Xung quanh việc đăng kiểm tàu tại Đắk Lắk, Đắk Nông: Tàu cũ, rách, mục vẫn được cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật

Nhóm Phóng viên TTXVN tại Đắk Lắk và Đắk Nông đã vào cuộc tìm hiểu và phản ánh thực trạng xuống cấp, cũ nát, hư hỏng, không đảm bảo an toàn khi lưu thông của các tàu vừa được chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường thủy nội địa (còn gọi là cấp chứng nhận đăng kiểm).

Trong vai người đi tìm mua tàu cũ để tiến hành khai thác cát tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi được một “lái” tàu dày dạn kinh nghiệm đưa đi tham quan 2 bến tàu lớn nhất tỉnh Đắk Lắk là bến tàu thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na, huyện Krông Ana và bến tàu cầu Giang Sơn, xã Yang Réh, huyện Krông Bông. Đây cũng là 2 trung tâm khai thác, buôn bán cát xây dựng có quy mô lớn nhất tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Rút ngắn tuổi, tàu cũ thành tàu mới

Tàu Đoàn Kết 6 vừa được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm vào tháng 1/2020. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN

Tàu Đoàn Kết 6 vừa được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm vào tháng 1/2020. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN

Theo người dẫn đường, rút ngắn tuổi tàu là cách nhanh nhất để có tàu khai thác cát đúng quy định của ngành chức năng (có đầy đủ giấy tờ đăng kiểm, đăng ký) mà không phải tốn nhiều thời gian, chi phí. Bởi nếu muốn đóng mới tàu và tiến hành đầy đủ các thủ tục đăng kiểm, đăng ký thì tối thiểu phải mất 6 tháng và chi phí ít nhất cũng khoảng 1,5 tỷ đồng.

Tại bến tàu của Hợp tác xã Đoàn Kết (xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk), sau khi trình bày mục đích tìm mua tàu, chúng tôi được anh Huyên, người nhận là chủ tàu Đoàn Kết 6 ra giá 470 triệu đồng. Theo lời giới thiệu của anh Huyên, tàu Đoàn Kết 6 vừa hoàn thành các thủ tục đăng kiểm và được cấp chứng nhận tàu hút (chỉ hút và chở cát). Nếu chúng tôi mua về thì chỉ việc khai thác, vì tất cả các giấy tờ, thủ tục đã xong hết.

Sau khi được sự đồng ý của anh Huyên, chúng tôi xuống kiểm tra thực tế tàu Đoàn Kết 6. Đây là con tàu cũ, vừa được sơn lại màu nâu đất. Nhiều chi tiết trên thân, boong, mũi tàu được hàn, sơn chắp nối. Thân và mũi tàu bị móp méo, trầy xước khá nhiều do va chạm trong quá trình di chuyển, hoạt động khai thác cát.

Bên trong tàu, nhiều chi tiết khung thép, vỏ tàu đã cũ kỹ, rỉ sét, thậm chí thủng, mục. Những chi tiết mới nhất trên thân tàu là thước nước, chỉ dấu định mạn khô, tên tàu… và một số chi tiết phục vụ việc đăng kiểm. Các tàu neo đậu kế bên như Đoàn Kết 5, Đoàn Kết 8 cũng có những dấu hiệu tương tự.

Thêm nữa, hầu hết các tàu đều không còn các trang bị về đèn chiếu sáng, còi, thiết bị phòng cháy chữa cháy, thiết bị cảnh báo lưu thông, phao cứu sinh... Trong khi đây đều là các quy định bắt buộc và các tàu này đều mới chỉ được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm vào tháng 1/2020.

Thấy chúng tôi ngần ngại về chất lượng tàu, anh Huyên thừa nhận tàu đóng đã lâu, khoảng năm 2011 - 2012. Tuy nhiên, anh Huyên khẳng định tàu rất chắc chắn, do “người nhà” đóng nên khung, thép đều chắc, vững. Thêm nữa, các chi tiết cũ kỹ, xuống cấp sau một thời gian sử dụng đều đã được thay mới, đặt biệt là đáy tàu. Tàu chở được khoảng 40 m3 cát. Toàn bộ giàn phóng đều vừa được lắp mới, chủ yếu để phục vụ đăng kiểm chứ chưa sử dụng. Cũng theo anh Huyên, chỉ riêng chi phí cho việc đăng ký, đăng kiểm tàu đã gần 150 triệu đồng (bao gồm bản vẽ thiết kế, các loại chi phí theo quy định và tiền “hỗ trợ”…).

