Xung quanh thỏa thuận về tương lai mối quan hệ EU và Anh

Một bước tiến mới nhằm tiến tới thỏa thuận ly dị giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã được mở ra với sự chấp thuận của cả hai bên đối với tuyên bố về 'Quan hệ tương lai'.

Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: TTXVN phát

Với 26 trang, bản tuyên bố chính trị đã xác định một khung khuôn khổ cho mối quan hệ tương lai giữa EU và Anh, nhưng khác với 585 trang của “dự thảo ly dị”, tuyên bố này không mang tính ràng buộc pháp lý.

Tuyên bố chính trị là phác thảo của những đường hướng chính cho các cuộc đàm phán tương lai về thương mại cũng như trong hợp tác quốc phòng, cảnh sát và tư pháp, sẽ phải được bắt đầu ngay sau khi nước Anh chính thức rời EU vào ngày 29/3/2019.

Về lý thuyết, các cuộc đàm phán sẽ giúp hai bên đi đến ký kết một thỏa thuận thương mại trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp – tức khoảng thời gian Anh và EU vẫn giữ hiện trạng quan hệ thương mại- dự kiến kết thúc ngày 31/12/2020 nhưng cũng có thể được gia hạn thêm hai năm, cho đến trước cuộc bầu cử lập pháp ở Anh dự kiến vào tháng 6/2022.

Văn bản lần này chỉ dừng ở việc đưa ra “các tham số cho mối quan hệ đối tác đầy tham vọng, rộng lớn và linh hoạt" mà Brussels và London mong muốn đạt được, song nó không thỏa mãn hoàn toàn yêu cầu của Thủ tướng Anh về các mối quan hệ thương mại "không va chạm".

Người châu Âu kiên quyết từ chối cách tiếp cận của Thủ tướng Anh - bị đánh giá là không dựa trên các quy tắc hoạt động của thị trường nội khối: khi rời thị trường chung, như bà May đã hứa, Anh sẽ phải hạn chế việc kiểm soát trở lại đối với luồng hàng hóa và dịch vụ.

Và khi không còn là thành viên của EU, Anh sẽ phải tôn trọng tính toàn vẹn của thị trường đơn nhất châu Âu, liên minh thuế quan cũng như sự không thể phân tách của bốn quyền tự do lưu thông về hàng hóa, vốn, dịch vụ và lao động.

Với việc dự kiến xây dựng và cải thiện các mối quan hệ trong tương lai, khái niệm "khu vực hải quan duy nhất" tạm thời được quy định trong “Thỏa thuận ly dị” cho đến khi giải quyết được vấn đề Ireland. Giải pháp chuyển tiếp này – tiếp tục duy trì một liên minh thuế quan - có thể được kéo dài, đã gây thất vọng cho những người ủng hộ Brexit cứng vốn lên án mọi giải pháp duy trì Anh trong lòng EU.

Mặt khác, mối quan hệ trong tương lai sẽ phải "đảm bảo chủ quyền của Vương quốc Anh cũng như bảo vệ thị trường nội địa của họ trong khi vẫn tôn trọng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý năm 2016". Việc đề cập rõ ràng một "chính sách thương mại độc lập" và "sự kết thúc tự do đi lại của các công dân giữa EU và Anh" giúp bà May khẳng định với cử tri Anh rằng kết quả cuộc bỏ phiếu ủng hộ Brexit được tôn trọng, đặc biệt là kết thúc việc nhập cảnh tự do của công dân châu Âu vào Anh.

Còn khái niệm "chính sách thương mại độc lập" cho thấy viễn cảnh về một hiệp định thương mại chỉ ở mức hạn chế, nhiều khả năng sẽ chỉ là thỏa thuận thiên về tự do trao đổi hàng hóa, một mô típ tương tự thỏa thuận giữa EU và Canada, và điều này có thể làm hài lòng những người ủng hộ Brexit “cứng”.

Giữa việc duy trì một "khu vực hải quan duy nhất" và một thỏa thuận theo "phong cách Canada", các triển vọng cho tương lai là tương đối mở và nhiều người vẫn có thể cảm thấy nguyện vọng của mình được thỏa mãn bên cạnh những lựa chọn chính yếu.

Cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Nghị viện Anh ngày 11/12 được dự kiến là sẽ vô cùng bấp bênh. Dự thảo về “mối quan hệ tương lai” nhấn mạnh quyết tâm của các bên nhằm thay thế “lưới an ninh” trong vấn đề Ireland, tức là Anh sẽ không tiếp tục ở trong liên minh thuế quan – điều mà những người ủng hộ một Brexit cứng vẫn công kích.

Cùng với đó, văn bản lần này đề xuất sử dụng "tất cả các thiết bị ưu việt và công nghệ" để giảm nhẹ hoạt động kiểm soát hải quan. Nhằm xoa dịu những người ủng hộ Brexit cứng, vốn khăng khăng rằng vấn đề biên giới Ireland có thể được giải quyết với các giải pháp về công nghệ, một số nội dung cụ thể đã được lồng ghép trong phần dành cho Ireland.

Những người bài xích châu Âu không mấy hài lòng với những cam kết của London tiếp tục tôn trọng các Công ước châu Âu về nhân quyền hay thừa nhận vai trò của Tòa công lý châu Âu trong giải quyết các tranh chấp vi phạm các quy định của EU.

Ngay cả khi văn bản về "các mối quan hệ trong tương lai" này vẫn còn gây chia rẽ đâu đó trong EU, một thỏa thuận cuối cùng có vẻ đã nằm trong tầm tay. Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong vài ngày qua đã nêu những quan ngại của họ về một vấn đề rất nhạy cảm là đánh bắt cá.

Ban đầu, các nước trên hy vọng ra điều kiện cho một thỏa thuận thương mại tự do tương lai với Anh để ngư dân châu Âu được quyền tiếp cận ngư trường dồi dào cá của Anh. Cuối cùng, điều kiện này đã không xuất hiện trong Thỏa thuận ly dị cũng như trong Tuyên bố chính trị. Tuyên bố chỉ đơn thuần nói rằng Anh và 27 nước sẽ "sẽ làm hết sức mình" để tìm một thỏa thuận về quyền tiếp cận các ngư trường và hạn ngạch đánh bắt từ nay đến 1/7/2020.

Châu Âu cũng lo ngại về việc thiếu các biện pháp tự vệ để chống bán phá giá. Trong khuôn khổ biện pháp mang tên "lưới an ninh" của Ireland được đưa ra trong thỏa thuận ly dị, Anh vẫn tham gia vào liên minh thuế quan và điều này cho phép các sản phẩm của Anh lưu thông tương đối tự do trong EU đồng thời bảo lưu các điều khoản không được dưới chuẩn EU trong các lĩnh vực như môi trường, thuế hay luật lao động.

Brussels lo ngại rằng người Anh có thể ồ ạt tận dụng điều này để tăng cường cạnh tranh với lục địa. Những mối quan tâm này cũng nhiều khả năng sẽ được đề cập đến trong một tuyên bố riêng của 27 nước./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/xung-quanh-thoa-thuan-ve-tuong-lai-moi-quan-he-eu-va-anh/104312.html