Xung đột Syria khai cuộc Hội nghị thượng đỉnh G20

Xung đột Syria "bao trùm" Hội nghị G20

Xung đột Syria "bao trùm" Hội nghị G20

RIA Novosti đưa tin, phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Cung điện Constantine ở ngoại ô St Petersburg, Tổng thống Vladimir Putin đề nghị thảo luận về Syria trong bữa ăn tối 5/9 để không làm phân tán chương trình nghị sự đã được chuẩn bị trước.

Lợi thế tạm nghiêng về ông Putin khi đồng thời Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đều cảnh báo nguy cơ của hành động quân sự đối với Syria mà không được Hội đồng Bảo an thông qua.

Giáo hoàng Francis cũng đã trực tiếp gửi thư đến chủ tịch G20 phản đối mạnh mẽ cuộc "thảm sát vô nghĩa" này.

Chủ tịch G20 V.Putin đón tiếp Tổng thống Mỹ tại St. Petesburg

Cũng trong ngày đầu Hội nghị, các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) đồng thời cảnh báo một sự tác động tiêu cực đến kinh tế nếu cuộc chiến được ví như Thế chiến 3 này xảy ra.

“Hành động quân sự sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thế giới, đặc biệt là giá dầu sẽ tăng vọt” – Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao nhấn mạnh.

Trước đó 1 ngày, ông Putin lên tiếng cảnh báo về một cuộc "xâm lược" không thể chấp nhận được tại Syria của các nước phương Tây nếu không có được cái gật đầu của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, chủ nhân điện Kremlin cũng cho hay, ông hoàn toàn ủng hộ nếu các bằng chứng đưa ra cho thấy có "phi vụ" vũ khí hóa học tại Damascus ngày 21/8.

Tổng thống Nga đồng thời kêu gọi Mỹ trình Liên Hợp Quốc những bằng chứng đang được cả thế giới trông chờ này. Nga đã tạm ngưng chuyển giao cho Syria các bộ phận của hệ thống tên lửa phòng không S-300, tuy nhiên diến biến có thể xoay chiều nếu phương Tây “vi phạm các nguyên tắc quốc tế.”.

Cái bắt tay, nụ cười xã giao giữa 2 nhà lãnh đạo

Obama "một mình một ngựa"

Anh khẳng định không xem xét lại kết quả bỏ phiếu cho sự can thiệp quân sự tại Syria, Thủ tướng David Cameron "thuận theo ý nguyện của người dân Anh", thêm lần nữa đặt Mỹ vào một cuộc tìm kiếm đồng minh hậu thuẫn quân sự.

Một ngày trước Hội nghị thượng đỉnh G20, với kết quả 10 phiếu thuận và 7 phiếu chống, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn một kế hoạch đề nghị các cuộc tấn công có giới hạn nhưng loại trừ việc sử dụng bộ binh.

Dự luật này sẽ được đưa ra toàn thể Thượng viện vào tuần tới và phải được thông qua ở đó, cũng như ở Hạ viện, nơi dự luật có thể vấp phải sự phản đối gay gắt của các nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng hòa.

Tổng thống Obama hiện cũng chưa nhận được sự tán thành của người dân nước này. Theo một cuộc khảo sát của báo Washington Post và hãng tin tức ABC cho thấy 59% người Mỹ phản đối các vụ tấn công bằng tên lửa của Mỹ nhắm vào Syria so với 36% người ủng hộ.

Một cuộc thăm dò khác của Trung tâm Nghiên cứu Pew, con số này lần lượt là 48% và 29%.

Các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công đang bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Damascus ngày 21/8 vừa qua

Một diễn biến có liên quan, tại Thụy Điển, ông Obama khẳng định sự rủi ro lên cao trong vấn đề vũ khí hóa học.

“Uy tín của cộng đồng quốc tế sẽ bị lâm nguy. Và uy tín của nước Mỹ cũng vậy bởi vì chúng ta sẽ chỉ nói mà không hành động gì…”, người đứng đầu Nhà Trắng quyết liệt tuyên bố.

Theo ông Obama, sự chần chừ của một số nước phương Tây hiện nay chủ yếu là do những bằng chứng xác thực trong vụ việc ngày 21/8 vẫn đang trong vòng "úp mở". Trước đó, cũng bởi những tố giác không chính xác về vũ khí hóa học, khủng hoảng kéo dài đã diễn ra tại Iraq.

Vẫn có 34 nước "gật đầu" với ông Obama

Đây là con số được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đưa ra trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ hôm 4/9, xung quanh cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Damacus ngày 21/8 vừa qua.

Theo đó, Mỹ đã tiếp cận hơn 100 nước, trong đó 34 nước cam kết ủng hộ kế hoạch tấn công Syria bằng cách này hoặc cách khác. Ông Kerry nói thêm rằng các nước Ả Rập đã đề nghị trang trải chi phí cho chiến dịch quân sự lật đổ chế độ Assad nếu Mỹ đi đầu trong chiến dịch này.

Trong khi đó, một tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết việc bảo vệ các kho vũ khí hạt nhân và cơ sở sản xuất chúng ở Syria có thể đòi hỏi Mỹ phái hơn 75.000 quân đến nước này.

Ước tính trên được đưa ra trong một báo cáo về những giải pháp quân sự để xử lý cuộc khủng hoảng Syria mà Bộ Quốc phòng Mỹ chuẩn bị cho Tổng thống Barack Obama hồi đầu năm 2012.

T.H (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/xung-dot-syria-khai-cuoc-hoi-nghi-thuong-dinh-g20-2354192/