Viện lý do cần tham khảo, chúng tôi xin số điện thoại anh Huyên và hứa sẽ liên hệ lại sau khi đã thống nhất mọi việc.

Theo thông tin chính thức từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, đơn vị chủ tàu Đoàn Kết 6 là Hợp tác xã Khai thác cát Đoàn Kết, địa chỉ tại thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Giấy chứng nhận đăng kiểm tàu mang số hiệu 01237/19V79, được cấp vào ngày 10/01/2020. Công dụng tàu là tàu hút (chỉ hút và chở cát). Năm đóng/hoán cải là 2015. Đơn vị cấp là Chi cục Đăng kiểm số 5.

Cho “nợ” tiêu chí đăng kiểm?

Nhiều vị trí trên thân tàu Nam Sơn 04 được trám bằng… túi nilon. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN

Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến bãi tập kết tàu hút cát gần cầu Giang Sơn, xã Yang Réh, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Tại đây, chúng tôi gặp bà Thành, chủ một tàu khai thác cát. Sau khi nghe mục đích tìm mua tàu, bà Thành ngỏ ý bán cho chúng tôi con tàu mang số hiệu Nam Sơn 04 với giá 300 triệu đồng.

Bà Thành giới thiệu tàu đóng vào năm 2009 nhưng đã thay xương (ý nói khung tàu) và tôn. Đây là tàu chở cát (không có chức năng khai thác), có công suất khoảng 50 m3. Bà khẳng định mọi giấy tờ đăng ký, đăng kiểm đều đã hoàn thành đầy đủ, mua về chỉ việc sử dụng.

Thấy chúng tôi lo lắng về chi phí, thủ tục đăng kiểm, bà Thành khẳng định: "Chỉ đăng kiểm lần đầu là tốn nhiều (hơn 100 triệu đồng). Còn hàng năm đăng kiểm định kỳ, có điều “đầu xuôi đuôi lọt”, có hồ sơ rồi, không phải lo gì cả".

Được sự đồng ý của bà Thành, chúng tôi xuống kiểm tra thực tế tàu Nam Sơn 04. Ông Chín, người nhận mình có 1/3 cổ phần trong con tàu này giới thiệu tàu có chiều dài 24,5 mét. Ông thừa nhận tàu cũ, “đóng được 11 - 12 năm rồi” nhưng “chất lượng rất tốt”. Tương tự như tàu Đoàn Kết 6, tàu Nam Sơn 04 cũng cũ kỹ và vừa được sơn lại màu nâu đất. Bên trên boong tàu, thân tàu là nhiều vết móp méo, trầy xước sau một thời gian dài sử dụng.

Đáng chú ý hơn, hai bên hông tàu rất cũ, thậm chí bị thủng, rách, nứt tại nhiều vị trí. Nhiều vết rách, thủng dài từ 50 - 70 cm dọc theo hông tàu. Các tàu neo đậu kế bên như Nam Sơn 03, Nam Sơn 05, Nam Sơn 12, Nam Sơn 15 cũng có những dấu hiệu tương tự.

Trước thắc mắc của chúng tôi, ông Chín thừa nhận “tôn hông lâu ngày quá nên nó mục”, nhưng “phía dưới đáy thì đã thay rồi”. Ông khẳng định việc thay tôn hông là đơn giản, chi phí chỉ khoảng 45 – 50 triệu đồng nhưng ông chưa làm vì chưa có thời gian. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc trước lúc đăng kiểm sao không làm luôn, tại sao bên đăng kiểm không yêu cầu? Ông Chín cho biết họ có yêu cầu, nhưng chủ tàu loanh quanh, hứa tới hứa lui rồi không làm luôn. Cuối cùng thì họ vẫn cấp đăng kiểm, coi như “nợ” tiêu chí này.

