Xung quanh công trình kiến trúc Dinh Thượng Thơ: 'Xóa sổ' hay bảo tồn ?

VH- Những ngày qua, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và người dân dành nhiều sự quan tâm đến việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng trụ sở UBND và HĐND TP.HCM. Theo phương án thiết kế đang trưng bày để lấy kiến cộng đồng, khối nhà hiện là trụ sở của Sở TT&TT và Sở Công thương TP.HCM (người dân quen gọi là Dinh Thượng Thơ), công trình kiến trúc cổ hơn 150 tuổi này sẽ bị đập bỏ để nhường chỗ cho công trình mới.

Đặc biệt, sau thông tin của ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM cho rằng, công trình Dinh Thượng Thơ không nằm trong danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn thành phố nên không được bảo tồn nguyên trạng khiến dư luận càng đặc biệt quan tâm trước nguy cơ “xóa sổ” công trình mang đậm dấu ấn, hồn cốt của Sài Gòn xưa.

Trao đổi với Văn Hóa, ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích (Sở VHTT TP.HCM) cho biết, lý do công trình Dinh Thượng Thơ chưa đưa vào danh mục kiểm kê di tích là vì theo Luật Di sản văn hóa, để đưa một công trình vào danh mục kiểm kê di sản văn hóa thì phải có đơn đồng ý của đơn vị chủ quản công trình đó. Và đó phải là những công trình có giá trị tiêu biểu và còn giữ được nguyên vẹn yếu tố gốc. Với thực trạng của Dinh Thượng Thơ hiện nay, nếu đánh giá về giá trị của di tích thì công trình hiện hữu chưa thỏa đáng các yếu tố cũng như chưa đảm bảo được các tiêu chí, do bên trong đã xuống cấp. Nhiều yếu tố gốc đã thay đổi, muốn phục hồi rất phức tạp.

Tuy nhiên, ông Quân cũng khẳng định, trong trường hợp đặc biệt, đơn vị chủ quản nhận thấy công trình này xứng đáng được công nhận là di tích thì vẫn có thể làm đơn gửi về Sở VHTT để lập hồ sơ đưa ra Hội đồng xét công nhận di tích, chứ không cần thiết công trình đó có nằm trong danh mục kiểm kê di sản hay không. Trên địa bàn TP.HCM đã có bốn đến năm công trình được công nhận xếp hạng di tích theo dạng này. Tiêu biểu như di tích khảo cổ học cấp quốc gia Lò gốm cổ Hưng Lợi và một số di tích khác, qua đó kịp thời bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa.

Công trình kiến trúc cổ Dinh Thượng Thơ hơn 150 tuổi có nguy cơ bị "xóa sổ"

Ông Quân nhấn mạnh, đánh giá chung thì công trình Dinh Thượng Thơ vẫn còn giá trị kiến trúc bên ngoài, nên cần được bảo tồn về cảnh quan. Và TP.HCM có riêng Chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trong khu trung tâm thành phố hiện nay (930 ha), bao gồm các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa – lịch sử dự kiến nghiên cứu bảo tồn. Theo Chương trình này, những công trình không phải di tích và kiểm kê di tích, nhưng có giá trị về cảnh quan thì vẫn được bảo tồn. Nội dung này do Sở Quy hoạch và Kiến trúc cùng nhiều đơn vị phối hợp thực hiện. Trao đổi với Văn Hóa, đại diện của Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM cho biết, trước đây Dinh Thượng Thơ nằm trong danh sách vị trí các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa – lịch sử dự kiến nghiên cứu bảo tồn cảnh quan. Còn việc nghiên cứu tới đâu thì không nắm rõ.

Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM cho rằng, ai cũng biết công trình kiến trúc Dinh Thượng Thơ đã trên 100 tuổi, ở đấy chứa đựng nhiều dấu hiệu của một di sản. Theo Luật Di sản văn hóa, khi xây dựng dự án mà đụng đến một công trình có dấu hiệu là di sản thì buộc phải tạm dừng, hỏi ý kiến của cơ quan quản lý về di sản. Việc TP.HCM đang lấy ý kiến cộng đồng, các nhà khoa học, và sự lên tiếng của dư luận vừa qua là tín hiệu tốt, cho thấy vấn đề bảo tồn di sản đang được cả xã hội quan tâm. Theo bà Cẩm, không nên can thiệp thô bạo vào Dinh Thượng Thơ để rồi phải nuối tiếc như một số công trình kiến trúc cổ trước đây đã bị tháo dỡ, nhường chỗ cho những tòa nhà cao tầng, phá nát cảnh quan kiến trúc đô thị.

Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Khương Văn Mười nhìn nhận, TP.HCM cần có thêm đánh giá để có giải pháp bảo tồn, nếu giữ được thì càng tốt. Nhưng đồng thời nên có giải pháp phát huy giá trị của trụ sở UBND hiện hữu, tạo thuận lợi cho du khách được tham quan giá trị kiến trúc độc đáo của công trình này. Bởi hiện nay, trụ sở là nơi làm việc của chính quyền nên du khách cũng như công chúng không dễ vào trong tham quan. Phần lớn du khách, nhất là du khách quốc tế đến TP.HCM hiện nay tìm đến tham quan tòa nhà kiến trúc Bưu điện là chủ yếu.

Công trình Dinh Thượng Thơ được người Pháp xây dựng vào những năm 1860, gồm một dãy nhà chính giữa hướng ra đường Lý Tự Trọng (quận 1) nối với hai dãy nhà hai bên tạo nên cấu trúc hình chữ U ôm lấy khoảng sân thông thoáng ở giữa được xây theo kiến trúc thuộc địa Pháp.

Nếu tôi không nhầm thì công trình kiến trúc Dinh Thượng Thơ mà nay là trụ sở của Sở TT&TT TP.HCM có tuổi đời đứng thứ hai ở thành phố này. Trong con mắt của nhà chuyên môn và giới nghiên cứu, công trình Dinh Thượng Thơ rất có giá trị không chỉ về mặt kiến trúc, cảnh quan mà ở đó còn có giá trị về lịch sử, văn hóa. Bởi vậy chính quyền và các cơ quan chức năng cần có những giải pháp ứng xử phù hợp, hài hòa để kéo dài tuổi thọ công trình này. Nếu nói rằng, đây không phải là di tích và cũng chưa được kiểm kê di tích nên có thể phá bỏ để xây dựng công trình mới thì dễ quá, chẳng có gì để bàn nữa. Ký ức đô thị cần phải có những công trình kiến trúc như Dinh Thượng Thơ. Đập bỏ nó sẽ góp phần làm phai nhạt dần di sản ký ức đô thị.

(PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam)

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Cần tìm giải pháp bảo tồn chứ không phải là đập bỏ

Cuối giờ chiều qua, trao đổi với chúng tôi, nhà sử học Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho biết:

“Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang phát triển. Và càng phát triển bao nhiêu thì càng phải chứng minh mình có một bề dày lịch sử, văn hóa. Thế nhưng đáng tiếc là trong nhiều năm qua, những giá trị kiến trúc cứ phai nhạt dần. Công trình Dinh Thượng Thơ có giá trị về mặt kiến trúc và cả lịch sử , văn hóa. Nó đã tồn tại trong suốt một chiều dài lịch sử. Vậy tại sao trước kia không phá bỏ đi mà nay lại có chủ trương đó? Trước đây giữ được sao bây giờ lại không? Trong khi đó chúng ta có nhiều kiến trúc sư giỏi và họ có thể đề xuất được nhiều giải pháp tốt để giữ gìn công trình. Nhiều người nói rằng, trùng tu công trình này còn tốn kém hơn là xây dựng mới. Tôi cho rằng không hẳn như vậy.

Quan điểm của tôi là cần phải tìm giải pháp bảo tồn một cách thích hợp và hài hòa chứ không nên đập bỏ một cách dễ dàng như đề xuất. Qua sự việc này cá nhân tôi cũng đã có thư gửi cho Bí thư Thành ủy TP.HCM để bày tỏ ý kiến riêng của mình”.

LÂM SƠN (ghi)

Hoàng Hải

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/xung-quanh-c244ng-tr236nh-ki%E1%BA%BFn-tr250c-dinh-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-th%C6%A1160x243a-s%E1%BB%95-hay-b%E1%BA%A3o-t%E1%BB%93n