Xung đột tại Nagorno - Karabakh: Armenia cáo buộc Azerbaijan tấn công nhà thờ; Nga nỗ lực thương thảo hai bên

Bộ Ngoại giao Armenia ngày 8/10 đã lên án các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào một nhà thờ ở thành phố Shusha của Nagorno-Karabakh trong bối cảnh nước này và Azerbaijan tiếp tục xung đột vũ trang.

Quang cảnh nhà thờ ở thành phố Shusha của Nagorno-Karabakh bị hư hại. (Nguồn: AFP)

Quang cảnh nhà thờ ở thành phố Shusha của Nagorno-Karabakh bị hư hại. (Nguồn: AFP)

Trước đó cùng ngày, một số cuộc tấn công bằng UAV đã làm hư hại nhà thờ Ghazanchetsots, nhà thờ chính của thành phố trên, vốn có lịch sử từ thế kỷ 19.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan tuyên bố lực lượng của họ không nhằm vào các tòa nhà lịch sử, văn hóa hoặc tôn giáo. Theo nhân vật bảo vệ nhân quyền của Cộng hòa Nagorny-Karabakh tự xưng, Artak Begessionan, ba nhà báo đã bị thương do một trong các vụ tấn công này.

Bộ Ngoại giao Armenia viết trên tweet: "Lực lượng vũ trang Azerbaijan đã không kích vào kiệt tác kiến trúc của Armenia - Nhà thờ Chúa Cứu thế Ghazanchetsots nằm ở thủ đô văn hóa Shushi của Artsakh. Hành động này hoàn toàn phù hợp với chính sách chống Armenia được phát triển trong nhiều thập kỷ".

Cùng ngày, các hãng thông tấn Nga đưa tin Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã điện đàm với người đồng cấp Azerbaijan Ali Asadov.

Trong cuộc điện đàm diễn ra ngày 8/10, Thủ tướng Mishustin đã nhấn mạnh với ông Asadov tầm quan trọng của việc khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình và thiết lập một lệnh ngừng bắn.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga thông báo họ đang thương thảo với Azerbaijan và Armenia để tổ chức một hội nghị tại Moskva giữa Nga và Ngoại trưởng của hai nước này.

Những nỗ lực ngoại giao của Nga diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia bắt đầu nổ ra từ ngày 27/9 làm dấy lên mối lo ngại về an ninh cho các đường ống trung chuyển khí đốt và dầu vào châu Âu qua lãnh thổ Azerbaijan.

Cùng ngày 8/10, Bộ Ngoại giao Azerbaijan đã triệu hồi đại sứ tại Hy Lạp về nước.

Trong thông báo của mình, Bộ trên nêu rõ nước này quan tâm tới thông tin từ các nguồn tin công khai của Bộ Ngoại giao Hy Lạp về việc các công dân Armenia từ nước ngoài, trong đó có cả đến từ Hy Lạp, tới "các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Azerbaijan" để tham gia vào các hoạt động quân sự. Tuy nhiên, Armenia đã bác bỏ cáo buộc trên của Azerbaijan.

Trước đó, ngày 7/10, Hy Lạp cũng đã triệu hồi đại sứ tại Azerbaijan về nước sau khi tuyên bố những cáo buộc của Azerbaijan cho rằng Hy Lạp đang dung túng cho các phần tử Armenia trên lãnh thổ nước này là "vô căn cứ và mang tính công kích".

Cùng ngày, chính quyền tại Nagorny-Karabakh tuyên bố, vùng lãnh thổ này bác tin về kế hoạch ngừng bắn bắt đầu từ ngày 8/10.

Khu vực Nagorny - Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia.

Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng.

Căng thẳng tái bùng phát từ sáng 27/9 vừa qua sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên.

Hiện giao tranh vẫn diễn ra ác liệt, bất chấp áp lực ngày càng tăng của lực lượng quốc tế.

(Theo Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-tai-nagorno-karabakh-armenia-cao-buoc-azerbaijan-tan-cong-nha-tho-nga-no-luc-thuong-thao-hai-ben-125759.html