Một chủ tàu tại Hợp tác xã Nam Sơn cho biết, trước lúc đăng kiểm viên tới kiểm tra, các chủ tàu được yêu cầu sơn lại tàu. Khi sơn, tàu được hút hết cát để “nổi” lên trên. Sau đó tiến hành sơn toàn bộ phần nổi trên mặt nước, phần nào chìm thì đương nhiên không sơn được. Bên đăng kiểm cũng không bắt buộc phải kéo tàu lên để kiểm tra dưới đáy, nên cũng chẳng chủ tàu nào làm. “Mà kéo tàu lên phải kêu máy kéo, chi phí 5 - 7 triệu đồng nữa, tốn kém lắm” - ông Chín nói thêm.

Thông tin chính thức từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, chủ tàu Nam Sơn 04 là Hợp tác xã Khai thác, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng Nam Sơn, trụ sở tại thôn 4, xã Yang Réh, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Giấy chứng nhận đăng kiểm tàu mang số hiệu 00689/19V79, được cấp vào ngày 25/7/2019. Công dụng là tàu chở hàng khô. Năm đóng/hoán cải là 2016.

Theo thông tin từ trang web của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong thời gian từ 10/5/2019 – 5/8/2019, có tất cả 18 tàu của Hợp tác xã Khai thác, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng Nam Sơn được Chi cục Đăng kiểm số 5 cấp chứng nhận đăng kiểm.

Một góc bến tàu hút cát tại xã Yang Réh, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN

Ông Phạm Duy Khánh, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 5, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, trong thời gian từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2020, có khoảng 80 tàu hút cát cũ (còn gọi là tàu đóng không có sự giám sát của đăng kiểm) tại 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông được đơn vị tiến hành kiểm tra và cấp hồ sơ đăng kiểm. Tại 2 tỉnh này, chỉ mới có 2 tàu hút cát được đóng mới có sự giám sát, đăng kiểm theo đúng các quy định của Bộ Giao thông Vận tải.

Theo Sở Giao thông Vận tải Đắk Lắk và Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh là đơn vị cấp giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa. Giấy chứng nhận này chỉ được cấp sau khi chủ phương tiện được đơn vị đăng kiểm cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nếu trong lần đăng kiểm kế tiếp, phương tiện (tàu) nào không “đạt” và không được cấp chứng nhận đăng kiểm thì Sở Giao thông Vận tải không thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đã cấp cho phương tiện đó.

Ngoài một số giấy tờ liên quan thì theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, chủ tàu phải cung cấp 2 ảnh chụp toàn bộ mạn phải tàu ở trạng thái nổi. Sở Giao thông Vận tải không tiến hành kiểm tra thực tế phương tiện. Các vấn đề về quy chuẩn an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đã được đơn vị đăng kiểm thực hiện. Và nếu có bất kỳ vấn đề gì sai sót, thì đơn vị đăng kiểm chịu trách nhiệm.

Thêm nữa, giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa cấp cho tổ chức, cá nhân là sự xác nhận quyền sở hữu phương tiện của cơ quan chức năng đối với tổ chức, cá nhân được cấp. Phương tiện chưa được cấp giấy này thì chưa đủ điều kiện để tham gia giao thông. Tương tự như các phương tiện giao thông đường bộ, chủ tàu có giấy chứng nhận đăng ký vẫn phải tiến hành việc đăng kiểm định kỳ (mỗi năm 1 lần) và nếu phương tiện không được cấp chứng nhận đăng kiểm thì không đủ điều kiện lưu thông (cho dù đã được cấp chứng nhận đăng ký trước đó). Tàu hút cát, cũng như các phương tiện giao thông khác, phải có đủ hai loại giấy này mới đủ điều kiện lưu thông.

Tuy nhiên, việc siết các quy định và tiến hành xử phạt các lỗi liên quan tới đăng ký, đăng kiểm tàu hút cát tại 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông mới được tiến hành từ năm 2017, nhất là từ cuối năm 2018 đến nay, còn trước đó thì hầu như “thả nổi”.

(Còn tiếp)

Anh Dũng - Ngọc Minh - Hưng Thịnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phong-su-dieu-tra/xung-quanh-viec-dang-kiem-tau-tai-dak-lak-dak-nong-tau-cu-rach-muc-van-duoc-cap-chung-nhan-an-toan-ky-thuat-20200324184748576.htm