palestine sau khi ông Trump đứng về phía Thủ tướng Israel Netanyahu trên mọi mặt trận. Nhưng việc này không đơn giản, nhất là khi vai trò của Washington ở dải đất này không còn như trước.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/xung-dot-o-dai-gaza-khi-vi-the-cua-my-nhat-dan-3432223/